Bức thư gửi mẹ đầy nước mắt của một ứng viên đề án 322

24/05/2012 06:00
(GDVN) - "Hơn một năm của niềm tin, hi vọng và những nỗ lực. Và một thông báo tước đi tất cả. Con chỉ còn đủ niềm tin để bắt đầu lại tất cả bên mẹ. Con xin lỗi vì chính con lại gây thêm một nỗi đau trong đời mẹ. Con xin lỗi. Xin lỗi mẹ...".
Mẹ ơi, con đậu rồi, học bổng 322 đi Pháp, con đậu rồi mẹ ạ!
Lúc này con mà nói câu này với mẹ thì chỉ có lẽ toàn là nước mắt thôi, thế nên mẹ ơi, điều đầu tiên, con xin lỗi là vì cả câu nói đó con cũng không nghĩ mình có thể chịu đựng được để nói ra.
Lúc ba mẹ li dị thì con còn bé xíu, mẹ nhỉ? Con không hiểu được những trận đòn roi mà mẹ khiếp hãi, con không hiểu được những nhọc nhằn trên đôi vai mẹ để nuôi nấng 1 đứa 3 tuổi, 1 đứa 1 tuổi với hai bàn tay trắng. Ngày ba ra đi, có lẽ mẹ cũng không nghĩ mẹ con mình có thể sống tốt đến vậy, phải không mẹ?
Con xin lỗi vì suốt tuổi thơ con chỉ biết ngơ ngác nhìn mẹ khóc mỗi đêm, chỉ biết lật những trang nhật kí thấm đẫm nước mắt của mẹ với sự tò mò con trẻ. Con xin lỗi vì con đã không bảo vệ được mẹ trước sự hắt hủi từ "đại gia đình" của ba. Đơn giản, mình nghèo, nên người ta cũng khinh mẹ con mình.


Nhiều ứng viên thuộc đề án 322 bị tạm dừng đang suy sụp
Nhiều ứng viên thuộc đề án 322 bị tạm dừng đang suy sụp

Ngày ấy, mẹ vất vả, cô độc, chịu đựng đến mức trầm cảm và phát bệnh. Đứa bé gần 3 tuổi phải xa mẹ 6 tháng, con đã hiểu được không có mẹ thì khổ thế nào và không ai yêu con như mẹ cả.
Tâm thần phân liệt – đó là cụm từ con ghi nhớ từ bé mà chẳng hiểu nổi ý nghĩa. Một chứng bệnh vĩnh viễn không khỏi được, chỉ là bình thường mẹ vui vẻ thì sẽ không sao. Con vẫn còn mang cái kí ức khủng khiếp hồi lớp 5, lúc mẹ rơi vào trạng thái không nhận thức, chỉ uống thuốc, rồi ngủ, rồi vuốt má con. Ánh mắt mẹ nhìn con đầy yêu thương, dù rằng con biết mẹ không nhận ra mình trong lúc ấy. Con xin lỗi vì nỗi đau đớn luôn là một mình mẹ gánh chịu.
Vậy nên, hai đứa con, lúc nào cũng cố gắng ngoan ngoãn để mẹ vui lòng. Con biết mẹ tự hào về con, ánh mắt lấp lánh niềm vui của mẹ mỗi lúc đi họp phụ huynh về khiến con tự nhủ mình phải cố gắng.
Ngày con nhận giấy báo của ĐH Y Dược, mẹ tự hào lắm, gặp ai mẹ cũng khoe con gái mẹ rất ngoan, rất giỏi. Rồi niềm vui được nhân lên khi giữa đêm khuya, con run run gọi điện cho mẹ: “Mẹ ơi, con đậu rồi, học bổng 322 đi Pháp, con đậu rồi mẹ ạ”.
Lúc nhận thông báo nhận học bổng, thực ra con không hạnh phúc và tự hào bằng cái lúc mẹ hứa với con sẽ làm việc ít đi, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Mẹ, anh và con rất phấn khởi vì mẹ bớt đi bao nhiêu nhọc nhằn. Một lúc nuôi 2 đứa học đại học, con thương cho tấm thân gầy vẫn hàng ngày lam lũ dành dụm nuôi tụi con.
Cuối cùng mẹ con mình cũng ngẩng cao đầu trước những người đã chà đạp chúng ta từ lúc con còn thơ bé. Ngày con ra Hà Nội, vì thông báo chỉ cách ngày nhập học 1 ngày nên mẹ con mình phải đi máy bay. Con vẫn nhớ, niềm vui trong ánh mắt mẹ, lúc mẹ cười và bảo: “Ôi, nhờ con gái mà mẹ được đi máy bay rồi, mẹ cứ sợ lên đó sẽ rung lắc và say chứ, không ngờ thoải mái vậy, nhanh ghê con nhỉ”. Con đã cười và trêu mẹ: “Mẹ tập dần đi, bay sang Pháp thăm con sẽ không nhanh vậy đâu”. Con tự nhủ với mình, nhất định, sẽ cố gắng thật nhiều để sau này tuổi già mẹ được đi những nơi mẹ muốn, sống vui vẻ khỏe mạnh. Con mong sẽ bù cho mẹ những năm tháng cực nhọc của đời người. Những năm tháng nhọc nhằn ấy, mẹ đã làm tất cả là vì tụi con.
Cứ ngỡ đã có thể khiến mẹ yên lòng…
Nhưng thực tế thì chi phí cho con sống ở Hà Nội, cộng thêm khoản phí học thêm ngoại ngữ để kịp lấy chứng chỉ, gấp đôi chi phí của anh Hai trong Sài Gòn. Thực tế thì gần 2 năm qua mẹ sống trong nỗi lo của con. Mẹ căng thẳng còn hơn con khi thời điểm thi ngoại ngữ đến gần. Mẹ lo lắng khi con chọn trường rồi phỏng vấn, lo lắng khi con ngày ngày vẫn chưa có kết quả trả lời của trường đại học bên Pháp.
Hơn nữa, mẹ dạo này còn đau khớp, u xơ, tuần hoàn máu não kém... Chưa kể chứng trầm cảm của mẹ dăm bữa lại tái phát. Con xin lỗi vì chỉ biết nhìn mẹ đau đớn mà không làm được gì. Chỉ biết động viên người đợi con vài năm nữa, để con hoàn thành cái bằng dược sĩ ở Pháp. Con tự nhủ: "Y học ở đó tiên tiến lắm, mẹ thấy người ta chuộng thuốc Pháp thế nào rồi mà, học xong con sẽ có thêm điều kiện để điều trị cho mẹ,  rồi mẹ sẽ hết đau, mẹ nhỉ?".
Ngày có thông báo được nhận ở trường đại học bên đó, mẹ con mình vui như khi con đậu đại học cách đây 2 năm trước. Vậy mà chỉ 10 ngày sau, Bộ thông báo cắt học bổng. Một là chuyển nước, hai là đơn phương rút lui.
Bàng hoàng, con vẫn không ngờ là chuyện lại xảy đến như vậy. Con chỉ lo thi không được ngoại ngữ, không phỏng vấn tốt, không được nhận., chứ chẳng khi nào nghĩ là không có học bổng để đi. Vốn dĩ học bổng là điều đầu tiên con có cơ mà. Nhưng ngày 15/5 còn nhận được tin dữ, con không dám nói với mẹ, chỉ khóc và chờ đợi. Mẹ à, con thấy họ nói sẽ chuyển nước cho chúng con. Con không được đi Pháp nữa, mà có thể sẽ đi Ma – rốc, Srilanka, Nhật, Nga, Cuba…
Nhưng, chuyển nước là điều không thể với con, con không thể phí hoài thêm 1 năm nữa. Con có thể hi sinh tuổi trẻ, nhưng mẹ liệu có đợi được con không? Hơn nữa, đi du học là để học tốt hơn, chứ đâu hẳn cứ du học cho có du học, mẹ nhỉ? Con xin lỗi mẹ, con biết ở lại sẽ làm mẹ nặng gánh hơn, nhưng con không đủ niềm tin để tiếp tục dấn thân vào một đất nước mà con không yêu thích, không chút hứng thú để học, vì trình độ đào tạo chắc chắn không so sánh được với Pháp. Con cần kiến thức chứ không cần những thứ phù phiếm đó. Lần này, con lại ích kỉ cho bản thân con. Con xin lỗi mẹ!
Hơn một năm của niềm tin, hi vọng và những nỗ lực. Và một thông báo tước đi tất cả. Con chỉ còn đủ niềm tin để bắt đầu lại tất cả bên mẹ. Rất khó khăn, rất nhiều áp lực, nhưng con biết trong lúc này con không có quyền suy sụp. So với mẹ, chút thử thách này có là gì đâu.

Nhưng con xin lỗi, vì đã khiến mẹ thêm nhọc nhằn, khiến mọi lời hứa, vỡ tan như bọt nước.
Con xin lỗi vì chính con lại gây thêm một nỗi đau trong đời mẹ.
Con xin lỗi.
Xin lỗi mẹ...

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd