Bồi dưỡng và thi chứng chỉ tích hợp kiểu này, tôi thấy khó hiệu quả

04/01/2024 06:44
Nguyễn Hoài Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn tích hợp, phân môn nào dạy môn đó chỉ là những giải pháp tình thế, chưa giải quyết được điểm “vướng, nghẽn” về môn tích hợp khi 2,3 giáo viên dạy một môn

Tôi là một giáo viên Vật lý, đứng lớp giảng dạy hơn 20 năm, cũng có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý cấp trung học cơ sở.

Tôi được cử đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên, học 36 tín chỉ (540 tiết) cấp tốc thêm 2 môn Sinh học, Hóa học để có thể dạy học môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở.

Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Việc bồi dưỡng cấp tốc, ngắn hạn khó đạt hiệu quả, mục tiêu

Khi có tên trong danh sách giáo viên đi học, bản thân tôi cũng hồi hộp, lo lắng liệu mình có thể học tập và vượt qua được khóa bồi dưỡng khi kiến thức 2 môn Hóa học, Sinh học của mình rơi rụng đã gần hết sau hơn 20 năm chỉ đi dạy và tập trung vào môn Vật lý.

Lịch học suốt trong tháng 8, tháng 9 thì học ngày thứ 7, chủ Nhật. Vào tháng 9, khi đi học, bản thân tôi vừa lo công việc của trường, đảm bảo dạy đủ số tiết tiêu chuẩn (19 tiết/tuần), phải lo công việc gia đình, đảm bảo sức khỏe,…

Khi bắt đầu vào học, lớp học cũng gần 100 học viên, trong đó nhiều giáo viên lớn tuổi, có nhiều giáo viên còn 1,2 năm nghỉ hưu cũng đi học chứng chỉ này, nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng, một số cũng không hào hứng vì bị buộc phải đi học.

Những tiết học đầu tiên, chúng tôi được các giảng viên trao đổi nội dung về các học phần. Giáo viên mới vỡ lẽ, các học phần này, các môn học là những kiến thức chuyên sâu, giáo trình được viết gần giống với giáo trình dành cho sinh viên sư phạm, các môn học chuyên sâu để giáo viên nắm kiến thức theo kiểu biết 10 dạy 1.

Vì là kiến thức chuyên sâu, với giáo viên đơn môn như tôi kiến thức môn Hóa học, Sinh học đã rơi rụng gần hết. Thú thực, tôi thấy nghe giảng như “vịt nghe sấm”, hoàn toàn không hiểu và cũng không vận dụng được gì vào thực tế giảng dạy.

Nhiều giáo viên học dần chán nản, nhưng được “động viên” cố gắng hoàn thành khóa học, các bài thi sẽ có “ tài liệu ôn tập” kỹ lưỡng, giáo viên trong quá trình học cũng không nên lo lắng, ai bận việc thì có thể vắng, không điểm danh,…

Vì học không hiểu, không nắm bắt được kiến thức nên các buổi học, học viên vắng rất nhiều.

Thiết kế học 2 môn Hóa học, Sinh học là 36 tín chỉ (540 tiết) nhưng việc học trực tiếp chỉ khoảng 50% (thời gian học khoảng 25 ngày), còn lại 50% là làm bài online.

Việc làm bài online thì không phải giống như bồi dưỡng thường xuyên được học trực tuyến mà thực chất là chỉ vào địa chỉ các môn học, xem các tài liệu và thực hiện các câu hỏi, bài tập.

Học trực tiếp chỉ khoảng 50% nhưng kinh phí phải trả vẫn là 36 tín chỉ, mỗi tín chỉ là 250.000 đồng, tổng cộng là 9 triệu đồng (khóa của tôi do ngân sách chi trả, học viên không phải đóng).

Nói chung là việc bồi dưỡng theo tôi là thiếu hiệu quả, nhiều học viên không đủ trình độ để tiếp thu, không đủ sức khỏe, trí tuệ để có thể hiểu, biết và giảng dạy được học sinh cả 3 phân môn, và sau bồi dưỡng cũng không đủ kiến thức để giảng dạy được 3 phân môn.

Việc bồi dưỡng khiến giáo viên rất vất vả, vừa dạy vừa học, vừa lo sức khỏe, tốn thời gian, kinh phí (đi lại, ăn uống, thuê phòng nghỉ,…) nhưng kém hiệu quả, mục tiêu một giáo viên sau bồi dưỡng "ôm" được 3 phân môn gần như không khả thi.

Không biết các lớp khác thế nào, với lớp tôi học, các giảng viên khi giảng dạy, hỏi gì các học viên đều lắc đầu, đều không biết, không nhớ,…nên cũng nản. Rõ ràng, việc bồi dưỡng là một chuyện, sau bồi dưỡng dạy được hay không lại là chuyện khác.

Tôi đã thi và có được chứng chỉ Khoa học tự nhiên như thế nào?

Học viên được học 14 học phần, học trực tiếp khoảng hơn 1 tháng thì được nghỉ 2 tháng để chờ đủ thời gian được thi các học phần.

Quá trình học đã không hiểu, không biết,…nhưng học xong nghỉ tiếp 2 tháng để chờ thi nên sau khi nghỉ về đơn vị công tác, kiến thức của không ít học viên trở về con số 0 tròn trĩnh.

Gần đến ngày thi, giảng viên gửi tài liệu ôn tập chính thức, động viên chúng tôi cố gắng đi thi. Qua trao đổi, tôi biết rất nhiều học viên cũng giống như tôi.

Tới ngày thi, mọi học viên chỉ việc photocopy tài liệu đầy đủ và chuẩn bị tinh thần để chép vì thi đề mở (học viên được sử dụng tài liệu).

Đúng ngày thi, sau khi phát đề, đúng như các giảng viên đã chia sẻ, các câu hỏi, bài tập trong đề đã có trong tài liệu ôn tập, học viên chỉ việc chép vào là xong nên kỳ thi các học phần diễn ra “êm đẹp”.

Sau một thời gian chờ đợi, kết quả được công bố, 100% học viên có tham dự kỳ thi đều đạt, đều được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên (điều kiện tối thiểu để dạy được môn này).

Chứng chỉ thật, kiến thức có bị “ảo”?

Từ những trải nghiệm và phân tích trên, người viết cho rằng các khóa bồi dưỡng không đạt mục tiêu như kỳ vọng là sau khi bồi dưỡng giáo viên không có đủ kiến thức để dạy được 2, 3 phân môn.

Đến nay, đã có nhiều lớp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được mở, được cấp chứng chỉ thật nhưng bao nhiêu thầy cô có chứng chỉ có thể đảm nhận được 2, 3 phân môn? Rõ ràng, theo người viết cần những thống kê, đánh giá để xem xét và có chính sách phù hợp.

Kinh phí bỏ ra để bồi dưỡng là không hề nhỏ, giáo viên tốn thời gian học, thi là thật nhưng sau bồi dưỡng ngoài chứng chỉ được cấp, kiến thức thật đến đâu là điều gây nhiều băn khoăn.

Người viết thấy rằng chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng có nhiều điểm mới hay tiến bộ nhưng điểm nghẽn, vướng về môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là không dễ tháo gỡ nếu không có những điều chỉnh thích hợp.

Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở, hay buổi tập huấn giáo viên dạy các môn tích hợp, phân môn nào dạy phân môn đó chỉ là những giải pháp tình thế, chưa giải quyết được điểm “vướng, nghẽn” về môn tích hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Hoài Nam