Cách “sản xuất” nhiều tiến sĩ trong một thời gian ngắn?

22/04/2016 15:12
Xuân Trung
(GDVN) - GS. Võ Khánh Vinh – Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội đã thông tin về phản ánh của dư luận cho rằng nơi đây là “lò sản xuất tiến sĩ”.

Mới đây, trên mạng xã hội có thông tin phản ánh về "lò sản xuất tiến sĩ" chỉ 1 ngày 1 tiếng 15 phút ra một tiến sĩ khiến dư luận xôn xao.

Trước thông tin trên, sáng 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (cơ quan chủ quan của Học viện Khoa học Xã hội) đã tổ chức họp báo thông tin về những hoài nghi liên quan tới “lò sản xuất tiến sĩ”. 

Tại đây, GS. Võ Khánh Vinh –  Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội cho biết, mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện là 350 nghiên cứu sinh chia đều cho 20 khoa, đào tạo 36 ngành tiến sĩ. Như vậy, thực tế chưa đến 10 người trên một chuyên ngành. 

GS Vinh khẳng định, chỉ tiêu nghiên cứu sinh như vậy là bình thường. Chỉ tiêu của Học viện còn khiêm tốn, được xác định đúng cơ sở pháp luật, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và nhu cầu của xã hội.

Giám đốc Võ Khánh Vinh. Ảnh Xuân Trung
Giám đốc Võ Khánh Vinh. Ảnh Xuân Trung

GS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, quy trình đào tạo của học viện rất chặt chẽ, từ khi tham gia để xét tuyển, trúng tuyển đến bảo vệ, phản biện… đúng niên hạn. Thậm chí, quy định của Học viện chỉ có chặt chẽ hơn quy trình của Bộ GD&ĐT chứ không có chuyện lỏng lẻo.

Trước những thắc mắc về việc tần xuất đề tài bảo vệ tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội được bảo vệ nhiều trong một thời gian ngắn, liệu điều này có đảm bảo chất lượng và đúng quy định của ngành hay không? 

GS. Võ Khánh Vinh cho rằng, hàng năm học viện tuyển sinh với ứng viên ứng tuyển gấp đôi so với chỉ tiêu. Như vậy chỉ tiêu ko phải do Học viện đề ra mà do Bộ phê duyệt. Hiện tại, Học viện Khoa học Xã hội có 412 Giáo sư, Tiến sĩ tham gia giảng dạy, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là Tiến sĩ.

Xét về số lượng chỉ tiêu với cơ sở đa ngành thực hiện đào tạo nhân lực cao cho cả nước thì số lượng đó còn khiêm tốn. Việc xác định chỉ tiêu là đúng thực tiễn, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Về quy trình đào tạo, GS. Vinh nhấn mạnh quy trình rất chặt chẽ. Ngoài Thông tư 15 theo quy định của Bộ GD&ĐT, Học viện còn trực tiếp cụ thể hóa các quy định tại học viện. Việc bảo vệ phải đúng niên hạn, nghiên cứu sinh nào không làm đúng sẽ gửi trả về, nếu học lại sẽ phải học đúng 3 năm.

Cách “sản xuất” nhiều tiến sĩ trong một thời gian ngắn? ảnh 2

Sự thật bất ngờ bên trong Học viện "mỗi ngày 1 tiến sĩ"

Lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cũng thông tin, khi Học viện hợp nhất  mới chỉ có 286 người làm nghiên cứu sinh. Hiện nay 3 năm là 1.050 người, nhưng tất cả đều được bảo vệ. Số lượng được trả về và không quay trở lại khoảng 90%, 20% bảo vệ quá hạn, phải gia hạn, số còn lại đúng hạn. 

Trong số 784 tiến sĩ ra trường thời gian qua, số lượng những người làm công tác nghiên cứu trong viện hàn lâm chiếm khoảng 10%.

Điều đáng quan tâm không phải đào tạo bao nhiêu tiến sĩ trong bao nhiêu thời gian, mà chất lượng như thế nào? Với số lượng chỉ tiêu lớn như thế  người hướng dẫn có bị quá tải không vì còn hướng dẫn cả thạc sĩ, cử nhân, hướng dẫn ở học viện khác. 

Học viện có chế tài nào quản lý việc GS, PGS hướng dẫn vượt khung và quá tải như thế vì ảnh hưởng tới chất lượng luận án?

GS. Võ Khánh Vinh cho biết, xét về nguyên tắc, thực tế và quyết tâm thì không có du di gì trong vấn đề đào tạo. Nhưng thực tế không có việc này xảy ra.

Học viện có quy trình phản biện kín, không biết ai là nghiên cứu sinh, ai hướng dẫn và tin tưởng về điều này. Học viện Khoa học xã hội được đánh giá cao trong khâu phản biện kín, không có điều tiếng gì.

“Trước khi bảo vệ cấp học viện, nghiên cứu sinh phải công bố luận án lên web để xã hội sàng lọc, đánh gíá, từ người dân bình thường đến chuyên gia.
Trước 10 ngày bảo vệ phải công bố trên báo Nhân dân và Quân đội nhân dân, ai quan tâm có thể biết để  đến tham dự, giám sát.

Công khai hóa toàn bộ trên website của học viện các sự kiện bảo vệ trước, trong và sau. Đó là những bộ lọc chuyên môn, xã hội, đạo đức để đánh giá chất lượng của bài báo” GS. Vinh khẳng định.

Trước đó, ngày 18/4, một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nêu: "Chỉ từ ngày 1/1/2016 đến ngày 11/4/2016, nơi đây đã cho "ra lò" (gọi là "bảo vệ thành công") 58 tiến sĩ. 

Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một chú tiến sĩ ra lò. Một trong các luận án tiến sĩ mới nhất - vừa bảo vệ thành công ở đây sáng ngày 15/4/2016 - là "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã".

Cho rằng thống kê nói trên có thể chưa phản ánh được bức tranh cả năm vì có thể "đây là thời gian cấp tập bảo vệ tiến sĩ trong một năm", người dùng mạng xã hội cũng thống kê, cụ thể, trong năm 2015, từ 1/1 đến 31/12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ bàn luận tiếp về câu chuyện này. Độc giả quan tâm có thể gửi ý kiến chia sẻ về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

Xuân Trung