Văn hóa cổ động viên Việt Nam

Chửi bới chỉ là một trong những thói rất xấu của cổ động viên Việt Nam

16/11/2012 13:30
Ngô Đức Tú
(GDVN) - Tôi đã từng thấy trên báo hình một tuyển thủ quốc gia trận đó không thi đấu, ngồi trên khán đài, gác chân lên ghế nơi có một cụ già khoảng 70 tuổi đang ngồi.
LTS: Bàn về văn hóa cổ động viên, rất nhiều người hâm mộ Việt Nam thể hiện ý thức cực kém khi đến sân thưởng thức các trận đấu. Không chỉ chửi bới cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên, gây gổ với cổ động viên đội bạn... nhiều khán giả đến sân còn dường như không có ý thức ngay từ những việc nhỏ nhất như vứt rác bừa bãi, hút thuốc, hát Quốc ca... Báo Giáo dục Việt Nam xin trích đăng bài viết của một độc giả phản ánh về sự vô ý thức của một bộ phận cổ động viên Việt Nam hiện nay.

Như một thói quen, cứ mỗi cuối tuần, tôi lại đến sân Hàng Đẫy để thưởng thức một trận đấu của giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam. Tôi đi xem đã nhiều, nhưng mới chỉ mới đây tôi mới nhận ra, dân mình còn quá thiếu ý thức, ngay cả khi đến sân xem bóng đá.

Tôi không muốn nói đến hoạt động của các Hội CĐV trên sân, điều tôi muốn nói nằm ở ý thức của mỗi người khi đến sân, bỏ qua là họ có hâm mộ, có là fan của đội nào hay không. Đầu tiên phải nhắc tới thuốc lá, sẽ là rất khó chịu khi bạn là người ghét khói thuốc mà lại phải ngồi cạnh người đang dùng thứ đó. Bạn muốn đi ra chỗ khác ngồi cũng không được vì trận đấu đang diễn ra, bạn đi lại sẽ sẽ gây ảnh hưởng tới rất nhiều người. Mà ngồi yên vị tại chỗ thì coi như bạn đã chấp nhận kẻ thù đó làm bạn với mình.

Một bộ phận người hâm mộ Việt Nam thể hiện ý thức rất tồi trên khán đài. (Ảnh minh họa)
Một bộ phận người hâm mộ Việt Nam thể hiện ý thức rất tồi trên khán đài. (Ảnh minh họa)

Việc tiếp theo tôi muốn nhắc tới đó là khi bạn đang xem, bỗng dưng có cái chân gác lên ghế bạn đang ngồi, bạn sẽ cảm thấy sao? Thứ nhất, bạn sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Thứ hai, sẽ vô cùng tức giận khi người đó có tiền sử bệnh ở chân hoặc họ rung chân. Tôi đã từng thấy trên báo hình ảnh một tuyển thủ quốc gia trận đó không thi đấu, ngồi trên khán đài, gác chân lên ghế trước. Mà hàng ghế trước, người đang ngồi là một cụ già, cũng khoảng 60, 70 tuổi. Mọi người sẽ nghĩ sao khi xem ảnh đó?
Còn nữa, trước mỗi trận đấu, các đội đều phải hát Quốc ca. Khi đó các cầu thủ, khán giả cùng phải hướng về Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng đằng này, trên khán đài thì khán giả người đứng, người ngồi, người loay hoay tìm chỗ, người nghịch điện thoại; dưới sân thì cầu thủ tranh thủ đứng khởi động nốt, người lắc hông, người xoay khớp, người nhai kẹo. Họ vô tình họ đã làm mất đi một nét đẹp của người Việt Nam. Không hiểu khi những hình ảnh này được báo chí nước ngoài nhắc tới, họ sẽ đánh giá người Việt Nam ta ra sao? Nhưng cũng rất may là còn có những bạn trẻ coi việc hát Quốc ca là một nghĩa vụ cao cả, họ hát say sưa, hát đầy kiêu hãnh. Một hôm tôi online Facebook và tôi đã thấy một status thế này: "Chờ mãi đến cuối tuần để có thể lên sân, để có thể hát thật to Quốc ca". Tôi yêu sao những con người như thế. Họ yêu Tổ quốc mình ngay cả trong những câu hát Quốc ca.

Và đến khi trọng tài thổi tiếng còi kết thúc trận đấu, những khán giả đi xem cũng không thể thưởng cho các cầu thủ dưới sân những tràng pháo tay sao? Họ nhanh nhanh chóng chóng tìm đường ra về. Họ không thể dành nổi 1 phút ở lại để nhìn, để vỗ tay hoan hô cho kẻ thắng trận, vỗ tay động viên cho người bại, cho tổ trọng tài điều hành trận đó sao? Khi đó người thắng như được tôn vinh hơn, kẻ bại như được sẻ chia hơn. Về sớm hơn vài phút có giải quyết được thêm vấn đề gì không? Họ chen nhau, trèo leo qua các hàng ghế, dẫm chân lên cái chỗ mà mình còn ngồi vài phút trước, dẫm chân lên cái cờ mà mình đã phất trước đó.

Khi khán giả đã ra về hết, trên khán đài chỉ còn lại cái bóng của những người bán hàng đang dọn dẹp những tàn tích mà khán giả để lại. Đó là những túi nước uống dở, đó là những tờ báo vất vưởng đâu đây, đó còn là những bọc vỏ hạt hướng dương... Nếu những khán giả đến xem có ý thức hơn một chút, ở lại thêm một chút để vứt những thứ đó đi thì đâu còn những người vất vả chạy theo dọn dẹp nữa, đâu còn cảnh chen chúc nhau ở cửa về nữa.

Sau mỗi trận đấu, tôi thường ra cửa 7 để chờ cầu thủ ra về. Tôi muốn chụp ảnh cùng họ, bắt tay họ, động viên họ sau mỗi trận đấu. Rất vui là có nhiều, nhiều người hâm mộ cũng cùng đứng đó, để chờ cầu thủ đi ra, có khi chỉ để nhìn cầu thủ cho gần hơn. Tôi rất yêu những tấm hình, những cái bắt tay, những lời động viên của người hâm mộ với cầu thủ. Lúc này, gần như không còn khoảng cách nữa, cầu thủ với người hâm mộ, họ như những người anh em trong nhà, động viên, chụp ảnh với nhau.

Một trận đấu với tôi sẽ chỉ kết thúc khi bóng dáng chiếc xe bus chở đội bóng khuất dần và biến mất...

* Nếu bạn là một CĐV bóng đá Việt Nam và có ý kiến bình luận/phản biện... bài viết này, hãy gửi cho Báo Giáo dục Việt Nam qua hộp thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Mọi ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng sẽ được báo đăng tải đầy đủ! Trân trọng cảm ơn!
Ngô Đức Tú