Gần đây, sự việc một phó giáo sư toán học bị tố vi phạm liêm chính khoa học vì “bán” bài báo nghiên cứu đã gây không ít tranh cãi trong dư luận.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu tại Trường Đại học Quy Nhơn. Trong thời gian công tác tại đây, một số công trình nghiên cứu khoa học của nhà toán học này không ghi địa chỉ Trường Đại học Quy Nhơn mà lại ghi địa chỉ đơn vị khác là Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Điều này gây nhiều tranh cãi, và cũng là lý do thầy Hướng bị tố cáo vi phạm liêm chính khoa học.
Trao đổi với với báo chí, vị phó giáo sư Toán học cho biết, lý do ông làm như vậy xuất phát từ “điều kiện kinh tế gia đình”. Chia sẻ đến từ chính một nhà khoa học khiến nhiều người không khỏi xót xa, chạnh lòng.
Phải đảm bảo người làm khoa học có thu nhập đủ để sinh sống đàng hoàng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Nếu xét về lý thì thầy đã làm sai, vì thầy chưa báo cáo với cơ quan chủ quản của mình. Nhưng nói đi thì phải nghĩ lại, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thầy mới phải làm như vậy.
Ngay khi có tố cáo, thầy Hướng đã chủ động rút tên khỏi Hội đồng ngành Toán của Quỹ Nafosted, điều này xuất phát từ chính lòng tự trọng của thầy”.
Ảnh minh họa: N.Lộc |
Đồng cảm với lý do “cực chẳng đã” của thầy Hướng, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ, “người làm khoa học phải biết hi sinh vì khoa học, làm việc là phải đam mê chứ không phải vì tiền. Nếu như vì tiền thì làm những việc khác, như làm kinh doanh thì sẽ có nhiều tiền hơn. Nhưng dù sao vẫn phải đảm bảo người làm khoa học có thu nhập đủ để sinh sống đàng hoàng, chứ không phải lo nghĩ làm thêm việc này việc kia để có thu nhập lo cho cuộc sống như hiện nay”.
Từ câu chuyện của thầy Hướng, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, cần có thêm các cơ chế, chính sách đãi ngộ để giúp nhà khoa học có thu nhập đủ để nuôi sống gia đình và làm việc tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm của Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập - Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên chia sẻ, dù đã có nhiều chuyển biến chung trong khu vực công trong những năm qua, nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ của giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu khoa học về cơ bản vẫn thấp, nhất là ở các trường đại học ngoài top đầu, chưa thực hiện tự chủ tài chính.
“Giảng viên đại học, cũng như cán bộ nhà nước ở các ngành, lĩnh vực khác, vẫn thường phải làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Họ phải dạy thêm, luyện thi, kinh doanh, hay làm nhiều việc “chân trong chân ngoài”, và tôi nghĩ việc thầy Hướng làm cũng tương tự”, vị chuyên gia nêu ý kiến.
Trước nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nhận định Phó giáo sư Đinh Công Hướng có vi phạm liêm chính hay không, Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng nguyên nhân chủ yếu do những quy định thiếu tường minh liên quan đến cơ chế, chính sách.
Cụ thể, vị chuyên gia nhận định, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ quy chế quản lý nhân sự (cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên) ở đại học còn nhiều bất cập. Lý do đến từ những hạn chế của hệ thống, năng lực quản lý của nhà trường yếu kém, hoặc do “lực bất tòng tâm” vì thiếu nguồn lực tài chính, cơ chế chi trả và/hoặc quyền tự chủ trong quản lý nhân sự để ràng buộc ‘toàn phần’ đối với cán bộ. Thiếu tính chặt chẽ trong hợp đồng lao động, các điều khoản chi tiết về giờ làm việc, bản quyền, quyền sở hữu đối với các sản phẩm trí tuệ,... Bên cạnh đó, một thực tế dễ thấy là hiện ở nước ta đang thiếu quy định tường minh về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu.
“Khi chúng ta buộc tội ai đó vi phạm đạo đức hay liêm chính, cần phải chỉ rõ họ vi phạm quy định gì, điều khoản nào, chứ không thể đơn giản lấy một định nghĩa, mang một thực hành về liêm chính ở các đại học phương Tây, về áp đặt vào Việt Nam.
Về tư duy quản lý, cần phải làm rõ rằng cán bộ, giảng viên được phép làm những gì tổ chức (trường đại học) không cấm. Các trường đại học và các tổ chức quản lý khoa học ở các quốc gia phát triển đều ban hành bộ Quy tắc đạo đức nghiên cứu, liêm chính học thuật đồ sộ, quy định cụ thể về đạo đức và liêm chính thông qua nêu rõ những hành vi vi phạm, không được làm”, Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên nhấn mạnh.
Cần lên án cơ sở giáo dục đại học mua bài báo khoa học vì đó là ngụy thành tích
Chia sẻ với phóng viên về trường hợp của thầy Hướng, một giáo sư Toán học - thành viên trong Hội đồng khoa học ngành Toán Quỹ Nafosted lại thể hiện quan điểm không đồng tình với cách làm của nhà toán học này.
Vị giáo sư khẳng định, việc Phó giáo sư Đinh Công Hướng ghi địa chỉ tác giả trong nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế khác với đơn vị công tác của mình là hành vi vi phạm liêm chính khoa học, điều này đã có văn bản quy định rõ ràng.
"Hiện các quy định về liêm chính khoa học ở nước ta vẫn còn lờ mờ. Nhưng về phía Quỹ Nafosted, vào đầu năm ngoái Quỹ đã có văn bản quy định về vấn đề liêm chính khoa học", thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted thông tin.
Theo đó, ngày 15/2/2022, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã ban hành Quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ. Quy định nêu chi tiết 11 trách nhiệm của nhà khoa học phải thực hiện và tuân thủ liên quan đến các hoạt động của Quỹ.
Trong đó, tại Điều 4, Mục 6 của quy định có ghi rõ: “Thông tin của tác giả phải ghi đúng theo thực tế (địa chỉ, email theo cơ quan công tác hoặc tổ chức khoa học và công nghệ nơi tác giả thực hiện nghiên cứu tại thời điểm gửi đăng công trình).”
Ngoài việc áp dụng cho các đề tài do Quỹ tài trợ, quy định này cũng áp dụng đối với nhà khoa học và nhóm nghiên cứu, tổ chức chủ trì, đơn vị nghiên cứu do quỹ tài trợ, hỗ trợ; cơ quan điều hành của Quỹ, chuyên gia đánh giá; Hội đồng khoa học của Quỹ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Theo vị giáo sư, chuyện mua bán bài báo khoa học đã bị quốc tế lên án. Vấn đề nhà khoa học đăng bài báo quốc tế nhưng không ghi địa chỉ nơi làm việc cũng đã từng được giới khoa học trong nước bàn luận nhiều. Tuy nhiên, theo ông, đáng lên án hơn là những nơi "mua bài báo", vì đây là hành vi ngụy tạo thành tích để đánh lừa xã hội và thu hút sinh viên vào học.
Để chấm dứt tình trạng này, vị giáo sư cho rằng các cơ quan quản lý cần sớm có quy định và chế tài xử lý liên quan tới vấn đề liêm chính khoa học. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với những nhà khoa học có thành tích nghiên cứu tốt.
Cùng đề xuất kiến nghị giúp xây dựng môi trường học thuật lành mạnh, Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng, các cơ quan quản lý cũng như các trường đại học cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý điều chỉnh việc quản lý nhân sự, chế độ thi đua, khen thưởng, chính sách đãi ngộ, nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tri thức, sử dụng tài sản công (thiết bị, máy móc…), cùng hệ thống các văn bản, biểu mẫu (quản lý nhân sự, tuyển dụng, nghiên cứu khoa học,...)
Dưới góc nhìn pháp lý, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi liệu pháp luật có cho phép viên chức được làm thêm ngoài giờ hay không? Trao đổi với phóng viên, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh - Phó Giám đốc Hãng Luật Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Theo quy định của Luật Viên Chức năm 2010, viên chức hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với công ty khác để làm ngoài bên cạnh việc làm theo hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, viên chức phải lưu ý chỉ được làm ngoài thời gian làm việc nêu trong hợp đồng làm việc, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và nội dung công việc không vi phạm điều cấm của luật.
Từ câu chuyện của Phó giáo sư Đinh Công Hướng, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh nhận định: “Hiện nay, pháp luật đã có các văn bản quy định về việc các quyền và hành vi bị cấm đối với hoạt động viên chức. Tuy nhiên, pháp luật vẫn còn quy định chung chung, chính những kẽ hở trong quy định đã tạo cơ hội cho nhiều người vi phạm liêm chính khoa học, “chân ngoài dài hơn chân trong" khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu”.
Để tránh những câu chuyện tương tự xảy ra, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh đề xuất một số lưu ý trong quản lý viên chức (giữa người lao động và người sử dụng lao động):
Thứ nhất, người sử dụng lao động khi ký hợp đồng làm việc với viên chức cần quy định rõ trong hợp đồng làm việc liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn, cũng như phạm vi người lao động đang phụ trách. Nghĩa là, đặt ra những quy định mang tính cụ thể, người lao động được phép làm gì, không được phép làm gì, đồng thời đưa ra các chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm.
Thứ hai, trong hợp đồng làm việc cần quy định các nội dung điều khoản về bảo mật liên quan đến hoạt động của tổ chức, cũng như các cam kết về sản phẩm khoa học, tài liệu chuyên môn của tổ chức, người lao động không được phép sử dụng với mục đích cá nhân nếu không có sự đồng ý của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, cần thực hiện báo cáo các công việc của viên chức theo tháng hoặc theo quỹ để đảm bảo người sử dụng lao động và người lao động có sự kết nối, đồng thời dự đoán lường trước được các vấn đề phát sinh liên quan công việc người lao động đang phụ trách.