Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/2/2025.
Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, để giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm, ngoài hành lang pháp lí thì tổ chuyên môn ở các nhà trường phổ thông cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Các giải pháp này đã được Tổ Ngữ văn ở đơn vị nơi người viết đang công tác thực hiện từ nhiều năm qua đối với Chương trình cũ và mới đều rất hiệu quả.
Người viết thấy rằng, khi tổ chuyên môn thực hiện nhiều giải pháp thì hầu như giáo viên bộ môn trong tổ không tham gia dạy thêm ở ngoài nhà trường nhưng chất lượng chuyên môn vẫn đảm bảo và có phần vượt trội so với một số trường trên cùng địa bàn.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin chia sẻ một số giải pháp giúp giảm thiểu việc dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường.

Thứ nhất, trường học nơi người viết đang công tác dạy học 2 buổi/ngày, buổi sáng dạy chính khoá theo phân phối chương trình; buổi chiều thực hiện theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH (về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày).
Theo đó, học sinh được học 2 tiết/tuần vào buổi chiều. Kế hoạch dạy học được tổ chuyên môn thiết kế theo hình thức phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức - tuyệt đối không kéo dài nội dung hay dạy trước bài mới.
Nhờ kế hoạch dạy học buổi 2 được thực hiện khá bài bản nên học sinh không phải soạn bài ở nhà nhiều. Cùng với đó, các em không cần đi học thêm ngoài nhà trường nhưng đa số vẫn làm tốt các bài kiểm tra thường xuyên, định kì (giữa kì, cuối kì).
Thứ hai, tổ chuyên môn bám sát Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông khi dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, đối với đánh giá thường xuyên, tổ chuyên môn đa dạng trong đánh giá: hỏi - đáp, thuyết trình, thực hành, sản phẩm học tập - chứ không đơn thuần chỉ kiểm tra viết. Mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần và được lấy 3 cột điểm cao nhất để các em có cơ hội được cải thiện điểm số.
Đối với đánh giá định kì (giữa kì), tổ chuyên môn ra đề 60 phút (không chọn 90 phút) giúp học sinh không bị áp lực trong việc ôn tập và làm bài kiểm tra.
Còn kiểm tra cuối kì, học sinh được giới hạn nội dung ôn tập, được cung cấp ma trận theo các yêu cầu cần đạt để các em chủ động học bài được sát sao hơn.
Tổ chuyên môn quán triệt, không ra những phạm vi kiến thức đã được kiểm tra thường xuyên và giữa kì để không gây quá tải cho học sinh.
Liên quan đến việc kiểm tra đánh giá, người viết rất tâm đắc với sự chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng:
"Đổi mới kiểm tra đánh giá: kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh." [1]
Theo người viết, đây là giải pháp căn cơ, các nhà trường phổ thông cần thực hiện nghiêm túc để góp phần giảm thiểu dạy thêm, học thêm.
Thứ ba, căn cứ vào điểm kiểm tra định kì, tổ chuyên môn lập danh sách học sinh theo 2 nhóm học lực: yếu kém và giỏi, sau đó tổ trưởng tham mưu hiệu trưởng phân công giáo viên phụ đạo hoặc bồi dưỡng học sinh theo từng nhóm đối tượng.
Với nhóm học sinh yếu, giáo viên bộ môn phụ đạo giúp các em làm các bài kiểm tra ở mức trung bình. Còn nhóm học sinh giỏi sẽ do giáo viên giỏi chuyên môn phụ trách, giúp các em tham gia các kì thi học sinh giỏi cấp cụm, tỉnh.
Riêng lớp 12, học sinh được ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo các dạng đề tham khảo, minh hoạ. Các em được làm các bài kiểm tra thử, được sửa chữa, chấm điểm và theo dõi sự tiến bộ qua từng tháng, có báo cáo kết quả học tập về cho phụ huynh.
Thứ tư, khi triển khai Chương trình mới, không ít học sinh còn gặp khó khăn trong học tập vì chưa quen phương pháp hoặc bài học khó.
Để hoá giải những khó khăn này, tổ chuyên chuyên môn phân chia giáo viên soạn giáo án sao cho phù hợp với trình độ chung của học sinh.
Đáng chú ý, giáo án điện tử được tổ chuyên môn đầu tư công phu, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để làm mềm hoá bài giảng, thu hút sự chú ý của học sinh.
Cùng với đó, học sinh còn được cung cấp các tài liệu tham khảo có liên quan và phiếu học tập. Phiếu học tập được thiết kế kèm theo vở ghi chép nên rất các em rất thuận lợi khi học môn Ngữ văn.
Thứ năm, giáo viên sử dụng hệ thống LMS để hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tự học ở nhà hoặc chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến đến các em.
Ví dụ, một văn bản đọc hiểu dài 5-6 trang sách, được thiết với 6-7 câu hỏi thì giáo viên không thể dạy hết bài trong 90 phút theo phân phối chương trình. Nếu giáo viên cố chuyển tải hết nội dung bài học thì học sinh sẽ quá tải, không hiểu bài.
Thay vào đó, giáo viên giao nhiệm vụ khoảng 30 phạm vi kiến thức ở mức nhận biết, thông hiểu trên hệ thống LMS để học sinh tự học, tự nghiên cứu. Như vậy, khi vào lớp, giáo viên sẽ giảng khoảng 70% nội dung là phù hợp.
Thứ sáu, tổ chuyên môn tổ chức tiết dạy đọc sách ở thư viện ít nhất 1 lần/tháng giúp học sinh bổ trợ kiến thức văn học và các môn liên ngành.
Điểm nhấn của tiết đọc sách ở thư viện là giáo viên hướng dẫn học sinh biết cách viết nhật kí đọc sách để "tiêu hoá" kiến thức.
Sau khi đọc xong một cuốn sách, các em biết cách ghi nhật kí đọc sách theo các dạng: hình ảnh, hồ sơ nhân vật; quan điểm; giải thích; bản thân và truyện; điểm sách; từ hay;...
Kết quả khảo sát và phỏng vấn cho thấy, khi học sinh yêu thích sách, đam mê đọc sách cũng chính là lúc các em biết cách tự học, kéo theo sẽ giảm thiểu việc học thêm tràn lan, thiếu định hướng.
Nhìn chung, khi tổ chuyên môn thực hiện các giải pháp dạy học đồng bộ, khoa học và có trách nhiệm, tất cả đều hướng đến quyền lợi của học sinh thì sẽ góp phần giảm thiểu dạy thêm, học thêm không đáng có.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/thu-truong-bo-gddt-trao-doi-ro-hon-ve-thong-tu-quy-dinh-day-them-hoc-them-post249075.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.