Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Bồi dưỡng 3 module Bộ đã kiểm tra rồi Sở vẫn kiểm tra lại, giáo viên mệt mỏi” của tác giả Cao Nguyên, nhiều giáo viên khi đọc bài xong đều có chung cảm nhận “ngao ngán”, đồng cảm với nỗi “thống khổ” của đồng nghiệp ở Vĩnh Phúc và lo lắng địa phương mình cũng sẽ làm theo.
Tạo hứng thú tự học, tự bồi dưỡng, thay vì phải nhờ “vòng kim cô chứng chỉ”
Thầy giáo Lê C. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Thật lòng mình dị ứng với từ “chứng chỉ”. Các loại chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ... là những “giấy phép con”, tuyệt đối không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.
Các loại chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ... đã và đang làm cho giáo dục loay hoay với học để thi, học để lấy chứng chỉ, học lấy bằng cấp, học làm đẹp hồ sơ của cả thầy và trò”.
Cô giáo Ng. chia sẻ “Em tham gia khóa học tập, bồi dưỡng nào mà có thông báo sẽ cấp “chứng chỉ” cuối khóa, là em cảm thấy mất hứng thú học tập toàn phần.
Báo cáo viên thay vì truyền cảm hứng học tập cho giáo viên qua phương pháp, nội dung, kỹ thuật, lại dùng “chứng chỉ” để tạo “động lực” học tập.
Ngay chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà Bộ đang triển khai cũng vậy. Từ module 1, module 2 trở đi đã có thông báo đây là module tích lũy điểm để cấp chứng chỉ. Vì thế, tâm thế học tập của em không có hứng thú, chỉ cố gắng học vì... chứng chỉ”.
Học tập, quan trọng nhất là tự học. Tự học bắt đầu từ hứng thú, muốn tìm hiểu, muốn nâng cao nhận thức của bản thân.
Thành công nhất của giáo dục nói chung, của một nhà giáo nói riêng chính là truyền được hứng thú cho học trò, học trò tự học để tìm tòi kiến thức, tiếp cận kiến thức, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống.
Vì thế, muốn giáo viên học bồi dưỡng thường xuyên đạt kết quả cao, chương trình bồi dưỡng phải cuốn hút, tạo hứng thú cho người học thông qua nội dung chương trình; phương pháp, kĩ thuật của báo cáo viên, chứ không phải nhờ “vòng kim cô chứng chỉ” như hiện nay.
(Ảnh minh hoạ trên Vietnamnet.vn) |
Bồi dưỡng thường xuyên còn có “giấy phép con” Bộ trưởng có biết?
Các loại “giấy phép con” hành nhà giáo mang tên chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học đã bị loại bỏ. Sắp tới đây, “giấy phép con” chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chắc chắn sẽ bị loại bỏ.
Giáo viên trên cả nước đã và đang học online, trực tiếp module 1, 2, 3 (trên tổng số 9 module) để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Để hoàn tất các module, giáo viên phải làm bài tập trắc nghiệm và nộp Kế hoạch bài dạy theo quy định. Cụ thể, module 1 có 20 câu trắc nghiệm; module 2 gồm 20 câu; module 3 nâng lên 30 câu.
Phần trắc nghiệm, giáo viên có thể biết điểm của mình sau khi nộp bài. Phần tự luận do giáo viên hướng dẫn và các trường Đại học Sư phạm chấm. Sau khi chấm, đạt điểm trung bình 50/100 điểm trở lên sẽ được cấp Chứng chỉ.
Giáo viên Trung học phổ thông ở Vĩnh Phúc đã học xong 3 module theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vậy mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc lại tổ chức, yêu cầu giáo viên làm bài kiểm tra để được cấp chứng nhận hoàn thành nội dung bồi dưỡng.
Trên hệ thống bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấm và cấp chứng chỉ, vậy tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc lại tiếp tục đặt ra cuộc thi để cấp chứng chỉ cho giáo viên?
Như vậy, nếu giáo viên đạt yêu cầu trên hệ thống bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đạt yêu cầu trong cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức, sẽ có hai chứng chỉ?
Lúc đó, Giấy chứng nhận (chứng chỉ) hoàn thành nội dung bồi dưỡng mà Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cấp chẳng khác gì “giấy phép con” do mình đặt ra?
Vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đang cấp “giấy phép con” cho giáo viên trong bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018?
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã làm, nếu 62 tỉnh thành khác sẽ làm, kết quả hoàn thành nội dung bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trở nên vô nghĩa?
Người viết mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo kịp thời, giải tỏa thắc mắc của giáo viên trung học phổ thông ở Vĩnh Phúc nói riêng và giáo viên cả nước nói chung.
“Học thật, thi thật, nhân tài thật” chỉ có thể có từ lãnh đạo THẬT. Những chứng chỉ chẳng khác “vòng kim cô” đã và đang làm khổ giáo viên, kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, xin Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đừng để Sở Giáo dục và Đào tạo “đẻ” thêm “giấy phép con” làm khổ giáo viên nữa.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/boi-duong-3-module-bo-da-kiem-tra-roi-so-van-kiem-tra-lai-giao-vien-met-moi-post218454.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.