Không đủ năng lực vẫn được chỉ định thầu
Các chuyên gia từng cảnh báo về lợi ích nhóm, nguy cơ tham nhũng trong việc thực hiện chỉ định thầu tại các dự án của nhà nước.
Câu chuyện liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Dầu khí Việt Nam đang được xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có thể xem là một minh chứng cho những cảnh báo trên.
Cảnh phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo ngày 10/1 (ảnh nguồn TTXVN). |
Cụ thể, ngày 9/1, trong phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp cổ phần dầu khí Việt Nam đã thừa nhận giai đoạn 2009 - 2011 đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.
Nhận thức được Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam chưa đủ năng lực nhưng mong muốn được thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết: “Khi được chỉ định thầu dự án này, bị cáo Đinh La Thăng rất mong muốn để giúp Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam vượt qua khó khăn”.
Trong khi đó, vào ngày 10/1, tiếp tục phần thẩm vấn vụ án này, ông Vũ Huy Quang - tổng giám đốc của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam khẳng định, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam phải ký hợp đồng 33 chấp nhận cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam làm tổng thầu là do sức ép của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Cao Sỹ Kiêm: Lãnh đạo độc đoán, quyết định sai sẽ kéo thuộc cấp sai theo |
Trước đó, trong cáo trạng nêu Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam nhưng hạch toán kinh tế độc lập và sở hữu vốn điều lệ là hơn 21.000 tỉ đồng.
Khi xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và chỉ định thầu cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam.
Khi đó, dù biết Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam chưa đủ năng lực để làm tổng thầu nhưng lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam vẫn chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam ký hợp đồng số 33 với Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam.
Sau khi ký hợp đồng này, Tổng công ty xây lắp cổ phần dầu khí Việt Nam đã tạm ứng số tiền 1.115 tỉ đồng để chi tiêu sai mục đích gây ra thiệt hại cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam là 119 tỉ đồng.
Cạnh tranh bình đẳng sẽ hạn chế được sai phạm
Qua theo dõi vụ án, có thể thấy việc chỉ định thầu cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chứa đựng nhiều rủi ro vì năng lực của nhà thầu này không đảm bảo.
Trong khi, hình thức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu quy định rất chặt chẽ.
Vì lựa chọn nhà thầu không đảm bảo dẫn đến những sai lầm liên tiếp xảy ra và kết quả kéo theo hàng chục bị cáo phải ra hầu tòa, gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến 119 tỉ đồng.
Bà Bùi Thi An (ảnh Ngọc Quang - nguồn giaoduc.net.vn). |
Để có góc nhìn sát hơn về chỉ định thầu và những nguy cơ tham nhũng nảy sinh từ hình thức đấu thầu này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An.
Bà Bùi Thị An cho rằng: “Các thất thoát, tham nhũng từ trước đến nay thường đến từ lý do hổng về quản lý, hổng về cơ chế và hổng về pháp luật.
Riêng trong vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo thì tôi cho rằng nó xuất phát chủ yếu từ hổng về quản lý”.
Bình luận về nguy cơ thất thoát, tham nhũng trong chỉ định thầu, bà An cho rằng: “Cái gì độc quyền – tương đương với chỉ định thầu thì dễ dẫn đến sai lầm.
Nếu muốn có giá đúng mức nhất trong nhận thầu thì cần phải có cạnh tranh bình đẳng trên thị trường trong công tác đấu thầu.
Tức là khi chọn nhà thầu phải tiến hành đấu thầu công khai chứ không phải chỉ định thầu cho những công ty kém năng lực rồi biện minh đủ lý do”.
Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Muốn cạnh tranh bình đẳng trên thị trường thì buộc phải minh bạch tất cả các thông số kèm theo của một dự án.
Đó là những thông số về xã hội, kỹ thuật.
Từ đó cho phép cạnh tranh, công ty nào đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ tham gia đấu thầu và trúng thầu”.
Bình luận về việc biện minh cho việc chỉ định thầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong làm ăn, bà An cho rằng: “Không thể có chuyện ưu ái như vậy được.
Chỉ định thầu chỉ trong trường hợp gấp gáp quá không có cách nào khác như chiến tranh chẳng hạn có thể chấp nhận được.
Trong khi, việc tổ chức, chuẩn bị một công trình trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thì luôn có thời gian.
Nếu năng lực nhà thầu trong nước không đáp ứng được thì kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài tham gia.
Trong luật đã quy định rõ việc này. Đúng là có những lúc phải có ngoại lệ nhưng cái ngoại lệ không thể như thế được”.
Cuối cùng vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Tham nhũng trong chỉ định thầu chủ yếu nằm ở vấn đề định giá.
Vì lợi cho doanh nghiệp, có lúc việc định giá vống lên trên giá trị thực. Đáng ra, làm việc này có mất một nghìn nhưng định giá lên đến 5 nghìn. Hay đất vàng đáng giá 500 triệu anh định giá có 3 triệu.
Do đó, trong chỉ định thầu quan trọng nhất vẫn là vấn đề định giá sao cho đúng thực tế của nó".