Các trường tư thục đóng góp lớn, nhưng chịu nhiều thiệt thòi

06/03/2020 09:09
Tùng Dương
(GDVN) - Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế tồn tại thuộc về nhận thức của các cấp quản lý. Điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.

Vấn đề phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, về mặt lý thuyết thì ở cấp Trung ương rất coi trọng và tạo điều kiện cho xã hội hóa giáo dục, cho các trường ngoài công lập phát triển, nhưng ở cấp quản lý địa phương thì thực tế lại chưa vào cuộc.

Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành khá đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại đó trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý. Điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Tôi thấy chúng ta tư duy về giáo dục tư thục chưa rành rọt, đó là cái gì trong cả hệ thống này?. Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Tôi thấy chúng ta tư duy về giáo dục tư thục chưa rành rọt, đó là cái gì trong cả hệ thống này?. Ảnh: Tùng Dương.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, về vấn đề triển vọng phát triển giáo dục tư thục và giải pháp thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, ông Phương chia sẻ:

“Tôi thấy chúng ta tư duy về giáo dục tư thục chưa rành rọt, đó là cái gì trong cả hệ thống này? Tôi thấy nhiều người ví công lập và tư thục là 2 cánh của một con chim đại bàng thì cũng chưa đúng. Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy trên thế giới có một số nước nhìn nhận tư thục như bổ trợ cho những điểm thiếu của giáo dục công lập.

Kể cả một số nước ở Bắc Âu có phúc lợi xã hội rất cao, nhưng có nhiều gia đình muốn con mình học thiên về âm nhạc thì sẽ có trường tư thục làm việc đó. Trong trường hợp này thì nhà nước không can thiệp.

Còn một loại nữa là cạnh tranh để phát triển, xã hội cảm thấy công lập ỳ ạch quá thì tự mở trường tư thục để phấn đấu, việc này là giai đoạn đầu của chúng ta vào những năm 1990 -1995 sau khi bắt đầu của đổi mới giáo dục. Chúng ta tự nhìn thấy rằng có lỗ hổng và cảm thấy không ổn, không đáp ứng được.

Còn một loại hình thứ 3 rất đặc biệt, đó là đáp ứng nhu cầu về dịch vụ công của một bộ phận chưa được đáp ứng. Ở Bắc Âu và Hà Lan thì trường tư thục nhận tiền của nhà nước để phục vụ những địa bàn mà nhà nước không có, như vùng sâu vùng xa nếu ai mở trường tư thì nhà nước sẽ cấp đủ ngân sách để trường đó phát triển như trường công.

Hiện nay chúng ta chưa chọn được mô hình nào, thời gian đầu thì như lấp chỗ trống nhất là khu vực đại học và giáo dục nghề nghiệp, xã hội có nhu cầu trong khi trường công quá ít, thời gian năm 1986 thì có hệ B đã lấp đầy chỗ trống.

Nhưng đến nay thì câu chuyện không còn dân số vàng nữa, ví dụ như năm ngoái là 900 học sinh hết lớp 12, có 850 em đăng kí xét tuyển đại học và cao đẳng thì 350 em vào đại học rồi, cao đẳng khoảng 200 và còn đâu là trung cấp.

Năm nay tôi dự đoán là cuộc cạnh tranh còn kinh khủng hơn vì chỗ ngồi trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học hiện nay vượt quá số người có thể vào được, thừa ghế như vậy nên câu chuyện bây giờ là các trường tư thục hoạt động trong cơ chế khốc liệt này thì tồn tại ra sao?

Đây là việc đáng suy nghĩ mà phải suy nghĩ từ tầm chính sách, chứ không phải từ cấp thực hiện như tỉnh, thành phố hay là những người làm trực tiếp như những thầy cô giáo”.

Tiến sĩ Lê Đông Phương: "Tâm lý của chúng ta hiện nay vẫn nặng về việc cứ cái gì của công mà lại chuyển cho tư nhân thì đều không ổn, có vấn đề. Vậy nên tâm lý của các lãnh đạo cũng không vượt được dư luận xã hội". Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Tiến sĩ Lê Đông Phương: "Tâm lý của chúng ta hiện nay vẫn nặng về việc cứ cái gì của công mà lại chuyển cho tư nhân thì đều không ổn, có vấn đề. Vậy nên tâm lý của các lãnh đạo cũng không vượt được dư luận xã hội". Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thầy Phương cho biết: “Quay trở lại vấn đề tôi đã nói ban đầu là giáo dục dù trường công hay trường tư làm, đặc biệt là giáo dục phổ thông thì ta thực hiện như dịch vụ công, còn giáo dục nghề nghiệp hay giáo dục đại học thì có thể mang tính cá nhân nhiều hơn vì phổ thông đã đáp ứng yêu cầu phổ cập dân trí chứ chưa phải là đáp ứng nhân lực.

Chúng ta chưa hình dung được trục chính sách, chưa hề có khái niệm cấp kinh phí cho trường tư thục mặc dù đại học thì từ thời Bộ trưởng Nhân đã nói sẽ cấp bù, nhưng cấp bù như thế nào thì không có hướng dẫn.

Nhưng sau đó vài năm thì kinh tế đất nước có đi lên, nhà nước lại đầu tư cho các trường công quá nhiều, trong khi đó trường tư lại không chịu được vì khổ quá, một bên là có đủ tất cả mọi thứ lại còn được thêm tiền, một bên không có gì cả mà muốn tăng học phí để bù lại những cạnh tranh kia nhưng lại không được tăng.

Hiện nay xuất hiện các nhà đầu tư giáo dục rất mạnh nhưng vẫn ẩn danh bởi vì triết lý giáo dục tư thục của chúng ta vẫn chưa rõ ràng, vậy nên tôi nghĩ rằng hình dung của cả xã hội, cả các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, những người làm thực tế là các giáo viên…thì ta phải hình dung về giáo dục tư thục khác đi một chút, tích cực hơn.

Chúng ta phải chấp nhận là giáo dục tư thục như một loại hình dịch vụ, mà đã là kinh doanh dịch vụ thì phải có tính toán. Vì sao có những trường tư thục hiện nay lên biểu giá học phí tới 55 triệu đồng một năm? Đơn giản là vì thị trường có phân khúc rất đặc biệt, nếu chúng ta không nhìn đúng phân khúc thì sẽ không cạnh tranh được.

Các trường tư thục đóng góp lớn, nhưng chịu nhiều thiệt thòi ảnh 3Phát triển giáo dục tư thục là lối thoát cho nhiều vấn đề vĩ mô

Cần lãnh đạo có tư duy tốt

Chính tư duy lãnh đạo của chúng ta làm hỏng, ví dụ như Thông tư 75 xác định chỉ tiêu tuyển sinh đã bóp chết hàng loạt trường ngoài công lập đang mới nhen nhóm.

Trường tư thục vừa lên được một chút thì có luôn quy định về diện tích lớp học, về giáo viên cơ hữu, trong khi có trường đẳng cấp quốc tế thì tỷ lệ giáo viên cơ hữu không lớn, họ toàn mời những chuyên gia rất giỏi về để giảng dạy.

Nhà mình cứ phải cơ hữu vì sao? Vì là sợ các trường ngoài công lập người ta ăn gian về đội ngũ giáo viên, vậy nên ông thêm câu cơ hữu vào quy định, và nếu không đủ giáo viên cơ hữu thì trường đó không được phép mở ngành tuyển sinh.

Việc này lập tức tạo ra hệ quả, khi bóp chỗ này vào thì các trường công lợi thế, trường công có lâu năm và có lòng tin trong xã hội, biên chế cứ thoải mái vì chưa bị siết chặt, mà lúc đó nhà nước siết đào tạo tại chức ít đi, dẫn đến nhiều trường công đang từ 3.500 học sinh vọt lên đến 8.000 học sinh, vậy thì còn đâu thị phần của trường tư thục. Đó là chính sách rất sai lầm mà báo chí đã nêu.

Tâm lý của chúng ta hiện nay vẫn nặng về việc cứ cái gì của công mà lại chuyển cho tư nhân thì đều không ổn, có vấn đề. Vậy nên tâm lý của các lãnh đạo cũng không vượt được dư luận xã hội.

Bản thân trường trong doanh nghiệp là trường tư, là doanh nghiệp tư, nhưng doanh nghiệp nhà nước thì lại gọi là trường công, tôi thấy rất vô lý ở chỗ đó”.

Tùng Dương