Bóng đá Việt Nam: Sống vì tiền, chết cũng bởi tiền

09/10/2012 13:05
Mai Phương
(GDVN) - Bóng đá Việt Nam vào thời khủng hoảng. Người ta chợt nhớ đến câu nói của HLV Alfred Riedl: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.
Kinh thế đang khủng hoảng, bóng đá Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng. Bởi thời đại này, không có tiền, làm bóng đá sao nổi đây?

Các ông bầu và nhà tài trợ lần lượt tuyên bố rút vốn khỏi các câu lạc bộ. Người ta nhắc đến việc bóng đá Việt Nam đang trở lại với giá trị thật của nó. Vậy suốt trong những năm được gọi là chuyên nghiệp hóa vừa qua, bóng đá Việt Nam đã sống trong những giá trị ảo.

Ngôi sao tiền tỷ Công Vinh đi về đâu khi CLB Hà Nội của bầu Kiên không thể tham dự mùa giải mới? Ảnh: Tuấn Hữu
Ngôi sao tiền tỷ Công Vinh đi về đâu khi CLB Hà Nội của bầu Kiên không thể tham dự mùa giải mới? Ảnh: Tuấn Hữu

Ảo ở đâu? Căn bệnh chạy theo thành tích, hay thực ra là muốn nhanh chóng PR tên tuổi của mình khiến các ông bầu vung tiền chi những khoản lót tay tiền tỉ để mua sao. Thị trường chuyển nhượng điên đảo với những bản hợp đồng khủng. Rồi tiền lương, tiền thưởng cũng cứ thế mà lũy tiến theo. V-League bỗng dưng trở thành mảnh đất màu mỡ, nơi kiếm tiền dễ hơn bao giờ hết với không chỉ cầu thủ nội mà còn thu hút được những ngôi sao ngoại.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến về bài viết này.
Tiếp đến, chức vô địch ‘danh giá’ của giải đấu luôn được xưng danh là hấp dấn nhất Đông Nam Á cũng được ảo hóa nhờ sức mạnh đồng tiền dựa trên các mối quan hệ. Đến ngay cả những cảm xúc của người hâm mộ là danh hiệu ‘Hội cổ động viên tốt nhất năm’ cũng được ảo theo một V-League sặc mùi tiền.
Những giá trị ảo ấy đã giết chết không ít những giá thật, những giá trị truyền thống. Nam Định, Đồng Tháp, Cảng Sài Gòn, Thể Công… đang ở đâu. Những trung tâm bóng đá hàng đầu của Việt Nam sống lay lắt rồi dần đi vào dĩ vãng sau khi tiền của các ông bầu đổ bộ vào V-League.

Bóng đá Việt Nam chưa thể làm giàu từ tiền bán vé, bản quyền truyền hình hay hợp đồng quảng cáo, và khi kinh tế khủng hoảng thì các ông bầu tháo chạy cũng là điều tất lẽ. Tiền hết, cái sự thăng hoa giả tạo của bóng đá Việt Nam cũng vì thế mà thoái trào. 

Bầu Kiên vướng vòng lao lý, hai câu lạc bộ của ông bầu khét tiếng này lao đao vì không thể đào đâu ra nguồn đầu tư. Bầu Hiển, ông bầu từng bao lần vỗ ngực lớn tiếng: ‘Tôi làm bóng đá vì đam mê’ cũng đã ‘chạy mất dép’. Hàng loạt câu lạc bộ khác cũng đang trong tình trạng không biết sống chết thế nào. VFF và VPF thì lo nơm nớp vì chẳng biết mùa giải tới sẽ tổ chức thế nào và có được bao nhiêu đội bóng đủ sức dự giải.

Cựu HLV tuyển quốc gia Alfred Riedl đã nói câu ‘bất hủ’ trên được 15 năm, nhưng dường như các vị lãnh đạo cộm cán của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thật sự nhận ra ‘cái nóc’ ấy ở chỗ nào thì phải…
Mai Phương