Kiểm tra lớp 1, 2 có nhiều cách, đâu nhất thiết cứ phải trực tiếp?

14/12/2021 06:42
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khảo sát, kiểm tra đánh giá thường xuyên rất quan trọng với học sinh, còn bài kiểm tra này mang tính khách quan để giáo viên, học sinh và phụ huynh tự đánh giá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 5766/BGDĐT-GDTT về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19.

Công văn này nêu rõ: Theo đó, đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Để có thêm góc nhìn về chỉ đạo trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng phụ trách khối 1-2-3, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Nhà giáo Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng phụ trách khối 1-2-3, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng phụ trách khối 1-2-3, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nhung nói: “Theo tôi, công văn này của Bộ đưa ra là quy định chung cho cả 63 tỉnh thành, bởi hiện tại cho đến thời điểm này vẫn có những nơi học sinh đi học trực tiếp, nên kiểm tra trực tiếp đối với học sinh là chuyện đương nhiên. Còn những nơi học sinh phải học trực tuyến thì việc áp dụng thế nào cho phù hợp với từng địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục sẽ có xem xét cụ thể.

Sau một thời gian dài các con đã học kiến thức, việc đến kì phải khảo sát kết quả của học sinh xem học thế nào cũng là kế hoạch phải làm. Hiện nay với những địa phương đang phải học trực tuyến thì theo tôi cũng cần có những hình thức kiểm tra trực tuyến cho phù hợp.

Việc khảo sát, kiểm tra đánh giá thường xuyên rất quan trọng đối với học sinh, còn bài kiểm tra này mang tính chất khách quan để giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh có thể nhìn nhận trình độ các con đang đến đâu. Xét cho cùng, giáo dục thì quan trọng nhất cần dạy cho các con vẫn là khả năng tự đánh giá bản thân. Chứ không phải chúng ta cứ mải lo lắng việc kiểm tra, để có kết quả báo cáo lên trên thì theo tôi đó chỉ mang tính chất đối phó.

Nhưng nếu chúng ta xác định kiểm tra đánh giá là để khảo sát kiến thức của học sinh theo khung yêu cầu của chương trình, đến thời điểm này các con cần phải đạt đến đâu, ví dụ: Một bài đọc này cần phải đọc trong bao nhiêu phút, đọc lưu loát,… thì sẽ đạt. Vậy rất cần có kiểm tra để giáo viên nhận biết được học sinh có đạt hay không, xác định cụ thể về học lực, từ đó mới có hướng để điều chỉnh dạy và học cho phù hợp.

Mình muốn các con đạt được một đích nào đó thì cần phải xác định cụ thể để cho các con có hướng phấn đấu, kì kiểm tra này có mục tiêu như vậy, chứ không phải chỉ nghĩ đến các nhà quản lí giáo dục, nhà quản lí chỉ là một phần mà thôi, còn đích cơ bản nhất vẫn là xem học sinh có đạt được khung chương trình hay không. Việc học trực tuyến thì cơ bản nhất vẫn là học trò và giáo viên, trách nhiệm và lương tâm của nhà giáo và đó mới là điều quan trọng”.

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Kiểm tra là một phần nhỏ trong quá trình học tập

Theo cô Nhung: “Khi mới học trực tuyến, mọi người cho rằng học sinh khối 1 và 2 còn đang rất bé nên khó có thể thực hiện được các thao tác trên thiết bị thông minh như các anh chị lớp lớn. Nhưng đến thời điểm này sau mấy tháng, những nơi nào điều kiện đảm bảo cho việc học trực tuyến thì chắc chắn việc tổ chức kiểm tra trực tuyến vẫn có thể diễn ra được.

Còn nếu người lớn quá coi trọng việc đánh giá, và để kết quả đó làm ảnh hưởng đến điều này, điều kia bởi bao lâu nay kì kiểm tra đó rất quan trọng, và điểm số đó dùng để đánh giá, và chúng ta nghĩ việc kiểm tra đó cần phải khách quan, phải thế này, thế kia mới đạt độ chính xác.

Nhưng với quan điểm của tôi, theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì kì kiểm tra đánh giá này chỉ là một phần rất nhỏ trong cả một quá trình học tập của các con. Quá trình học chỉ có cô và trò với nhau, chính vì vậy mỗi lớp sẽ có độ cao thấp về trình độ khác nhau. Ví dụ: Kiểm tra vấn đề đọc, các con đạt được bao nhiêu từ ở giai đoạn này nhưng chắc chắn sẽ không đồng đều ở các lớp. Nhưng với đề kiểm tra chung trong toàn khối sẽ đánh giá được mặt bằng, và bản thân giáo viên sẽ nhìn lại việc dạy học của mình trong một khoảng thời gian vừa qua thế nào.

Với mặt bằng đầu vào học sinh như thế này, và thực tế các con đang ở mức độ nào, các con có theo được đại trà chương trình chung hay không? Hoặc nhà trường đưa ra một đích mong muốn, nhưng trong thời gian học trực tuyến vừa qua, xem bao nhiêu phần trăm các con đạt được, các lớp tỷ lệ đạt có giống nhau hay không, hay là đích của nhà trường đưa ra quá cao,…đó là khảo sát của nhà quản lí. Dựa vào số lượng học sinh đạt được đích mong muốn, qua đó nhà trường đánh giá được và điểu chỉnh vấn đề dạy của mình. Vậy việc kiểm tra đánh giá nhằm mục đích như vậy.

Nếu bây giờ không có khảo sát thì sẽ không biết được mục tiêu các nhà trường đưa ra, so với thực tế trẻ con đạt được đến đâu để mà điều chỉnh tính đến thời điểm này, và những tháng tiếp theo có thể vẫn chưa được đi học trực tiếp, chả lẽ cứ phải đợi đi học trực tiếp mới kiểm tra đánh giá hay sao? Đến lúc đó mới có điều chỉnh thì mọi chuyện đã quá muộn, trong khi trẻ con cần phải được điều chỉnh thường xuyên, hàng ngày”.

Theo cô Nhung: "Nếu bây giờ không có khảo sát thì sẽ không biết được mục tiêu các nhà trường đưa ra, so với thực tế trẻ con đạt được đến đâu để mà điều chỉnh tính đến thời điểm này". Ảnh: NVCC.
Theo cô Nhung: "Nếu bây giờ không có khảo sát thì sẽ không biết được mục tiêu các nhà trường đưa ra, so với thực tế trẻ con đạt được đến đâu để mà điều chỉnh tính đến thời điểm này". Ảnh: NVCC.

Tăng trách nhiệm nhà quản lý

Cô Nhung nhận định: “Chương trình Giáo dục phổ thông mới là tiếp cận hàng ngày, hàng giờ và học theo cá nhân hóa của từng học sinh, nên kì kiểm tra này cũng mang tính chất khảo sát học sinh để các nhà quản lí có thể điều chỉnh mức độ đặt ra cho giáo dục. Hoặc giáo viên có thể điều chỉnh các lớp học nếu có sự “vênh” nhau quá nhiều.

Ngay như ở trường chúng tôi cũng có những khảo sát như vậy mặc dù các con còn nhỏ, nhưng khi đó chúng tôi nhận thấy ở lớp này tốc độ đọc của các con còn thấp hơn lớp khác, ban giám hiệu chúng tôi phải họp để tìm hiểu lý do vì sao lại như vậy? Có phải lớp này trình độ cao hơn ngay từ đầu vào hay không, nhưng nếu đầu vào như nhau thì vậy tại sao sau 2 tháng lại có độ “lệch” nhau như vậy? Rõ ràng là phải có hướng điều chỉnh và đó là vấn đề mình phải đặt ra với cấp quản lí. Còn với giáo viên cũng nhận ra phương pháp của mình cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Theo tôi kiểm tra cũng có nhiều cách, đâu nhất thiết phải cùng đồng loạt, đâu cần phải trực tiếp, hoặc trực tuyến, trường chúng tôi là mục tiêu đưa ra kiểm tra từng con xem có đạt hay không dưới hình thức một cô một trò, vấn đề vẫn phải nắm khung và yêu cầu cần đạt của Bộ.

Mức đạt của Bộ đưa ra trong điều kiện bình thường nhưng hiện nay đang học trực tuyến và đồng loạt các con đạt thấp hơn mức đó thì mình phải điều chỉnh chung. Còn nếu mặt bằng chung là học trực tuyến và các con vẫn đạt mức như Bộ đề ra thì có nghĩa là học trực tuyến vẫn rất hiệu quả, điều này hoàn toàn có thể kiểm tra được”.

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ thể thao. Ảnh: NVCC.
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ thể thao. Ảnh: NVCC.

Chương trình giáo dục mới thì cách đánh giá cũng phải mới

Cô Nhung chia sẻ: “Chúng ta cũng phải thông cảm cho tâm lí của các bậc phụ huynh, bởi từ trước đến nay kết quả của các con sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những “hệ lụy” về sau, và điều này gây ra tâm lí phụ huynh cần và mong muốn những điểm số của các con phải thật tốt.

Nếu cấp trên không có sự điều chỉnh về vấn đề các kết quả đó ảnh hưởng thế nào, bởi nếu không bị ảnh hưởng thì tôi khẳng định phụ huynh rất thỏa mái, rất đồng thuận rằng con tôi đến thời điểm này chưa đạt được điều đấy, và qua những kì kiểm tra như vậy thì cô, trò cùng với bố mẹ sẽ có hướng điều chỉnh để đúng hết chương trình các con sẽ đạt được như yêu cầu.

Nhưng, vì điểm của lớp 1 này hiện nay lại bị ảnh hưởng cho đến tận hết lớp 5, khi các con dùng điểm đó để xét tuyển vào một số trường cấp 2 TOP đầu, và chính điều đó sẽ gây ra tâm lí ngay tại thời điểm này dứt khoát con tôi phải có điểm cao. Chính vì thế phụ huynh sẽ gây ra áp lực với con, áp lực với giáo viên.

Vậy Chương trình giáo dục mới thì cách đánh giá cũng phải mới, sử dụng cách đánh giá đó cho những năm tiếp theo cũng phải mới, và hoàn toàn theo cùng một hướng thì mới đảm bảo đồng bộ, còn nếu không vẫn sẽ là ý tưởng thì mới, nhưng cách thực hiện lại cũ.

Cho dù các nhà trường có truyền thông thế nào đi nữa thì chắc chắn phụ huynh sẽ nói tôi cứ lo trước, bây giờ các cô nói như vậy, nhưng 4 năm nữa không như vậy thì sao, bởi hiện tại điểm số các cô đã vào học bạ rồi, lúc đó con tôi vì điểm lớp 1 thấp mà trượt vào trường điểm cấp 2, vậy tôi biết làm thế nào?

Theo tôi, nếu không thay đổi cách đánh giá thì sẽ không đúng với tinh thần đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, vậy các cấp học phải có sự đồng bộ về mặt ý tưởng thực hiện, nếu không thì mọi việc đổi mới sẽ thất bại”.

Tùng Dương