Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường tiểu học và trung học cơ sở, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm. Đặc biệt, cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, hiệu trưởng trường nào để dạy thêm học thêm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lưu ý các trường tiểu học cần quan tâm đến việc phân công giáo viên dạy lớp 1.
Bởi đây là lớp đầu tiên của cấp tiểu học, có vai trò quan trọng trong hành trình học tập của học sinh, do đó các trường cần phải bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết, trách nhiệm.
Với cấp trung học cơ sở, Giám đốc Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các trường cần quản lý nghiêm việc dạy thêm, học thêm, tránh để xảy ra tình trạng biến tướng như giáo viên đưa học sinh của mình học thêm ở trung tâm do các thầy cô dạy.
Với cấp trung học phổ thông, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội cũng lưu ý các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đại trà các môn văn hoá.
Phải xây dựng kế hoạch dạy học cho riêng trường mình. Hiệu trưởng tham gia hoạt động chỉ đạo, điều hành chuyên môn, quản lý chặt chẽ nghiêm túc về chuyên môn, có hướng giúp đỡ học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học.
Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.
Có cấm dạy thêm được không? (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Giáo viên dạy học sinh “chính khóa” của mình tại trung tâm có sai luật?
Chương I, Điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDDT quy định rõ: Các trường hợp không được dạy thêm:
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Như vậy, giáo viên muốn dạy thêm học sinh “chính khóa” phải xin phép Hiệu trưởng bằng văn bản; nếu không có sự cho phép của Hiệu trưởng, giáo viên dạy đang vi phạm luật pháp.
Thực trạng dạy thêm “học sinh chính khóa” tại trung tâm như thế nào?
Em đố thầy dám không cho cháu đi học thêm! |
Phần lớn học sinh trung học cơ sở đang học giáo viên nào, ra trung tâm học thêm giáo viên đó.
Tổ chức lớp, thu tiền, đều do giáo viên thực hiện; trung tâm chỉ nhận 20% số tiền trên tổng số học sinh.
Một số nơi, cấp phép cho giáo viên dạy thêm, nơi học cũng là nhà giáo viên; người học chính là “học sinh chính khóa”.
Việc dạy thêm “học sinh chính khóa” đã có luật; chỉ đạo không được thực hiện, thế nhưng công tác quản lý khó thực hiện được; ban ngày đã học thêm tại trường, tối lại nhà thầy em vẫn học thêm.
Giải pháp nào để quản lý giáo viên không dược dạy thêm “học sinh chính khóa”?
Việc quy định giáo viên không được dạy thêm “học sinh chính khóa”, tránh được nạn “ép” học sinh học thêm; cắt xén chương trình, dành cho dạy thêm; giảm áp lực học hành cho học trò.
Để làm được điều đó, cơ quan quản lý phải bắt buộc các trung tâm công khai danh sách, địa chỉ học sinh, giáo viên dạy thêm.
Kiên quyết đóng cửa trung tâm vi phạm quy định xếp giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa. Giáo viên vi phạm, phải rút giấy phép dạy thêm, kỷ luật thích đáng.
Chế tài kiên quyết, mới mong quy định của pháp luật, hướng dẫn của lãnh đạo được thực thi nghiêm túc.
Tài liệu tham khảo:
1: //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/yeu-cau-tranh-tinh-trang-giao-vien-dua-hoc-sinh-ra-hoc-them-o-trung-tam-do-minh-day-559501.html
2: //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx