Ngày 12/7/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng" của tác giả Thanh An và bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo sẽ dạy 2 môn học này trong những năm tới đây.
Chính vì thế, bài viết đã được nhiều trang mạng xã hội của giáo viên chia sẻ lại và có một số ý kiến lo lắng về việc bồi dưỡng 2 môn học tích hợp mà 2 trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh để bồi dưỡng. Sự lo lắng là điều khó tránh khỏi bởi tới đây liệu các trường sư phạm khác có làm điều tương tự hay không?
Và, nếu Bộ không có hướng dẫn cụ thể về lộ trình bồi dưỡng 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở thì giáo viên đi học sẽ phải bỏ tiền cá nhân ra để đóng học phí và việc bố trí thời gian đi học sẽ thực hiện như thế nào?
Nhưng, nếu không đi học bồi dưỡng thì liệu chủ trương của Bộ là tiến tới giáo viên sẽ dạy cả môn học tích hợp thì đội ngũ nhà giáo có thực hiện được hay không?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: pgdhongngu.edu.vn. |
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH chưa cụ thể hóa việc bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp như thế nào
Để chuẩn bị cho việc giảng dạy 2 môn tích hợp ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 tới đây thì ngày 23/6 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và có hướng dẫn các nhà trường về việc bố trí giáo viên giảng dạy và chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để tiến tới làm chủ cả môn học tích hợp.
Cụ thể, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”…
Tuy nhiên, cho dù nhà trường “chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học” nhưng ai bồi dưỡng cho giáo viên và kinh phí bồi dưỡng này ai chịu thì Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH không đề cập và Bộ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc này ở các văn bản khác.
Trong khi đó, 2 trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí trên website của nhà trường…
Hình thức học tập; chương trình bồi dưỡng; kinh phí bồi dưỡng đã được đơn vị này cụ thể hóa trong thông báo. Số tiền mà học viên phải đóng cũng là một số tiền tương đối lớn so với đồng lương hàng tháng của giáo viên và thời gian học tập cũng không hề ít.
Có lớp 20 tín chỉ, có lớp 36 tín chỉ mà theo cách tính thông thường thì 1 tín chỉ bằng 15 tiết học lý thuyết…thì quả là thời gian học tập sẽ không hề ít. Vì thế, dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì các học viên cũng phải bố trí thời gian mới có thể học được.
Đặc biệt, nếu giáo viên đăng ký học tự phát không chỉ là phải bỏ tiền cá nhân mà việc bố trí thời gian học tập cũng không hề dễ dàng trong quá trình học, nhất là lớp có tới 36 tín chỉ sẽ kéo dài thời gian học tập trong nhiều tháng.
Trong khi, giáo viên còn công việc chính là phải giảng dạy trên lớp theo số tiết quy định đã được nhà trường phân công.
Nhà trường sẽ bị động nếu thực hiện theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH
Ai cũng có thể nhìn thấy việc giảng dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 ở cấp Trung học cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn đối với cả nhà trường và những giáo viên đảm nhận 2 môn học mới này.
Bởi, với cách giao nhân sự và khoán kinh phí hàng năm như hiện nay thì Ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng các nhà trường phải tính toán rất kĩ lưỡng để cân đối nhân lực và số tiền ngân sách cấp về hàng năm.
Cho dù là Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên” nhưng thực tế khi thực hiện sẽ khó hơn rất nhiều.
Nếu như hiệu trưởng phân công giáo viên “phù hợp với năng lực chuyên môn” mà dẫn đến việc người này thiếu tiết, người kia thừa tiết thì giải quyết bài toán này cũng không hề đơn giản. Người thiếu tiết có thể vui nhưng người thừa tiết theo quy định họ sẽ phải có ý kiến về số tiền thừa giờ mà họ đã dạy.
Đặc biệt, nếu Bộ, Sở chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thì cũng không có hiệu trưởng nào dám lên kế hoạch cho giáo viên đi bồi dưỡng, học tập. Bởi, lên kế hoạch đưa giáo viên đi học cũng đồng nghĩa là phải tính toán đến phương án chi trả kinh phí đào tạo.
Nếu hiệu trưởng nhà trường cho giáo viên đi học mà chưa có chủ trương không chỉ không được chi kinh phí, chế độ cho đồng nghiệp mà rất dễ bị kỷ luật.
Trong khi, nếu giáo viên không được bồi dưỡng về chuyên môn thì việc giảng dạy trên lớp sẽ gặp nhiều khó khăn. Thôi thì lớp 6, lớp 7 còn dễ, giáo viên có thể cáng đáng được nhưng khi học sinh học lớp 9, các em phải thi chuyển cấp thì việc giáo viên “ôm” cả môn tích hợp để ôn thi là điều không hề đơn giản chút nào.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về lộ trình, kinh phí đào tạo (nếu có) giống như lộ trình nâng chuẩn của giáo viên để các nhà trường, giáo viên chủ động trong mọi kế hoạch của mình.
Việc thực hiện giảng dạy 2 môn tích hợp có liên quan trực tiếp tới tất cả các trường Trung học cơ sở và hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước, nếu Bộ không có hướng dẫn cụ thể về việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên rất dễ dẫn đến tình trạng tự phát như việc học các chứng chỉ trong những năm vừa qua.
Hy vọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có những chỉ đạo cụ thể sự việc này để đội ngũ nhà giáo dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở yên tâm công tác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.