Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền giáo dục toàn cầu. Tuy nhiên, việc thu hút các giáo sư, phó giáo sư nước ngoài đến làm việc lâu dài hay theo diện thỉnh giảng vẫn còn nhiều rào cản. Nếu có một chính sách đột phá, chúng ta có thể mở rộng cánh cửa tri thức, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới.
Vì sao cần thu hút trí thức bậc cao?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc thu hút chuyên gia quốc tế để phát triển nền giáo dục đại học. Các trường đại học hàng đầu luôn có sự hiện diện của các giáo sư đến từ nhiều nước khác nhau, tạo ra môi trường học thuật đa dạng và năng động.

Ở Việt Nam, dù có những bước tiến đáng kể trong đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học, nhưng chúng ta vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ đổi mới của thế giới. Có thể kể ra một số thách thức chính như sau:
Thứ nhất là thiếu hụt đội ngũ giảng viên có trình độ cao: Số lượng giáo sư, phó giáo sư trong nước còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn như khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, y học, quản trị kinh doanh,…
Thứ hai là còn hạn chế trong nghiên cứu khoa học mang tầm vóc quốc tế: Các công bố quốc tế của Việt Nam tăng dần qua từng năm, nhưng phần lớn vẫn thuộc nhóm trung bình hoặc thấp, chưa có nhiều nhóm bậc cao mang tính đột phá.
Thứ ba là sinh viên Việt Nam còn thiếu cơ hội tiếp cận với giảng viên, chuyên gia đẳng cấp thế giới: Việc học tập với các giáo sư quốc tế không chỉ mang lại kiến thức tiên tiến mà còn giúp sinh viên nâng cao tư duy toàn cầu, kĩ năng nghiên cứu và khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Việc mở rộng cánh cửa để thu hút giáo sư nước ngoài có thể giải quyết những vấn đề trên, đồng thời tạo nên động lực mới cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Những rào cản với giáo sư nước ngoài
Dù đã có một số chương trình hợp tác quốc tế, nhưng trong thực tế số lượng giáo sư nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính đến từ một số rào cản như sau:
Một là, cơ chế bổ nhiệm giáo sư chưa linh hoạt. Việt Nam vẫn chủ yếu bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo hệ thống tiêu chuẩn chung của Nhà nước làm cơ sở để hiệu trưởng trường đại học hoặc giám đốc đại học/ học viện bổ nhiệm. Vì vậy, dù cho một người nước ngoài có trình độ cao nhưng cũng khó đủ các điều kiện cứng để được bổ nhiệm. Trong khi nhiều nước áp dụng mô hình xét duyệt trực tiếp theo từng cơ sở giáo dục đại học.
Hai là, hệ thống đãi ngộ đối với trí thức bậc cao là người nước ngoài chưa đủ hấp dẫn để họ gắn bó. Thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ hỗ trợ cho giáo sư nước ngoài chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam không phải là lợi thế quá lớn để bù đắp mức lương thấp hơn.
Ba là, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp với người nước ngoài. Visa lao động, giấy phép giảng dạy, các yêu cầu pháp lí khác vẫn còn nhiều ràng buộc, làm giảm tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt chuyên gia quốc tế.
Bốn là, chưa có chính sách thu hút giáo sư thỉnh giảng một cách bài bản. Nhiều trường muốn mời giáo sư thỉnh giảng nhưng gặp khó khăn trong việc quy định tài trợ, tổ chức, quản lí lịch trình làm việc của họ.
Những rào cản trên đã khiến cho các trường đại học ở Việt Nam khó có nhiều cơ hội quý giá để tiếp cận với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Cần chính sách đột phá
Để đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới, chúng ta cần phải ban hành các chính sách đột phá, ít nhất là mạnh dạn cho phép thí điểm cơ chế linh hoạt để thu hút giáo sư nước ngoài theo hai hình thức: bổ nhiệm giáo sư/ phó giáo sư chính thức và mời giáo sư thỉnh giảng.
Thứ nhất là thí điểm cơ chế bổ nhiệm giáo sư/ phó giáo sư linh hoạt. Chẳng hạn, cho phép các trường đại học tự chủ trong việc xét duyệt và bổ nhiệm giáo sư nước ngoài dựa trên tiêu chí quốc tế, thay vì chỉ áp dụng hệ thống xét duyệt của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Hoặc áp dụng các mô hình như “giáo sư hợp đồng”, “giáo sư danh dự”, giúp các chuyên gia quốc tế có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu mà không cần tuân theo hệ thống bổ nhiệm truyền thống.
Thứ hai là xây dựng các chính sách đãi ngộ đặc thù. Nhà nước xây dựng quỹ học thuật đặc biệt để tài trợ mức lương cạnh tranh cho giáo sư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam đang cần thu hút nguồn lực trí thức bậc cao ở nước phát triển; chính sách hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt cho giáo sư nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam; tạo điều kiện cho gia đình của giáo sư nước ngoài có thể sinh sống và làm việc tại Việt Nam…
Thứ ba là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cải tiến quy trình cấp visa và giấy phép lao động để giáo sư nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam dễ dàng hơn. Thiết lập cơ chế một cửa để các trường đại học có thể mời và quản lí giáo sư nước ngoài thuận tiện hơn.
Thứ tư là đẩy mạnh mô hình giáo sư thỉnh giảng. Thiết lập hệ thống giáo sư thỉnh giảng theo chuẩn quốc tế, trong đó các trường có thể kí hợp đồng ngắn hạn với giáo sư nước ngoài theo học kì hoặc năm học. Tạo chương trình học bổng đặc biệt để hỗ trợ chi phí cho các giáo sư thỉnh giảng có thể đến Việt Nam giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu. Khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và các trường quốc tế để mời giáo sư thỉnh giảng theo mô hình trao đổi học thuật.

Chúng ta có thể tham khảo các chính sách linh hoạt về việc thu hút giáo sư nước ngoài của một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… để áp dụng nhằm rút ngắn thời gian và khoảng cách, đồng thời thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu kì vọng của Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phân tích trên cho thấy, để nền giáo dục đại học Việt Nam phát triển mạnh mẽ, việc thu hút giáo sư nước ngoài và giáo sư thỉnh giảng là một bước đi rất cần thiết.
Chúng ta cần một chính sách đột phá, thí điểm những mô hình linh hoạt hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia quốc tế có thể cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, mà còn khẳng định vị thế của mình trong bản đồ giáo dục đại học toàn cầu.