Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chủ trì Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Được biết trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá nhiều nội dung trong đó có vấn đề về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo:
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2020-2021, cả nước có 42.080 cơ sở giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học, trong đó: 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập (3.326 cơ sở giáo dục mầm non, 685 cơ sở giáo dục phổ thông và 60 trường đại học tư thục/dân lập và 6 trường đại học 100% vốn nước ngoài) với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên ngoài công lập.
Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, hiện có 4.011 cơ sở giáo dục ngoài công lập trong tổng số 42.080 cơ sở đạt 9,5%, với xấp xỉ 1,5 triệu trẻ em mầm non và học sinh học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trong tổng số 22,6 triệu học sinh đạt 6,8% (nguồn: Niên giám thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 5/2021).
Ảnh minh hoạ: MC |
Khi đánh giá kết quả đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong giai đoạn 2011-2015, Bộ có 8 đơn vị tự chủ chi thường xuyên.
Đến năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 26 đơn vị tự chủ tài chính (tăng 18 đơn vị so với giai đoạn trước) trong số 109 đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo công lập và đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập, đạt tỷ lệ 23,9% số đơn vị tự chủ tài chính so với mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII là có 10% đơn vị tự chủ tài chính, vượt 13,9%... chỉ tăng dưới một lần lương.
Kết quả đạt được nêu trên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt trong công tác rà soát, chỉ đạo các đơn vị thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 đã đề ra; đồng thời một phần nguyên nhân là do kinh phí cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hằng năm giảm mạnh, giảm sâu hơn so với mức giảm chung của các ngành, lĩnh vực khác. Nhiều đơn vị đã có nhiều đổi mới các thức quản lý, đối mới hoạt động để mở rộng nguồn thu, cải thiện thu nhập, tăng thu nhập cho người lao động, trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi chăm lo cho người lao động.
Đây là một cơ chế thực sự đổi mới so với cơ chế trước đây dựa chủ yếu vào kinh phí ngân sách nhà nước cấp, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động hơn trong việc tổ chức sắp xếp lao động, bố trí và tuyển dụng lao động theo nhu cầu.
Các đơn vị đã tự chủ động cân đối tài chính cho hoạt động, chi tiêu rất tiết kiệm so với chế độ cho phép, tuy nhiên một số đơn vị chưa thực hiện tốt.
Đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, được quyết định tổng mức thu nhập trong năm cho người lao động không quá 3 lần lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định, nhưng tổng hợp báo cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hằng năm cho thấy thu nhập bình quân chung của cán bộ, công nhân viên chức chỉ tăng dưới 1 lần lương.
Đánh giá về quản lý biên chế sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và giải pháp sử dụng đối với đội ngũ giáo viên hợp đồng và giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ thống kê thực trạng đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các năm học (từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022) nhằm đưa ra giải pháp trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng viên chức ngành Giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành tổng rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ thẩm định và công nhận kết quả thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giảng viên năm 2017, năm 2019 , năm 2020 đối với giảng viên đạt kết quả nhằm đảm bảo chế độ chính sách và quyền lợi cho đội ngũ giảng viên.
Xây dựng và triển khai kế hoạch về tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I năm 2018 để đánh giá, lựa chọn được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của chức danh giáo viên hạng I các cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Qua đó, cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I và có kế hoạch quản lý, sử dụng, thực hiện các quyền lợi cho đội ngũ này; khắc phục những bất hợp lý về cơ cấu chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và phù hợp với quy định hiện hành về quản lý viên chức; đồng thời qua đó khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức kiểm tra, tham gia đoàn thanh tra về tuyển dụng, sử dụng viên chức ở các địa phương (Thái Bình, Thái Nguyên, Đắk Lắk…) trong đó có nội dung về tinh giản biên chế; trả lời hàng trăm đơn thư của các tổ chức, cá nhân cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội về chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành từ năm học 2017-2018. Hiện tại hệ thống dữ liệu này đã được các cơ sở giáo dục cập nhật, báo cáo.