2 môn tích hợp quá mới, sao Bộ lại giao cho trường tự bồi dưỡng giáo viên?

26/06/2021 07:30
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng những giáo viên đã ra trường từ 10 năm trở lên, bây giờ quay lại bồi dưỡng để đảm nhận dạy cả môn Khoa học tự nhiên là điều gần như không thể.

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022 khiến cho đội ngũ giáo viên thở phào nhẹ nhỏm vì áp lực về giáo án đã đỡ đi được rất nhiều so với Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Nhưng, cũng có một bộ phận thầy cô giáo sẽ dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở đã mường tượng ra những khó khăn trong công việc mà họ phải thực hiện ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 tới đây. Bởi, mọi việc không đơn thuần là chuyện giảng dạy môn học mới mà Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH cũng đã hướng dẫn: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Chính vì thế, nhiều nhà giáo có phần lo lắng bởi ngoài chuyện khó khăn về phân công, giảng dạy 2 môn học mới thì nhiều nỗi lo khác là chuyện học tập, bồi dưỡng kiến thức mới đối với giáo viên cũng đã được vạch ra khá cụ thể.

Hai môn tích hợp sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện (Ảnh: N.C.)
Hai môn tích hợp sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện (Ảnh: N.C.)

Trước mắt, các "phân môn" trong môn tích hợp dạy riêng nhưng kiểm tra định kỳ…chung đề

Bắt đầu từ năm học 2021-2022 tới đây Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp 6, điều đặc biệt là cấp học này sẽ triển khai 2 môn học tích hợp, đó là: Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học) và môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ 2 môn Lịch sử và Địa lý trước đây).

Chính vì thế, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn về môn Lịch sử và Địa lý như sau:

“a. Chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau;

Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

b. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

c. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.

Đối với môn Khoa học tự nhiên được Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn:

“a. Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

b. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.

c. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ với môn khoa học tự nhiên được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Như vậy, chúng ta có thể thấy 2 môn tích hợp được xây dựng và thiết kế khác nhau. Môn Lịch sử và Địa lý được thiết kế theo mạch nội dung riêng với 2 phần riêng biệt, phần Địa lý riêng, phần Lịch sử riêng nhưng đối với môn Khoa học tự nhiên thì được thiết kế theo các chủ đề.

Việc phân công giảng dạy đối với 2 môn học tích hợp ở lớp 6 tới đây thì “hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.

Điều này cũng đồng nghĩa là ở năm học tới đây, Ban giám hiệu nhà trường phải tính toán rất kĩ số tiết phân phối chương trình của từng nội dung, từng chủ đề của sách, số tiết dạy theo quy định của mỗi giáo viên để phân công.

Đồng thời, khi mà thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề đối với những nội dung mà liên quan đến các phân môn cũng phải hết sức cẩn thận, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên. Vì nếu không tính toán, phân công cụ thể rất dễ dẫn đến việc giáo viên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Đặc biệt, với hướng dẫn như thế này thì việc kiểm tra thường xuyên sẽ kiểm tra theo từng phân môn, từng chủ đề, ai dạy nội dung nào chịu trách nhiệm kiểm tra nội dung đó.

Nhưng, khi kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối học kỳ) thì kiểm tra chung đề, giáo viên các phân môn chắc chắn phải ngồi lại với nhau tính toán tỉ lệ từng phân môn để xây dựng ma trận và đề kiểm tra. Rồi sau khi kiểm tra sẽ…chấm chung, vào điểm chung…với nhau.

Vì thế, khi vào thời điểm cuối học kỳ, cuối năm học mà giáo viên các phân môn không làm đều tay chắc chắc sẽ có nhiều những bất cập sẽ xảy ra.

Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đảm nhận toàn bộ môn học

Theo hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH thì trước mắt “hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên” cũng là điều… phù hợp.

Tuy nhiên, về lâu dài thì Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học” sẽ là một vấn đề rất nan giải.

Nói thật, ngay từ khi còn trong dự thảo của Chương trình tổng thể, chúng tôi không cho rằng đây là sự đổi mới khoa học mà Bộ đã lấy dây buộc vào chân các nhà trường và giáo viên dạy 2 môn tích hợp. Đang 5 môn học độc lập, đem gộp thành 2 môn nhưng môn Lịch sử và Địa lý vẫn thiết kế thành 2 phần riêng biệt.

Nhưng, ngay cả đội ngũ những tác giả sách giáo khoa đều có học vị, học hàm cao như vậy mà mấy vị cũng chỉ đảm nhận được có phân môn độc lập của mình nhưng Bộ lại đi yêu cầu giáo viên phổ thông “ôm” cả 2, 3 phân môn.

Bây giờ thành chương trình, thành sách giáo khoa rồi lại yêu cầu “Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Hàng trăm ngàn giáo viên 2 môn học này lại phải bỏ thời gian để đi học, lại lãng phí tiền bạc Nhà nước và Nhân dân cho các khóa học này. Nhưng, liệu có học được không? Môn Lịch sử và Địa lý thì giáo viên còn có thể “ôm sô” được chứ môn Khoa học tự nhiên thì không dám hy vọng nhiều

Suốt cả thời gian học trung học phổ thông ôn theo khối, khi lên học cao đẳng, đại học chỉ 1- 2 chuyên ngành mà nhiều giáo viên ra trường còn thấy khó khăn. Bây giờ, học cấp tốc vài ngày, thậm chí vài tháng thì có bao nhiêu giáo viên Lý dạy được môn Hóa và Sinh, ngược lại có bao nhiêu giáo viên Hóa, Sinh dạy được môn Lý?

Mỗi môn học có những đặc thì riêng, nội dung kiến thức riêng biệt, nhiều người đã bỏ các môn học này mấy chục năm thì bây giờ nhìn lại giống như hoàn toàn mới chứ làm sao mà hiểu, mà dạy được?

Chẳng hạn như môn Lý với muôn vàn khái niệm, định luật, công thức tính toán…; môn Hóa với rất nhiều ký hiệu hóa học, hóa trị, khối lượng nguyên tử, phản ứng hóa học…không dễ để giáo viên học bồi dưỡng rồi sẽ “đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học” như lãnh đạo Bộ nói đâu.

Không tin, Bộ cứ để giáo viên dạy hết năm lớp 6 của năm học 2021-2022 sẽ có đáp án cụ thể cho vấn đề này.

Dù hy vọng nhưng chúng tôi cho rằng những giáo viên đã ra trường từ 10 năm trở lên mà bây giờ quay lại bồi dưỡng để đảm nhận dạy cả môn Khoa học tự nhiên là điều gần như không thể. Ngay cả những tác giả viết chương trình, viết sách giáo khoa cũng không làm được chứ đừng nói giáo viên phổ thông.

Vì thế, nhiều thầy cô giáo đọc hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về 2 môn tích hợp mà không khỏi…băn khoăn, lo lắng cho những năm tới đây sẽ phải học tập, bồi dưỡng như thế nào cho hiệu quả để đảm nhận dạy toàn bộ chương trình môn học như Bộ đã yêu cầu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH