"May mà em mua BHYT, không thì lấy tiền đâu chạy chữa cho con"

04/11/2022 06:50
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh đã không kìm được cảm xúc “may mà em có mua bảo hiểm y tế đầu năm, không thì nhà em biết lấy tiền ở đâu để chạy chữa cho con?”.

Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng hàng đầu trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 cũng đã có quy định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với các đối tượng theo Luật định, không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm đảm bảo toàn dân đều được chăm lo sức khỏe.

Học sinh khó khăn Trường Tiểu học Tân An 1 được Công ty Trầm Hương Hoàng Giang trao 20 suất bảo hiểm (Ảnh tác giả)

Học sinh khó khăn Trường Tiểu học Tân An 1 được Công ty Trầm Hương Hoàng Giang trao 20 suất bảo hiểm (Ảnh tác giả)

Tuy thế, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu rõ điều này nên vẫn thường gây khó khăn trong việc mua bảo hiểm y tế hằng năm, đặc biệt tại các trường học.

Nước đến chân mới nhảy

Ngoài việc dạy học, một trong những công việc gây áp lực nhiều nhất cho giáo viên chính là vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh. Không ít phụ huynh luôn từ chối thẳng thừng việc đóng bảo hiểm.

Muôn vàn lý do được đưa ra, người nói không có tiền, người nói việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm chưa tốt… để thoái thác việc tham gia. Thế nhưng, khi con cái nhập viện, những phụ huynh này lại tất tả chạy tới trường xin được đóng bảo hiểm bổ sung.

Phần lớn yêu cầu của phụ huynh không thể đáp ứng do thời hạn tham gia bảo hiểm đã hết hoặc phải đợi cả tháng sau bảo hiểm mới có hiệu lực. Vì thế, một số gia đình đã không đủ khả năng chi trả viện phí vì chi phí quá cao.

Câu chuyện từ thực tế

Năm học 2020-2021, khi đang dạy tại lớp, một phụ huynh dáng vẻ tất tả chạy vào lớp xin được đóng bảo hiểm y tế cho con. Người mẹ cho biết, con gái nhập viện một tuần đã hết vài triệu đồng (vì không có bảo hiểm), hiện bệnh không thuyên giảm nên bác sĩ chỉ định chuyển viện thành phố.

Tôi nhận ra, chị là mẹ của cô bé H. (học trò lớp tôi chủ nhiệm), cũng là người liên tục từ chối mua bảo hiểm cho con. Khi được tôi tư vấn, bảo hiểm y tế sẽ là cứu cánh nếu trẻ bị bệnh đau ốm trong năm phải nằm viện. Chị phụ huynh lúc ấy nói rằng, năm nào cũng mua bảo hiểm nhưng không dùng đến nên năm nay không mua nữa mặc cho tôi thuyết phục đủ cách.

Có lẽ khi con bị ốm phải nằm viện điều trị, chị đã thấm thía. Bé chỉ nằm viện có 1 tuần đã chi phí hết 4 triệu đồng. Giờ chuyển viện thành phố thì chi phí sẽ gấp lên nhiều lần. Sau khi nghe tôi nói, nếu đăng ký mua bảo hiểm thời điểm này, cũng phải 1 tháng sau mới có hiệu lực, gia đình vẫn phải trả viện phí đợt này. Chị thảng thốt và than vãn: “Thế thì gia đình tôi biết lấy tiền ở đâu bây giờ?”.

Đó không phải là trường hợp duy nhất chúng tôi gặp. Có trường hợp học sinh bị rắn cắn, bệnh viện huyện phải chuyển viện thành phố nhưng gia đình đành cho bé về nhà đi chữa thuốc nam trong tâm thế hên xui. Lý do cũng vì không mua bảo hiểm y tế cho con nên không có tiền để lo viện phí.

Ngược lại, có lần học sinh lớp tôi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bệnh nặng. Sau gần 1 tháng điều trị em mới khỏi bệnh. Được biết, chi phí nằm viện của em lên đến 20 triệu đồng (đó là tài sản lớn đối với gia đình em) nhưng bảo hiểm đã chi trả cho 16 triệu, gia đình chỉ phải lo 4 triệu đồng.

Em Nguyễn Đức Phú, một học sinh trường trung học trong địa bàn mắc bệnh u não. Mỗi lần vào viện điều trị cũng phải mất gần tháng trời, chi phí cho những ca phẫu thuật luôn ở mức vài chục triệu đồng, một số tiền quá lớn đối với gia đình em. Mẹ Đức Phú cho biết, cũng nhờ được bảo hiểm y tế chi trả lên đến 80% chi phí nên gia đình mới có điều kiện chạy chữa cho em lâu dài.

Nói chuyện với giáo viên, phụ huynh đã không kìm được cảm xúc “May mà em có mua bảo hiểm y tế mua đầu năm, không thì nhà em biết lấy tiền ở đâu để chạy chữa cho con?”.

Để phụ huynh tham gia bảo hiểm đầy đủ, công tác truyền thông trong nhà trường vô cùng quan trọng

Từ thực tế trên, công tác vận động, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh ở trường tôi luôn được các thầy cô giáo quan tâm đặc biệt.

Ngoài những học sinh thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, học sinh cận nghèo được giảm mức đóng, nhà trường luôn tìm thêm nguồn từ sự vận động tự nguyện của một số nhà hảo tâm, của các thầy cô giáo trong trường cho những học sinh có hoàn cảnh ngặt nghèo đột xuất.

Mỗi năm có tới vài chục suất bảo hiểm y tế được hỗ trợ và trao tận tay học sinh. Nhờ đó, nhà trường luôn nằm trong tốp những trường học trong địa bàn có học sinh tham gia bảo hiểm y tế cao nhất (gần hoặc 100% học sinh tham gia). Nhờ đó, ngày càng ít đi những câu chuyện buồn về thiếu tiền viện phí như trước đây.

Có được sự tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, nhà trường và giáo viên chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng phụ huynh.

Khi đã hiểu bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế giúp giảm thiểu những chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí liên quan đến việc điều trị, phục hồi sức khỏe…trong các trường hợp bị mắc bệnh hoặc bị tai nạn…thì phụ huynh sẽ tự nguyện tham gia bảo hiểm một cách đầy đủ và nhiệt tình.

Đỗ Quyên