Hiện nay, rất nhiều trường đại học mở rộng tuyển sinh bằng các phương thức, trong đó có xét chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Do vậy, nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..."đổ xô" cho con học và thi chứng chỉ IELTS để chuẩn bị xét tuyển đại học. Một số học sinh cũng đang có tâm lý phải đi thi chứng chỉ này vì lo sợ tuyển sinh bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông lấy điểm trúng tuyển quá cao, và đã có trường hợp 30 điểm vẫn trượt đại học.
Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc tại sao các trường đại học ưu tiên chứng chỉ IELTS, mà không sử dụng chứng chỉ tiếng Anh trong nước. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Sinh - Thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh, Đại học Nottingham (vương quốc Anh), giáo viên Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nêu quan điểm:
"Đề thi tiếng Anh của chúng ta từ bao năm nay đã quá “cũ”, thiếu kĩ năng nghe và nói, chỉ có từ vựng, ngữ pháp, kĩ năng đọc và viết. Trong đề thi truyền thống có 40% kĩ năng đọc, 30% ngữ pháp, rồi phần từ vựng. Học sinh làm bài thi này với mục đích thi dành điểm mà thôi, chứ nói là để đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh thông qua bài thi đó thì không thể chuẩn xác.
Vậy, để kì thi có chất lượng cao và đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ, chúng ta phải thay đổi cách thi tiếng Anh trong nước, có thể áp dụng theo mô hình của một số nước tiên tiến trên thế giới tức là đưa thêm vào phần kĩ năng nghe, nói, và thực hiện các khâu từ ra đề, trông thi, làm bài, chấm thi,...thật chặt chẽ.
Hiện nay, tôi thấy trong nước có chứng chỉ Vstep cũng có đủ 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây là chứng chỉ tiếng Anh A2- B1- B2- C2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, do các trường được ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Vậy nên chăng các trường đại học cần đưa thêm chứng chỉ này vào yêu cầu tuyển sinh song song với chứng chỉ IELTS để tạo điều kiện nhiều hơn cho các thí sinh".
Theo cô Sinh: "Đề thi tiếng Anh của chúng ta từ bao năm nay đã quá “cũ”, thiếu kĩ năng nghe và nói, chỉ có từ vựng, ngữ pháp, kĩ năng đọc và viết mà thôi". Ảnh: NVCC. |
Theo cô Sinh phân tích, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL bắt đầu được sử dụng làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển thẳng đại học từ 2017. Số lượng các trường sử dụng phương thức này ngày một tăng, trong bối cảnh xét tuyển đầu vào đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông".
Và, không phải cứ có IELTS sẽ được tuyển thẳng vào đại học, ở đây chính xác là kết hợp tuyển sinh, theo quy định của các trường đại học nếu dùng chứng chỉ IELTS thì điểm của 2 môn còn lại không bao gồm tiếng Anh, phải đạt bao nhiêu trở lên. Thấp nhất có trường 2 môn cộng lại khoảng 14 điểm đã trúng tuyển, nhưng cũng có trường phải 18 - 20 điểm của 2 môn còn lại mới đạt.
Những ngành có khả năng trúng tuyển với tiếng Anh, ví dụ: Khối A1 (Toán, Lý, Anh), hoặc D78 (Toán, Hóa, Anh) hoặc D (Toán, Văn, Anh). Những trường kết hợp tuyển sinh, thường có 2 cách là chứng chỉ IELTS với 2 môn còn lại. Ngoài ra, chứng chỉ IELTS kết hợp điểm học bạ.
Cô Sinh cho biết: “IELTS chỉ là kì thi đánh giá năng lực tiếng Anh, và chứng chỉ này chỉ có giá trị trong vòng 2 năm, vậy nếu học sinh có “đổ xô” đi học IELTS, nhưng 2 năm sau chứng chỉ đó hết hạn, và muốn đánh giá lại năng lực đi lên hay xuống thì sẽ phải thi tiếp, chứ không phải thi 1 lần là có giá trị mãi mãi".
Nên dùng chứng chỉ tiếng Anh B1 – B2 để xét tuyển đại học?
Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Bích Hà - Giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (Hà Nội).
Cô Hà chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, chứng chỉ IELTS đơn thuần là đánh giá năng lực tiếng Anh, nhưng chi phí thi chứng chỉ này quá cao và lại do tổ chức nước ngoài cấp, nhìn ở góc độ nào đó thì nguồn kinh tế không nhỏ này bị "chảy" ra nước ngoài. Vậy các trường đại học trong nước nên đưa thêm tiêu chí xét tuyển với chứng chỉ B1- B2 tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây cũng là một chứng chỉ trong nước có uy tín.
Chứng chỉ tiếng Anh B1 do 10 trường được Bộ cho phép khảo thí và cấp chứng chỉ trên cả nước. Tất cả đều là các trường đại học chuyên ngữ uy tín, và không một trung tâm ngoại ngữ tư nhân nào được phép cấp chứng chỉ này.
Các em học sinh không có điều kiện về kinh tế có thể tham dự kì thi đánh giá năng lực tiếng Anh B1 với chi phí thấp hơn rất nhiều so với IELTS. Hơn nữa, chứng chỉ tiếng Anh B1 không ghi thời hạn bao lâu. Theo quy đổi thì chứng chỉ tiếng Anh B1 tương đương với 5.0, và B2 tương đương 5.5 IELTS. Đó cũng là một lợi thế.
Ngay việc đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định về yêu cầu ngoại ngữ, trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ tương đương B2, vậy chúng ta tuyển sinh đại học ở cấp thấp hơn đào tạo tiến sĩ, nhưng lại đưa ra yêu cầu về ngoại ngữ quá cao như vậy thì có nên không?”