Bối rối quản lý dạy thêm, học thêm

14/11/2012 07:36
Theo Pháp luật TPHCM
Phần lớn lãnh đạo các sở GD&ĐT đều chưa biết phải triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm ra sao do có nhiều điểm chưa rõ và không có điều kiện thực hiện.
Ngày 12/11, các đại biểu dự hội nghị giao ban năm học 2012-2013 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã dành phần lớn thời gian để phản ánh các thắc mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Nhiều ý kiến cho thấy ngay cả những người làm công tác quản lý giáo dục cũng chưa nắm rõ quy định mới này và cho rằng khó thực hiện vì chưa sát với thực tế.
Trường không kham nổi
Hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận dạy thêm, học thêm là một nhu cầu rất lớn hiện nay của xã hội. Quy định cấm giáo viên dạy thêm tại nhà đã gây ra sự xáo trộn lớn, trong khi các trường học, trung tâm giáo dục chưa đủ điều kiện hoặc chưa sẵn sàng để lấp vào chỗ trống này. Bức bách nhất hiện nay là học sinh lớp 9, lớp 12 không có nơi để phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi; trong khi Thông tư 17 quy định các trường phải đảm bảo các điều kiện mới được cấp phép tổ chức dạy thêm trong nhà trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Theo nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT, phản ứng với Thông tư 17 nhiều nhất lại chính là phụ huynh cấp tiểu học - cấp học bị cấm dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường. Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, nêu: “Tôi đồng tình việc cấm dạy thêm ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phụ huynh có con em học một buổi, nhất là các cháu lớp 1, 2, 3 không biết gửi ở đâu. Các trường có chức năng, điều kiện để đảm nhận việc giữ trẻ không?”. Còn theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, để giảm thiểu dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức học hai buổi hoặc bán trú nhưng điều kiện cơ sở vật chất hiện nay không thể nào kham nổi.
Nhiều ý kiến khác cho rằng ngay cả các cấp học THCS, THPT cũng chưa đủ điều kiện để tổ chức các cơ sở dạy thêm theo quy định của Thông tư 17, “Bộ sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?” - ông Phan Văn Dũng đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
“Thông tư 17 còn nhiều điểm lỏng lẻo. Chẳng hạn, khi các giáo viên về hưu tổ chức cơ sở dạy thêm rồi mời các giáo viên tại các trường đến dạy cho chính học sinh của lớp chính khóa của họ thì có khác gì nhau đâu. Mặt khác, Thông tư 17 cũng chồng chéo khi cho rằng việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi là hoạt động dạy thêm, học thêm vì lâu nay đây là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của nhà trường” - ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, nói.
Vẫn chưa có giải pháp cụ thể
Băn khoăn của đa số lãnh đạo các sở GD&ĐT là chưa biết sẽ cụ thể hóa Thông tư 17 như thế nào. Đến nay, trên thực tế phần lớn các tỉnh đều chưa thực hiện Thông tư 17 mà tìm những điểm có thể nới lỏng để giải tỏa nhu cầu dạy thêm, học thêm.
Ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Sau khi Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên xin ý kiến việc triển khai thực hiện Thông tư 17, UBND tỉnh Phú Yên đã xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương vận dụng. Ý kiến của đồng chí bí thư Tỉnh ủy là nên nghiên cứu kỹ chủ trương để… nới lỏng hơn so với Thông tư 17”.
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vẫn khẳng định Thông tư 17 là một sự đúc kết toàn diện các quy định về dạy thêm, học thêm. Giải thích việc có nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 17 còn lỏng lẻo, chưa khả thi, ông Quý nói: “Các địa phương tham khảo Thông tư 17 chưa toàn diện. Quy định chặt chẽ nhưng các địa phương làm chưa tốt, chẳng hạn Thông tư 17 không cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ở các lớp chính khóa đi học thêm tại các trung tâm nhưng giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng và được hiệu trưởng đồng ý. Việc này nhằm nghiêm cấm giáo viên bớt xén chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm”.
Cũng theo ông Quý, trước mắt để đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Bộ giao các địa phương tổ chức các trung tâm, cơ sở dạy thêm phù hợp với điều kiện của địa phương. Riêng cấp tiểu học, Bộ kêu gọi các địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức học hai buổi/ngày, những nơi chưa đủ điều kiện thì khuyến khích các cơ sở bên ngoài nhà trường tổ chức các lớp học năng khiếu.

Không nên áp dụng cứng nhắc

Quy định về dạy thêm, học thêm được thực hiện theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT chính thức từ ngày 1-7-2012. Thông tư quy định cụ thể về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp dạy thêm, học thêm, tổ chức dạy thêm, học thêm, thủ tục cấp phép, trách nhiệm quản lý... Tuy nhiên, quá trình triển khai trong hơn bốn tháng qua đã phát sinh một số vấn đề cần phải tiếp tục xem xét, điều chỉnh.

Trao đổi với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, khẳng định việc địa phương quyết liệt triển khai để chấn chỉnh những hành vi tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là cần thiết nhưng quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo, phản giáo dục như báo chí từng phản ánh: Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm, nơi lập biên bản cấm dạy thêm ngay trong giờ học. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến, hướng dẫn Thông tư 17, giúp các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện và chấp hành đúng các quy định về dạy thêm, học thêm. “Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận các phản ánh của báo chí và nhân dân về những trường hợp tiêu cực, hành động phản giáo dục liên quan đến dạy thêm, học thêm, từ đó có hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật” - ông Bằng nói. (Theo Chinhphu.vn)

Theo Pháp luật TPHCM