Các mẫu kế hoạch 5512 rườm rà nhưng bắt buộc, tạo áp lực rất lớn cho giáo viên

23/02/2022 06:39
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các kế hoạch theo Công văn 5512 rất rườm rà, hình thức đi ngược lại với chỉ đạo về giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên mà Bộ đã triển khai từ nhiều năm qua.

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và từ đó đến nay giáo viên dạy các môn học ở lớp 6 đang phải thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai việc tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua module 4 với tên gọi: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” cũng đã hướng dẫn khá chi tiết cho giáo viên thực hiện các kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn số 5512.

Điều này cũng đồng nghĩa năm học này là lớp 6 và những năm học tới đây sẽ từ lớp 7 cho đến lớp 12 thì giáo viên phải thực hiện các kế hoạch giáo dục trong nhà trường theo các mẫu mà Công văn 5512 đã hướng dẫn.

Trong các kế hoạch giáo dục ở Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, có lẽ kế hoạch bài dạy (giáo án) đang khiến giáo viên mệt mỏi nhất bởi nó dài lê thê qua từng mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện cụ thể nên giáo viên mất rất nhiều thời gian và tiền in ấn kế hoạch này.

Áp lực về hồ sơ sổ sách của giáo viên theo Công văn 5512 là rất lớn (Ảnh minh họa: Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.vn)

Áp lực về hồ sơ sổ sách của giáo viên theo Công văn 5512 là rất lớn

(Ảnh minh họa: Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.vn)

Mẫu kế hoạch 5512 có tính chất chỉ đạo, tạo áp lực rất lớn đối với giáo viên

Kể từ ngày 18/12/2020, Bộ ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH khiến cho đội ngũ nhà giáo đang dạy ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cảm thấy như một áp lực đang vây quanh họ bởi vì theo hướng dẫn của Bộ thì giáo án rất dài dòng, rườm rà.

Khi Bộ ban hành, nhiều địa phương đã triển khai đến các nhà trường nhưng do có nhiều ý kiến của giáo viên phản ánh về những bất cập trong quá trình thực hiện nên khi chuẩn bị cho năm học 2021-2022, Bộ đã có hướng dẫn thực hiện các kế hoạch giáo dục…theo lộ trình.

Cụ thể, trong Công văn 613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022, Bộ hướng dẫn:

Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512);

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước)”.

Đọc hướng dẫn của Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH, có lẽ giáo viên nào cũng đã hình dung ra công việc của mình trong những năm tới đây.

Bởi lẽ, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Chương giáo dục phổ thông 2018 thì Bộ hướng dẫn thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512 ở lớp 6 và tất nhiên năm học sau sẽ là lớp 7, lớp 10 và thực hiện cuốn chiếu cho đến đến lớp 9 và lớp 12.

Cho dù, trong Công văn 2613, Bộ đã hướng dẫn nước đôi: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)”.

Thế nhưng, ở trước câu này thì Bộ lại chỉ đạo: “Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512)”.

Hơn nữa, trong nội dung tập huấn module 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, các giảng viên mà đặc biệt là thầy Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đã nói khá kĩ về các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512 thì điều này đã như pháp lệnh cho đội ngũ nhà giáo.

Liệu giáo viên lấy đâu ra thời gian để soạn kế hoạch bài dạy (giáo án)?

Ai cũng hiểu, khi làm bất cứ công việc gì cũng phải có kế hoạch, kế hoạch càng chi tiết, cụ thể thì việc thực hiện công việc càng dễ dàng và giáo viên họ cũng nắm khá kĩ điều này.

Song, thực tế trong quá trình đứng lớp thì kế hoạch bài dạy (giáo án) có cần phải chi tiết đến từng hoạt động cụ thể hay không? Chúng tôi cho rằng nó không thực sự cần thiết.

Cho dù khi tiếp cận với Công văn 5512 và tập huấn ở module 4 thì giáo viên dễ dàng nhìn thấy Bộ hướng dẫn các hoạt động trong từng kế hoạch bài dạy rất cụ thể, khoa học. Nhưng, nếu chỉ soạn 1-2 tiết để làm bài tập tập huấn thì được nhưng để triển khai trong công việc hàng ngày của nhà giáo thì lại không ổn.

Bởi lẽ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có nhiều môn học có tới 3-4 tiết/ tuần, đó là chưa kể nhiều môn học phải dạy cả Nội dung giáo dục địa phương.

Trong khi, 2 cấp học này thường phân công giáo viên dạy 2 khối lớp song song nên chỉ riêng việc soạn kế hoạch bài dạy như hướng dẫn của Bộ là điều giáo viên rất khó thực hiện.

Chẳng hạn một giáo viên được phân công dạy Ngữ văn lớp 6 và lớp 7 ở cấp Trung học cơ sở thì mỗi tuần sẽ phải soạn 8 tiết giáo án. Cộng thêm mỗi khối lớp có 8 tiết học Nội dung giáo dục địa phương (phân môn Ngữ văn) thì 2 khối lớp là 16 tiết. Cộng dồn lại cả năm học sẽ có 280 tiết Ngữ văn và 16 tiết Nội dung giáo dục địa phương sẽ ra 296 tiết.

Nếu giáo viên đó được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp phải dạy thêm Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp 1 tiết nữa và giáo án chủ nhiệm hàng tuần. Nếu giáo viên nào kiêm thêm tổ trưởng chuyên môn còn phải thực hiện thêm một số kế hoạch nữa thì họ còn đâu thời gian để đầu tư cho chuyên môn đây?

Trong khi, chỉ riêng kế hoạch bài dạy (giáo án) thì Công văn 5512 đã hướng dẫn mỗi một bài dạy đều phải có 4 hoạt động bắt buộc.

Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động); Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động); Hoạt động 3: Luyện tập; Hoạt động 4: Vận dụng.

Cả 4 hoạt động này, đều hướng dẫn cách thức thực hiện rất chi tiết, chẳng hạn hoạt động 2 hướng dẫn như sau:

a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập để chiếm lĩnh kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể của học sinh làm việc với sách giáo khoa, thiết bị dạy học, học liệu cụ thể (đọc/xem/nghe/nói/làm) để chiếm lĩnh/vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề/nhiệm vụ học tập đã đặt ra từ Hoạt động 1.

c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể về kiến thức mới/kết quả giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ học tập mà học sinh cần viết ra, trình bày được.

d) Tổ chức thực hiện: Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện hoạt động của học sinh”.

Chính vì thế, mỗi tiết kế hoạch bài dạy thì giáo viên phải soạn khoảng từ 5-10 trang giấy A4 (tùy vào đặc điểm từng môn học) mới có thể hết các hoạt động của 1 tiết dạy trên lớp. Tất nhiên, ngoài việc mất rất nhiều thời gian soạn bài thì việc in ấn các kế hoạch bài dạy cũng không hề ít chút nào.

Thay vì những kế hoạch bài dạy (giáo án) phải soạn dài lê thê như vậy, Bộ chỉ nên định hướng giáo viên soạn ngắn gọn, giống như những đề cương cho từng tiết dạy thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn nhiều.

Bởi lẽ, ở thời điểm hiện tại thì giáo viên có rất nhiều kênh để tham khảo cho bài dạy của mình nên giáo án chỉ là những phần cứng để vạch ra những kế hoạch cho từng bài dạy trên lớp chứ giáo viên bây giờ mấy ai còn vừa dạy vừa nhìn giáo án làm gì.

Không hiểu sao, Bộ mà đặc biệt là Vụ Giáo dục Trung học lại muốn giáo viên phải đầu tư cho việc soạn kế hoạch bài dạy chi tiết đến như vậy? Bởi, các kế hoạch theo Công văn 5512 rất rườm rà, hình thức đi ngược lại với chỉ đạo về giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên mà Bộ đã triển khai từ nhiều năm qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO