'Chuộng' Việt kiều, ông Lê Hùng Dũng và VPF dễ bị kiện

06/12/2011 10:45
Nam Kha (Thể thao 24h)
Ông Lê Hùng Dũng khi đề xuất ý tưởng bắt đầu từ mùa bóng 2012, cầu thủ Viềt kiều được tạo điều kiện thi đấu ở V.League, hạng Nhất như một cầu thủ nội...
Báo chí hưởng ứng như một tín hiệu tích cực cho BĐVN. Nhưng, không ai để ý rằng nếu điều đó xảy ra, V.League có thể bị kiện lên FIFA và Toà án thể thao quốc tế (CAS) như chơi.

Muốn gì cũng phải dựa trên luật


Hiểu theo nghĩa phổ thông nhất như ông Lê Hùng Dũng, cầu thủ Việt kiều là cầu thủ có bố-mẹ, ông-bà là người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Tức về mặt pháp lý, cầu thủ Việt kiều chỉ có quốc tịch của nước sở tại (Anh, Ý, Pháp, Mỹ, Đức, Nga…) chứ không mang quốc tịch của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Lee Nguyễn sẽ được xem như cầu thủ nội?
Lee Nguyễn sẽ được xem như cầu thủ nội?

Đối tượng cầu thủ Việt kiều này được tạo điều kiện thi đấu ở V.League trong tư cách một cầu thủ nội, còn việc họ nhập quốc tịch VN hay không là tuỳ theo đơn thủ tục xin phép của họ cũng như sự đồng ý của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Mấu chốt vấn đề nằm ở đây. Trên tinh thần luật FIFA, việc xác định cầu thủ nội hay ngoại đều phải dựa trên quốc tịch của cầu thủ đó đang nắm giữ chứ không có bất kỳ ngoại lệ nào khác.

Đối chiếu sang bóng đá Ý, TBN, BĐN. Về mặt lịch sử di cư, người Ý, người TBN đã sang Argentina rất nhiều và chiếm đa phần cư dân của quốc gia Nam Mỹ này. Giống như vậy là người Bồ ở Brazil. Ví dụ, Lionel Messi có gốc gác người Ý di cư nhưng chưa bao giờ nước Ý “dám” tạo điều kiện để những cầu thủ như Messi thi đấu ở Serie A như một cầu thủ Ý.


Trường hợp khác là tiền vệ Mauro Camoranesi là người gốc Ý sinh ra, lớn lên  ở Argentina. Khi mới sang Ý thi đấu (2000) cho Verona, Camoranesi được coi là cầu thủ ngoại. Cho đến năm 2003, khi nhập tịch Italia, Camoranesi mới chính thức thi đấu ở Serie A với tư cách cầu thủ nội và sau đó được gọi vào Azzurri. Tương tự như vậy là tiền vệ Deco của tuyển BĐN.

Luật FIFA quy định rõ ràng về mặt quốc tịch cầu thủ như thế, BĐVN không thể làm bừa theo kiểu “nghĩ gì nói nấy” như ông Lê Hùng Dũng trình bày, cho dù về ý tưởng là điều tốt khi chúng ta quy tụ được nguồn lực của người Việt xa xứ.

Ai kiện VPF?

Một khi VPF đã không thực hiện đúng luật thì nguy cơ xảy ra tranh chấp, pháp lý sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc mở cửa cho cầu thủ Việt kiều đồng thời siết chặt “quota” cầu thủ ngoại sẽ khiến các cầu thủ ngoại thi đấu ở Việt Nam mất cơ hội kiếm việc nên coi đây điều này là sự bất bình đẳng mà VPF tạo ra và họ chính là đối tượng sẽ nộp đơn khởi kiện. Kế đến, các nhà môi giới cầu thủ bị ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp cũng dễ đưa VPF ra FIFA hay CAS.
Deco chọn Bồ Đào Nha thay vì Brazil để cống hiến.
Deco chọn Bồ Đào Nha thay vì Brazil để cống hiến.

Có thể nói những nhà điều hành BĐVN chưa lường hết được tình huống xấu này khi thiếu thông tin và tham chiếu về luật của FIFA lẫn những tiền lệ của bóng đá châu Âu, Nam Mỹ.

Thu hút nguồn lực Việt kiều là chính sách đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện khoảng 3 năm qua, đặc biệt trong mảng cấp lại quốc tịch Việt Nam cho Việt kiều đã được mở rộng. Rất nhiều Việt kiều về nước làm ăn, sinh sống (đặc biệt là Việt kiều Mỹ) đã xin lại được quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ được quốc tịch nước sở tại. Cha con cầu thủ Lee Nguyễn là ví dụ điển hình. Thời hạn cuối để người Việt ở nước ngoài xin cấp lại quốc tịch VN là năm 2014.


Do vậy dù muốn hay không để mở cửa cho cầu thủ Việt kiều về quê hương cống hiến, trước hết VPF phải tuân thủ theo luật pháp VN lẫn luật FIFA. Trước hết VPF và VFF cần phổ biến chính sách của Nhà nước Việt Nam về luật quốc tịch để cầu thủ Việt kiều và thân nhân của họ xin quốc tịch VN trở lại. Khi đó cầu thủ Việt kiều đương nhiên là cầu thủ nội.

Nếu tự ý làm theo quy trình ngược lại, mở cửa cho cầu thủ Việt kiều ra sân thì có ngày ông Lê Hùng Dũng cắp tráp đi hầu toà không phải là chuyện phiếm.
Nam Kha (Thể thao 24h)