Tại sao giá sách giáo khoa mới vẫn cao chót vót?

07/05/2020 08:52
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Thủ tướng đã có chỉ đạo, đối với sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới không tăng giá cùng một lúc ngay trong lần phát hành đầu tiên.

Theo kế hoạch, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Để bảo đảm thực hiện chương trình, các nhà xuất bản cũng đã công bố giá sách giáo khoa theo chương trình mới đối với lớp 1.

So với giá sách giáo khoa hiện hành thì giá sách giáo khoa mới có giá cao hơn tới 4 lần, điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các bậc phụ huynh, nhất là đối với các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi kinh tế còn khó khăn.

Theo công bố thì hiện nay có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới, do 3 nhà xuất bản và một công ty tư nhân đứng ra tổ chức, biên soạn, in ấn, phát hành. Và 4 trong 5 bộ sách này là của Nhà xuất bản Giáo dục.

Trong đó, bộ có giá thấp nhất là 179.000 đồng, bộ có giá cao nhất là 199.000 đồng.

Trong khi giá bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ chỉ có giá 47.500 đồng.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: "Việc tăng giá sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh học sinh". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ: "Việc tăng giá sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh học sinh". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: “Trước đây, chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục được quyền xuất bản sách giáo khoa, thì nay theo Chương trình đổi mới sách giáo khoa phổ thông, có 3 nhà xuất bản thực hiện biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới ra thị trường.

Hiện đang ở giai đoạn đầu xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, trong khi sách giáo khoa lại không thuộc đối tượng phải định giá, bình ổn giá nên dẫn tới tình trạng một số nhà xuất bản kê khai giá của bộ sách giáo khoa mới cao hơn sách hiện hành 3 - 4 lần, việc này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Việc tự định giá ở mức cao so với nhu cầu của xã hội không những tác động trực tiếp đến người dân, mà còn có thể dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh”.

Ông Tuấn cho biết: “Hiện nay Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, báo cáo trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.

Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa mới trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa đối với sách giáo khoa.

Việc điều tiết giá theo quy định giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét phương án giá của các nhà xuất bản đề xuất, rà soát tính hợp lý của từng yếu tố cấu thành giá sách giáo khoa, tính toán hài hòa lợi ích của các nhà xuất bản và khả năng chi trả của phụ huynh học sinh để ban hành giá tối đa cho 1 bộ sách”.

Tiến sĩ Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Việc quy định giá trần với mặt hàng này là khó khả thi trong điều kiện của Việt Nam, bởi nguồn lực thẩm định để đưa ra giá trần là hạn chế.

Có rất nhiều môn học, nhiều bậc học, việc biên soạn sách đòi hỏi đầu tư chất xám và nguồn lực tốt để tạo nền tảng cho học sinh. Do đó, việc thẩm định giá là khó khả thi, chưa kể có thể có rủi ro về đạo đức dẫn đến giá thẩm định ở mức cao, gây thiệt hại cho người dân".

Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, miền núi thì vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi họ còn phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, miền núi thì vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi họ còn phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo ông Long: “Trong điều kiện về mức sống của người dân Việt Nam hiện nay, Nhà nước vẫn nên hỗ trợ người dân một phần trong chi phí sách giáo khoa, bởi đây là bậc học phổ cập cần được thúc đẩy phát triển rộng khắp.

Theo đó, Nhà nước nên lập hội đồng nghiên cứu và thẩm định để xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn và giữ bản quyền bộ sách giáo khoa đó, sau đó cho các nhà xuất bản hoặc nhà in sẽ đấu thầu để có giá bán hợp lý nhất.

Như vậy giá bán sách giáo khoa chỉ bao gồm chi phí in ấn là chủ yếu, nên dễ đánh giá và lựa chọn đơn vị cung ứng tốt nhất và chắc chắn rẻ hơn đáng kể giá bán đã được các nhà xuất bản công bố”.

Một nguyên nhân nữa có thể hiểu là do Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gắn nhà xuất bản với việc biên soạn, biên tập mới đủ điều kiện được thẩm định?

Và các nhà xuất bản để được xuất bản sách giáo khoa lại phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép? Vậy để xã hội hóa được sách giáo khoa thì cần phải xã hội hóa ở khâu nào?

Nếu việc quy định như thế này thì khâu in ấn phát hành không thể xã hội hóa được, trong khi khâu này lại quyết định đến giá thành của sách giáo khoa? Như vậy là rõ ràng chưa có tính cạnh tranh lành mạnh theo tinh thần của Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “ Việc tăng giá sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh học sinh.

Thoạt nhìn, số tiền tăng giá mỗi cuốn sách không lớn nhưng tính cả bộ sách giáo khoa sẽ tăng lên vài chục nghìn đồng.

Tại sao giá sách giáo khoa mới vẫn cao chót vót? ảnh 3

Bộ không cấm, hay ngăn cản chọn nhiều đầu sách giáo khoa trong cùng 1 tỉnh

Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác”.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Cần phải xem xét lại bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện tại đang sử dụng giá 54.000 đồng có những cái gì, còn bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có gì mà giá lại cao hơn tới gấp 4 lần?

Ông bình cho rằng lý giải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân khiến bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá cao là hình thành từ các yếu tố như chi phí tổ chức bản thảo, vật tư, công in, lưu thông, quảng cáo…là không thuyết phục.

Bởi khung giá theo quy định của Nhà nước cho hoạt động biên soạn sách giáo khoa đã được đưa ra, đã tính cho tất cả các chi phí mà nhà xuất bản chi trả trong quá trình biên soạn.

Ông Bình nhấn mạnh: “Trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về Bộ Tài chính”.

Ngày 21/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến các biện pháp đối với giá sách giáo khoa.

Theo Thủ tướng, Chính phủ đảm bảo giá tiêu dùng tăng dưới 4% theo đúng kế hoạch. Vì thế, các Bộ cùng với doanh nghiệp, chính quyền các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát giá tiêu dùng.

Một trong những vấn đề được được Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp này đối với sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới không tăng giá cùng một lúc ngay trong lần phát hành đầu tiên.

Tùng Dương