Bóng đá Việt: Vung tiền vô tội vạ và giờ trả giá

09/10/2012 10:06
Theo Lao động
HN T&T bỏ ra 1 triệu USD để ký với Samson, Huỳnh Kesley cũng đòi Sài Gòn Xuân Thành mức lương 10.000 USD/tháng và khoản lót tay 200.000USD...
Ngót nghét 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ vừa qua đã “dũng cảm” đưa ra một nhận xét làm những người lâu nay không đánh giá cao ông trên cương vị người cầm lái VFF phải giật mình: Bóng đá VN đang phải trả giá vì phát triển quá nóng.Chạy đua “lương, thưởng, lót tay” ĐH thường niên VFF vừa qua đã phải “hạ” chuẩn với các CLB chuyên nghiệp của VN để giúp họ tồn tại bằng cách chưa áp dụng quy chế cấp phép CLB chuyên nghiệp theo chuẩn của AFC, trong đó yêu cầu mỗi CLB phải có học viện đào tạo bóng đá và có đủ các ĐT trẻ tham gia các giải bóng đá từ U.11 đến U.19. Kết quả của 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp ở VN là vẫn chưa có CLB nào ở V-League đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu với một CLB chuyên nghiệp, mặc dù con số đầu tư cho bóng đá “chuyên nghiệp” thì đã tăng gấp 10 lần trong hơn 10 năm qua.
Bầu Thụy là một trong những ông bầu chịu chơi và chịu chi nhất V-League.
Bầu Thụy là một trong những ông bầu chịu chơi và chịu chi nhất V-League.
Vậy số tiền đó đổ vào đâu? Chủ yếu là trả lương, thưởng và tiền “lót tay” cho cầu thủ với những cái giá trên trời. 10 năm trước, khi ông Đoàn Nguyên Đức lấy lại đội bóng phố núi, đặt tên là HAGL, đem về cả Kiatisuk lừng lẫy Đông Nam Á, toàn bộ kinh phí nuôi đội bóng cũng chỉ đến 20 tỉ đồng. Năm 2001, Trung Kiên từ Nam Định về TPHCM với giá 250 triệu đồng; 2 năm sau, Minh Phương từ CSG về ĐTLA với mức hơn 400 triệu đồng, đã là kỷ lục. Còn mùa bóng 2012, với cái giá của một ngôi sao như Công Vinh là 14 tỉ đồng, Phước Tứ 12 tỉ, thậm chí cỡ như Đình Tùng về Hải Phòng cũng 10 tỉ, thì với khoản tiền đó của bầu Đức, may lắm chỉ mua được... hơn 1 ngôi sao. Với ngoại binh, lương và lót tay cũng tăng chóng mặt. Nếu 10 năm trước, chân sút Amaobi ở Nam Định với mức lương 1.500USD đã là “mỹ mãn” lắm thì bây giờ, mức lương 10.000 - 15.000USD với một cầu thủ ngoại là chuyện bình thường. Năm ngoái, để ký đuợc hợp đồng với chân sút Samson, HN T&T đã phải bỏ ra 1 triệu USD, còn năm nay, trước khi bị rớt giá, Huỳnh Kesley cũng đòi Sài Gòn Xuân Thành mức lương 10.000 USD/tháng và khoản lót tay 200.000USD. Chạy theo cuộc đua “lương, thưởng, lót tay”, cho dù ngân sách có dồi dào như Hải Phòng, Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn (cỡ 100 tỉ đồng/mùa), cũng chỉ đủ để mua và nuôi dàn cầu thủ trong đội hình chính, không còn tiền đâu để phát triển bóng đá trẻ.Khi các ông bầu bỏ chạy... Vì vậy, khi các ông bầu bỏ chạy trong thời buổi kinh tế khó khăn, để lại những CLB với dàn sao quen được hưởng lương, thưởng cao chót vót, chân đế đào tạo trẻ trống rỗng, các CLB chỉ quen nhận tiền rót xuống từ ông chủ, mà không biết tự nuôi sống mình bằng bóng đá, thì CLB đó đứng trước nguy cơ xóa sổ nếu không tìm được một ông bầu khác.   Hiện tại, đó là tình cảnh của N. Sài Gòn khi ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ gửi “tâm thư” cho LĐBĐ TPHCM xin trả lại đội bóng, sau khi đã tiêu tốn 300 tỉ đồng cho 3 mùa bóng. SLNA thì đang như ngồi trên đống lửa, khi mùa bóng đã khai cuộc đến nơi mà nhà tài trợ của đội là Ngân hàng Bắc Á cũng chưa thấy đả động gì đến việc ký lại hợp đồng tài trợ cho mùa bóng mới. Với ngân sách 70 tỉ đồng/mùa, SLNA chỉ là đội bóng “thường thường bậc trung” ở V-League và họ cũng làm khá tốt công tác đào tạo trẻ, nhưng lãnh đạo đội bóng này cũng phải thừa nhận, nếu không có tiền để giữ chân cầu thủ thì có khả năng họ không thể bắt đầu mùa bóng mới. CLB Hà Nội cũng đang phập phồng chờ quyết sách từ vợ bầu Kiên, khi mà ông bầu nhiều công trạng với bóng đá VN này chưa biết khi nào sẽ thoát vòng lao lý. Một cầu thủ Hà Nội thừa nhận, họ đã được “bóng gió” về chuyện được trả lại Hà Nội như N. Sài Gòn. SHB Đà Nẵng cũng đang lo khi bầu Hiển rút vốn. Chưa đến mức giải thể, nhưng hai đội bóng dính dáng đến ngành ximăng là Ninh Bình, Thanh Hóa cũng đang trong tình trạng nợ lương, thưởng cầu thủ mấy tháng trời. Nếu tính đủ, ít nhất cũng phải một nửa trong số CLB dự V-League sang năm đang đứng trước nguy cơ bị ông chủ “bỏ rơi”. “Phao” ở đâu cho họ nổi, khi mà tự các CLB này chưa thể đứng bằng đôi chân của mình?
Còn gì cho cầu thủ?

Sau khi đăng bài về quy định mới của VFF, nâng độ tuổi chuyển nhượng tự do của các cầu thủ trẻ từ 23 lên 25 tuổi, nhiều cầu thủ, HLV đã lên tiếng phản đối. Hầu hết họ đều “sốc” với quyết định mới này.

Đội trưởng ĐTQG và SLNA Nguyễn Trọng Hoàng: Tôi bị sốc khi đọc tin này trên báo sáng nay. Quy định nâng độ tuổi được chuyển nhượng tự do của các cầu thủ từ 23 lên 25 thật là quá vô lý và thiệt thòi cho cầu thủ. Ở VN, độ tuổi mà một cầu thủ có thể ở đỉnh cao phong độ chỉ là 29-30 mà thôi, đến 25 tuổi mới được ra đi thì chỉ còn 3-4 năm, còn gì cho cầu thủ? Mong muốn của tôi sau 6 năm cống hiến cho đội là được tìm một môi trường mới để phát triển. Tôi cũng hy vọng là quy định mới này không được áp dụng ngay trong năm nay bởi vì đến ngày 31.12.2012, một loạt cầu thủ SLNA như Âu Văn Hoàn, Văn Bình, Quang Tình và tôi mới hết hạn hợp đồng.    

Tuyển thủ QG và SLNA Âu Văn Hoàn: Quy định như vậy thật quá vô lý. Có phải họ chỉ muốn cho chúng tôi không tồn tại được nữa hay không? Tôi cũng đã cống hiến cho CLB 6 năm, đến lúc được ra đi thì lại như thế này. Tôi không biết tại sao những người lớn lại ra một quyết định như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi là người lao động cũng phải có quyền lợi chứ.

HLV Trần Văn Phúc (thành viên Hội đồng HLV QG): Tôi không phản đối quy định nâng độ tuổi chuyển nhượng lên 25, nhưng tôi nghĩ làm gì cũng phải có lộ trình, vừa công bố rồi thực hiện ngay lập tức thì rất thiệt cho cầu thủ.
(còn tiếp)
Theo Lao động