Tới thời điểm hiện tại, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã nhận đủ sách giáo khoa lớp 1 để bán cho phụ huynh trên địa bàn.
Nhiều trường học ở Bình Thuận chọn bộ sách Cánh Diều (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Đồng Nai) |
Không giống như nhiều năm học về trước phụ huynh muốn mua sách giáo khoa nơi nào tùy ý, trong năm học này, sách giáo khoa lớp 1 sẽ phải mua tại trường mới đảm bảo mua đúng sách con mình sẽ học.
Cuối năm học 2019-2020, trong cuộc họp phụ huynh, từng trường học đã thông báo ai có con vào học lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ đến ngay trường mà con mình sẽ vào học để mua sách giáo khoa.
Bởi cũng là trường tiểu học trong cùng một địa bàn nhưng mỗi trường sẽ học một bộ sách khác nhau.
Bởi thế, tránh việc phụ huynh lớp 1 mua không đúng bộ sách của trường sẽ không chỉ mất công còn tốn của (do các nhà sách đều có quy đinh, sách đã mua ra khỏi của hàng sẽ không được trả lại).
Từng trường sẽ đăng ký số lượng sách mua về đúng với chỉ tiêu học sinh sẽ vào học lớp 1 của năm học này.
Nhờ đó, số sách lấy về sẽ đủ cho học sinh, trường hợp dư cũng sẽ không dư nhiều (hạn chế sách tồn vì sang năm học tiếp theo chưa có gì đảm bảo bộ sách này vẫn còn sử dụng lại).
Số tiền mua đủ sách lớp 1 cũng là vấn đề với nhiều gia đình
Giá của 5 bộ sách mới được phép lưu hành có giá trong khoảng gần 200.000 đồng/bộ.
Ví như một bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh diều có giáo 199.000 đồng nhưng vẫn chưa đủ sách học cho các con.
Phụ huynh phải mua thêm sách Anh văn có giá 146.000 đồng, 2 cuốn vở luyện viết của tỉnh 38.000 đồng.
Tổng số tiền học sinh phải bỏ ra cho một bộ sách giáo khoa là 383.000 đồng.
Dù thế, chỉ sang năm thôi thì những cuốn sách giáo khoa này có nguy cơ không dùng lại được. Bởi năm học này, quyền chọn sách giáo khoa là của nhà trường. Thế nhưng kể từ năm học sau, Ủy ban nhân dân tỉnh mới có quyền chọn sách giáo khoa.
Không ít học sinh, học sau một năm nhưng bộ sách giáo khoa vẫn còn như mới nguyên. Vì thế, sách mới giá lại đắt nhưng không được sử dụng lại quả là tiếc vô cùng.
Khối lớp 2, 3, 4 và 5 vẫn đang học cùng lúc 2 chương trình sách Vnen và hiện hành
Ngoài học sinh lớp 1 năm học này được học sách giáo khoa theo chương trình mới thì 4 khối lớp còn lại tại Bình Thuận vẫn đang học lộn xộn 2 chương trình giáo dục Vnen và hiện hành cùng lúc.
Sách Vnen chỉ có ở các môn Toán, tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, còn những môn như Đạo đức, Thủ công, Tập viết, Khoa học, Kỹ thuật… (khối 4,5) học sinh vẫn phải mua sách giáo khoa hiện hành để học.
Bên cạnh đó, ngoài cuốn vở tập viết của nhà xuất bản thì tại tỉnh Bình Thuận nhiều trường học vẫn buộc học sinh mua thêm 2 cuốn vở luyện viết của tỉnh.
Có thể tính sơ bộ số tiền học sinh các khối phải bỏ ra mua sách giáo khoa:
Khối 2: Sách Vnen: 104.500 đồng + tiếng Anh 152.000 đồng + 36.400 đồng + Luyện viết 38.000 đồng = 330.900 đồng.
Khối 3: Sách Vnen: 104.500 đồng + tiếng Anh 175.000 đồng + 39.400 đồng + Tin học 50.000 đồng + Luyện viết 38.000 đồng = 406.900 đồng.
Khối 4: Sách Vnen: 152.000 đồng + tiếng Anh 175.000 đồng + 34.600 đồng + Tin học 50.000 đồng + Luyện viết 38.000 đồng = 449.600 đồng.
Khối 5: Sách Vnen: 160.500 đồng + tiếng Anh 175.000 đồng + 38.300 đồng + Tin học 50.000 đồng + Luyện viết 38.000 đồng = 461.800 đồng.
Gánh nặng tiền sách vở đầu năm vẫn là nỗi lo của nhiều phụ huynh
Hiện nay, mỗi gia đình không chỉ có một con đi học, có gia đình 2 con, gia đình 3 con cùng học một cấp. Cứ mỗi năm gần đến mùa tựu trường, phụ huynh lại tất tả kiếm tiền (thậm chí vay mượn) để mua sách cho con nhưng vẫn không đủ.
Nếu như trước đây, em học sách của anh, chị hoặc người học trước có thể hỗ trợ cho người học sau thì dăm năm trở lại đây, cứ mỗi năm học sinh phải mua một bộ sách mới.
Phần thì sách hướng dẫn học thay đổi mẫu mã, chỉnh sửa liên tục, phần thì sách lại được thiết kế chẳng khác nào những cuốn vở bài tập. Vì thế, bộ sách phải bỏ ra gần nửa triệu đồng nhưng chỉ học một năm là phải bỏ đi bán giấy vụn.
Thương học sinh nghèo không có tiền mua sách, nhiều thầy cô giáo khi dạy thường khuyên các em nếu phải viết thì nên viết bằng bút chì vào sách, để người sau muốn học cũng có thể tẩy xóa đi những nét viết bằng bút chì.
Mong rằng những phản ánh từ thực tế thế này những người có trách nhiệm góp thêm tiếng nói để hạn chế tình trạng các nhà xuất bản luôn thay đổi mẫu mã, chỉnh sửa sách thường xuyên hoặc thiết kế sách không đúng chuẩn sách giáo khoa để cho dân nghèo bớt khổ.