Học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp, GV trình bày khó khăn gì về môn KHTN?

19/09/2023 06:44
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đa số giáo viên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại về môn tích hợp và sớm điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Tôi là giáo viên Vật lý đi học lớp chứng chỉ Khoa học tự nhiên (học 36 tín chỉ với 2 phân môn Hóa học, Sinh học).

Ngoài những trải nghiệm “cười ra nước mắt” khi học chứng chỉ tích hợp thì tôi và các giáo viên đi bồi dưỡng cũng không ít lần được nghe giảng viên trường đại học sư phạm đứng lớp bồi dưỡng "cảm thán" về trình độ, khả năng ghi nhớ kiến thức cũ, mức độ tiếp thu về 2 phân môn Hóa học, Sinh học của học viên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong quá trình bồi dưỡng, khi học đến học phần Dạy học môn Khoa học tự nhiên với 3 tín chỉ, giảng viên cho lớp chúng tôi thảo luận và trình bày 2 câu hỏi:

1. Nêu những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên tại bậc trung học cơ sở hiện nay?

2. Mong muốn của bản thân về bộ môn này?

Được giảng viên cho giãi bày tâm tư, muốn nghe phát biểu từ giáo viên ở cấp cơ sở, nhiều thầy cô cũng thực lòng chia sẻ. Sau thời gian thảo luận sôi nổi có thầy cô trình bày về những khó khăn, bất cập khiến không ít giảng viên đứng lớp chia sẻ với chúng tôi sự lo lắng.

Đối với câu hỏi 1 về thuận lợi giáo viên trình bày thuận lợi có 2 ý là giảm được số môn học và sử dụng các kiến thức liên môn để giải quyết sự vật, hiện tượng trong đời sống khiến học sinh sẽ yêu thích môn tự nhiên hơn.

Tuy nhiên, về khó khăn, bất cập thì có nhiều như:

Giáo viên không đủ kiến thức để dạy cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học;

Khi giảng dạy, nhiều học sinh hỏi các câu hỏi có mức độ khó thì giáo viên không thể trả lời tường tận, mất uy tín trước học sinh;

Giáo viên áp lực khi giảng dạy những phân môn mình không có kiến thức;

Thiếu đồ dùng dạy học, đến nay nhiều địa phương chưa có đồ dùng của khối 6;

Có nhiều hướng dẫn về môn tích hợp từ Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo nên giáo viên cũng rối với các hướng dẫn;

Nhiều đồ dùng môn Hóa học, Sinh học, giáo viên Vật lý khó có thể biết cách sử dụng và triển khai cho học sinh, nhất là về hóa chất, mô tả cấu tạo bên trong vật sống,…

Cách thiết kế và trình bày sách giáo khoa gây khó khăn cho quá trình tiếp thu của học sinh, lớp 6,7,8 cơ bản được thiết kế chủ đề thuộc phân môn Hóa học, Vật lý, Sinh học với thời lượng 4 tiết/tuần. Với độ tuổi học sinh trung học cơ sở học phân môn Hóa học, Vật lý, Sinh học 4 tiết/tuần khiến các em quá tải, bên cạnh đó học sinh học phân môn Hóa học xong sau đó bỏ một thời gian quá dài khiến các em không lưu giữ được kiến thức cũ.

Học sinh lớp 7 học phần Hóa học khoảng 7 tuần sau đó bỏ hẳn không học một thời gian dài đến lớp 8 mới tìm hiểu lại về các chất, nguyên tử, phân tử,…khiến việc truyền đạt kiến thức mới gặp nhiều khó khăn;

Việc luyện thi học sinh giỏi Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở cũng sẽ rất khó khăn;

Việc thi vào lớp chuyên Hóa học, Vật lý, Sinh học sẽ như thế nào khi các em không được học các phân môn trên ở trung học cơ sở;

Nếu phân công theo năng lực giáo viên thì có thể phân công 3 giáo viên dạy 1 môn như vậy sẽ khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch dạy học, khó khăn cho việc chia tỷ lệ phần trăm tiết dạy, khó khăn trong việc chia số cột điểm thường xuyên, khó khăn trong ra đề, chấm bài kiểm tra định kỳ,..

Nếu 3 giáo viên dạy một môn thì việc phân công ra đề, chấm điểm, nhận xét học sinh sẽ vô cùng khó khăn, dễ mất đoàn kết nội bộ vì không ai chịu trách nhiệm khi học sinh ở lại, thi lại,..

Nhiều đồng nghiệp của người viết cùng tham gia khóa bồi dưỡng chia sẻ, họ học chứng chỉ tích hợp thực tế đã học trên 70% số tiết của giảng viên trình bày nhưng kiến thức tiếp thu của giáo viên rất hạn chế một phần vì thiết kế chương trình đào tạo tín chỉ Khoa học tự nhiên này tương tự giáo trình dạy cho sinh viên sư phạm ngành Hóa học, Sinh học khi mà kiến thức học sinh còn có thể tiếp thu, mở rộng. Trong khi đó, giáo viên gần như đã quên kiến thức cơ bản nên giảng viên dù có tận tâm giáo viên cũng không nhớ để thực hiện tốt và đương nhiên kiến thức chuyên ngành không nắm sâu thì khó có thể dạy học sinh.

Khách quan nhìn nhận, đa số giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp trong điều kiện khó khăn vì vừa dạy, vừa học, vừa lo sức khỏe, gia đình, vừa lớn tuổi, vừa không có chuyên môn nên quá khó khăn, khó có thể tiếp thu.

Các môn Hóa học, Sinh học thiên về tự nhiên, việc hình thành kiến thức từ thực nghiệm, tuy nhiên suốt quá trình học tín chỉ Khoa học tự nhiên, giáo viên chỉ được nghe trình bày về lý thuyết, phương pháp mà vấn đề trọng tâm, cốt lõi là các thực hành, trải nghiệm thì chưa được tiếp cận, khiến giáo viên sẽ rất lúng túng nếu dạy trái chuyên ngành,…

Giáo viên để dạy được 1 tiết trái chuyên ngành phải tốn rất nhiều thời gian tìm hiểu bài, xem những bài giảng trên các nền tảng mạng xã hội,…nhưng khi lên lớp vẫn không tự tin để giảng dạy.

Việc soạn các kế hoạch bài dạy (giáo án) theo công văn 5512 cũng khiến giáo viên mất quá nhiều thời gian, áp lực,…

Đối với câu hỏi 2, giáo viên mong muốn điều gì về môn tích hợp, đa số giáo viên của lớp học tôi tham dự đều mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại về môn tích hợp và sớm điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên