VPF xuyên tạc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng

15/01/2012 10:33
Theo CAND
Các Đài truyền hình có thể vào sân ghi hình các trận đấu cấp CLB của BĐVN, mà không cần thông qua AVG - đấy là thông tin được nhiều tờ báo loan tải trong 2 ngày hôm nay.
Và những thông tin này trích dẫn lời của những nhân vật quyền lực trong HĐQT VPF nói rõ, đấy là chỉ đạo của Chính phủ. Sự thực, Chính phủ có chỉ đạo như thế hay không?
Lãnh đạo VPF đã hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Lãnh đạo VPF đã hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Như đã phản ánh, buổi chiều ngày 12/1/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 268/VPCP-KGVX, thông báo ý kiến của Thủ tướng quanh vấn đề truyền hình các giải Bóng đá Quốc gia. Đây là ý kiến chỉ đạo rõ ràng, minh bạch hợp lòng dân. Văn bản này đã đề cập rõ hai điểm như sau: 1- Bộ trưởng bộ VH-TT&DL chỉ đạo thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình rồi sớm báo cáo kết quả với Thủ tướng, 2- “Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm giải Bóng đá Quốc gia được các Đài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.


Có một sự thật là, chỉ vài tiếng sau khi văn bản có dấu “hỏa tốc” này được chuyển đến bộ VH-TT&DL, một tờ báo điện tử có uy tín và có lượng truy cập đông đảo đã lập tức diễn giải vấn đề theo hướng: Thủ tướng Chính phủ cho phép VTV, VTC được tự do vào sân tác nghiệp, mà không cần thông qua sự đồng ý của AVG - đơn vị đã ký hợp đồng truyền hình kéo dài 20 năm với VFF. Những ngày gần đây, các nhân vật quyền lực trong Hội đồng Quản trị VPF, đặc biệt là  ông Phó Chủ Tịch Nguyễn Đức Kiên cũng không ngừng tuyên bố trên các mặt báo những điều tương tự. Chẳng hạn như ngày thứ Sáu, 13/1/2012, khi trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Đức Kiên đã nói:“Kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL chỉ để xác định đúng, sai của hợp đồng, còn các đài vẫn được vào sân tự do để ghi hình theo chỉ đạo của Thủ tướng”.

Cách hiểu, cách nói, cách trả lời, cách tuyên bố như thế là sự xuyên tạc trắng trợn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản mà chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết. Bởi thứ nhất, trong văn bản này, người ta không thể tìm thấy một dòng, một câu, thậm chí là một chữ nào về cái gọi là “các đài vẫn được vào sân tự do” như ông Kiên tuyên bố. Thứ hai, ngay cả khi không căn cứ vào mặt câu chữ, mà chỉ căn cứ vào tinh thần của văn bản, người ta cũng khó có thể suy diễn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng theo kiểu “các đài vẫn được vào sân tự do” (ám chỉ tới việc không cần tôn trọng hợp đồng truyền hình giữa VFF với AVG) như thế. Văn bản này viết rõ: ““Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm giải Bóng đá Quốc gia được các Đài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.
 
Ở đây, có một cụm từ rất đáng chú ý, đó là GIẢI QUYẾT CÁC VƯỚNG MẮC. Đáng chú ý ở chỗ, khi CÁC VƯỚNG MẮC chưa được giải quyết, và câu chuyện chưa thể có lời kết luận cuối cùng thì người ta tuyệt đối  không thể tự ý, tùy tiện lái vấn đề theo cách mà mình muốn. Vậy lúc đó, phải lái vấn đề như thế nào? Câu hỏi này đã được trả lời một cách rõ ràng, cụ thể trong một công văn của Bộ VH-TT&DL gửi cho tất cả các bên liên quan, đó là khi thanh tra Bộ chưa đưa ra kết luận thì hợp đồng truyền hình mà VFF ký với AVG trước đây cần phải được tuyệt đối tôn trọng. Tiếc là VPF với những người như ông Nguyễn Đức Kiên đã không tôn trọng cái mà lẽ ra họ phải tôn trọng. Và như thế, ở một góc độ nào đó, dường như họ cũng không chấp hành nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, mà lại cố tình suy diễn, xuyên tạc sự chỉ đạo ấy theo cách có lợi cho mình(?)

Trong công văn của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng người ta thấy toát lên rất rõ một tinh thần, đó là các bên phải phục vụ nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Nhưng có phải cứ nhất nhất cho VTV, VTC vào sân, không cần thông qua ý kiến của AVG là “tôn trọng lợi ích của nhân dân” như VPF đang hiểu và đang áp dụng hay không? Thực tế là kể từ khi AVG “nhảy” vào BĐVN thì số lượng các trận đấu V.League (giờ gọi là Super League) và giải Hạng nhất QG (giờ gọi là giải Hạng nhất) được truyền hình trực tiếp đã tăng lên đột biến mà phía AVG không thu một đồng lệ phí nào. Cụ thể là năm 2011, đã có tổng cộng 345 các trận đấu được truyền hình trực tiếp, tăng 133% so với năm 2010. Với con số thể hiện sự tăng vọt này, người ta có thể dễ dàng thấy rốt cuộc thì AVG có tôn trọng lợi ích của nhân dân, và có góp phần vào việc phục vụ lợi ích của nhân dân đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?

Xin được nói rất rõ là trong câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình rất phức tạp hiện nay, chúng tôi không đứng về phía VPF, cũng không đứng về phía AVG, mà chỉ đứng về lẽ phải. Và với một tin thần như thế, chúng tôi muốn lưu ý rằng các nhân vật quyền lực trong HĐQT VPF đang cố tình đánh đồng việc các bên phải “tôn trọng lợi ích của nhân dân”  theo chỉ đạo của Thủ tướng với việc loại bỏ AVG khỏi cuộc chơi, trong khi thực tế không như vậy. Việc đánh đồng này khiến cho một bộ phận dư luận có suy nghĩ rằng “lợi ích của nhân dân” chỉ được “tôn trọng” khi AVG bị loại bỏ càng xa, càng tốt. Ở đây, rõ ràng là người ta đã cố tình hiểu sai, diễn giải sai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau đó lại sử dụng rất nhiều những thủ thuật khác nhau từ tư duy cho đến hành động để lái dư luận theo cách mà mình muốn.
Theo CAND