Bốn ý kiến cho kỳ thi quốc gia của thầy Thiên Ấn

08/08/2017 07:00
THIÊN ẤN
(GDVN) - Bên cạnh những thành công, hiệu quả to lớn thì kỳ thi quốc gia và xét tuyển sinh đợt 1 vừa rồi vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế cần được điều chỉnh, sửa đổi.

LTS: Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đợt 1 đã vừa kết thúc, nhằm nhìn lại những thành tích đạt được cũng như một số mặt còn tồn tại, hạn chế, tác giả Thiên Ấn đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này

Cũng theo tác giả, rút kinh nghiệm từ kỳ thi quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải lắng nghe, nghiên cứu, điều chỉnh và có các biện pháp giải quyết phù hợp nhằm tạo tiền đề tốt cho những năm tiếp theo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017, cả nước đã có 865.975 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp trung học phổ thông là 225.550 em. 

Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng là 640.425 em (chiếm 73,95%). Tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng đến khi xét tuyển là 445.626 thí sinh (chỉ tiêu xét học bạ là 93.452 em; chỉ tiêu xét kết quả thi trung học phổ thông quốc gia là 352.174 em).

Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển cùng đăng ký dự thi là 2.552.518 thí sinh. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung (điểm sàn) 15,5 điểm. 

Số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 trên điểm sàn là 424.105 em, tỷ lệ số dư là 1,39 (không tính chỉ tiêu và tổ hợp có môn năng khiếu do các trường tổ chức thi, kiểm tra). 

Số thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực là 17.558 em. 

Số thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực đã đăng ký nhập học là 8.373 em.

Hình ảnh các thí sinh tham gia điều chỉnh nguyện vọng dự thi (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh các thí sinh tham gia điều chỉnh nguyện vọng dự thi (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Sau khi biết kết quả điểm thi tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, đã có 300.012 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (chiếm 46,84% số thí sinh đăng ký xét tuyển ban đầu). 

Trong đó, trực tuyến là 24.6542 thí sinh, chiếm 82% tổng số điều chỉnh nguyện vọng; bằng phiếu là 53.470 thí sinh, chiếm 18%. 

Ngay trong đợt 1 đã có tới 170 cơ sở giáo dục tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh).

Có thể nói, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các thí sinh năm nay được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, đặc biệt là sau khi biết kết quả điểm thi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với các điều kiện tuyển sinh, kết quả làm bài.

Qua đó, nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề theo nguyện vọng, sở trường… được thí sinh, các nhà trường và xã hội ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao. 

Đây là một quy định phù hợp và nhân văn đối với thí sinh bởi khi đăng ký xét tuyển lần đầu, thí sinh được thể hiện nguyện vọng và định hướng lựa chọn ngành nghề ban đầu cho mình, song do chưa biết điểm thi và tương quan điểm giữa các thí sinh nên vẫn có rủi ro. 

Do đó, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi giúp cho thí sinh xác định chính xác hơn khả năng của mình, qua đó có thể trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Điểm thành công lớn ở kỳ thi tuyển sinh 2017 là việc áp dụng công nghệ thông tin một cách triệt để hơn trong tất cả các khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển… nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch…

Bốn ý kiến cho kỳ thi quốc gia của thầy Thiên Ấn ảnh 2

Thêm nhiều trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn

Thầy Trần Quang Trình, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác tuyển sinh của Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) cho biết:

“Các phần mềm chuyên dụng của Bộ Giáo dục và đào tạo năm nay được thiết kế quá tốt, đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất, không có chuyện thí sinh đạt điểm cao mà bị trượt đại học, đồng thời giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo. 

Công tác tuyển sinh đại học năm 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả, giúp cho học sinh và phụ huynh ít tốn kém, đồng thời giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung”. 

Nhờ công tác chuẩn bị tốt, phối hợp tốt nên chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện quy trình xét tuyển, về cơ bản, công tác tuyển sinh đã được giải quyết ở đợt 1. 

Tỷ lệ trúng tuyển đợt 1 cao nên sẽ còn ít trường phải xét tuyển bổ sung. Kết quả tuyển sinh đợt 1 đảm bảo các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả.

Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào, đảm bảo và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, cũng như giữa các nhóm trường khá rõ ràng. 

Tiến sỹ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhận xét: 

“Phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng được thực hiện bài bản, khoa học và trơn tru. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển đại học, cao đẳng đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành. 

Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giảm nhân lực tham gia vào công tác tuyển sinh. Nhờ đó, công tác tuyển sinh được thực hiện nhẹ nhàng, khoa học và hiệu quả.

Có thể nói, đây là một kỳ thi thành công trên nhiều phương diện và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ sự đồng thuận, hoan hỷ”.

Bên cạnh những thành công, hiệu quả to lớn ấy thì kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay và xét tuyển sinh đợt 1 vừa rồi vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe, nghiên cứu, điều chỉnh cho những năm tiếp theo. 

Bốn ý kiến cho kỳ thi quốc gia của thầy Thiên Ấn ảnh 3

Rơi lệ vì 29 – 30 điểm vẫn trượt đại học

Thứ nhất: mức độ phân hóa giữa các đề thi trắc nghiệm khách quan chưa thật tốt, dẫn đến điểm thi đạt điểm tuyệt đối, điểm chuẩn, điểm trúng tuyển vào đại học năm nay cao kỷ lục.

Từ đó, sẽ gây khó cho công tác tuyển sinh của nhiều trường, buộc phải dùng đến các chỉ số phụ, điểm ưu tiên, điểm khuyến khích, có một vài trường hợp thí sinh điểm thi đạt 29,25; 29,35, thậm chí 30 điểm vẫn không trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích. 

Thứ hai: cách thiết kế thời gian làm các bài thi tổ hợp chưa hợp lý. Thời gian 10 phút giao nhau giữa các môn thi thành phần, một số Hội đồng coi thi, điểm thi còn lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý.

Một số thí sinh ở các phòng thi khi ra ngoài uống nước, đi vệ sinh… đã có những biểu hiện trao đổi bài, giúp đỡ lần nhau mà cán bộ không kiểm soát, phát hiện được. 

Thứ ba: cách bốc thăm ngẫu nhiên giữa các cán bộ coi thi ở một số Hội đồng coi thi, Điểm coi thi chưa được thực hiện triệt để, gần như là phát thăm chứ không phải là bốc thăm, dễ nảy sinh tình trạng tiêu cực, thông đồng, có sự dàn xếp trước giữa lãnh đạo hội đồng, điểm thi với cán bộ coi thi.

Thứ tư: sau khi có kết quả điểm thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều em học sinh rất lúng túng, mơ hồ, thiếu thông tin về cách thức cũng như ý nghĩa của việc điều chỉnh các nguyện vọng xét tuyển sinh vào đại học.

Cho nên, việc điều chỉnh nguyện vọng không đúng, không sát với kết quả điểm thi, ngành, trường đã dẫn đến việc trúng tuyển những đại học chưa đúng với sở trường, yêu thích, hoàn cảnh gia đình, kinh tế của các em.

THIÊN ẤN