Cần chủ động và tiết kiệm tối đa trong mua sắm sinh phẩm xét nghiệm COVID-19

18/09/2021 13:22
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giá công bố các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên tìm COVID-19 đang được lưu hành tại Việt Nam phổ biến mức 116.000 đồng – 200.000 đồng/1 test.

Việc kiểm soát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở nước ta đang có một số tín hiệu khả quan. Theo đó, số ca mắc mới tại Hà Nội những ngày qua đã giảm đáng kể và đa số ca mắc mới đều ở khu vực phong tỏa, cách ly. Số ca mắc mới ở các tỉnh phía Nam cũng đã có xu hướng giảm, số ca tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang từng bước giảm xuống.

Để có được các kết quả này là nhờ cách tiếp cận đúng hướng trong xét nghiệm tầm soát, bao phủ vắc-xin và chiến lược mỗi xã, phường, thị trấn đều chủ động chống dịch, các điểm nóng trên toàn quốc đã dần kiểm soát được tình hình, từng bước phấn đấu đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh được hướng dẫn lấy mẫu tại nhà. Ảnh: giaoduc.net.vn

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh được hướng dẫn lấy mẫu tại nhà. Ảnh: giaoduc.net.vn

Góp phần không nhỏ vào thành công bước đầu này là việc mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng xét nghiệm tầm soát F0 để cách ly điều trị hoặc điều trị tại nhà từng bước loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh khỏi cộng đồng, cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Dẫu vậy, trước mắt vẫn còn chồng chất khó khăn, một phần do nhiều địa phương, đơn vị, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp dưới còn chưa sâu sát, quyết liệt, như báo chí đã nhiều lần phản ánh thời gian qua.

Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, cố gắng giảm thiệt hại tối đa cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn, sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân, thì đang có nhiều lo lắng ở đâu đó đang có những vấn đề có nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hoá phục vụ phòng chống dịch.

Đáng lưu ý, sáng 14/9 tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội huy động được.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này, bởi gần đây trong dư luận đang dấy lên nhiều dấu hỏi trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm ở một số nơi. Trong khi đó, thực tế, không ít ý kiến chuyên gia, những người “trong nghề” nói đến các đầu mối có giá tiết kiệm, hợp lý hơn. Điều này rõ ràng cần phải được lưu tâm để mỗi đồng chi cho chống dịch có hiệu quả nhất. Đơn cử như về giá các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh cũng đang đặt ra nhiều dấu hỏi.

Theo tìm hiểu, hiện nay, giá công bố các loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên tìm COVID-19 đang được lưu hành tại Việt Nam phổ biến ở mức 116.000 đồng – 200.000 đồng/1 test. Giá thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tối đa là 238.000 đồng/mẫu theo quy định của Bộ Y tế. Mức giá này cũng được Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông báo công khai vào tháng 7 vừa qua tới các cơ sở y tế áp dụng mức giá 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm test nhanh đối với tất cả đơn vị trực thuộc theo quy định của Bộ Y tế đã ban hành (1).

Tương tự, Bộ Y tế cũng đã cấp phép lưu hành cho gần 30 sản phẩm xét nghiệm RT-PCR cả trong nước và nhập khẩu, với giá công bố dao động từ 280.000 đồng – 600.000 đồng/1 test.

Theo hướng dẫn mới nhất về mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR, mức giá tối đa là 734.000 đồng/1 lần xét nghiệm. Hầu hết các địa phương và các cơ sở y tế đều đang áp dụng các mức giá này.

Cần chủ động và tiết kiệm trong mua sắm sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Cần chủ động và tiết kiệm trong mua sắm sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Để khắc phục tình trạng bát nháo, chất lượng không đồng đều giữa các loại xét nghiệm trên thị trường, đồng thời nhằm tiết kiệm chi phí và sẵn sàng về cơ số vật tư, sinh phẩm xét nghiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp nhu cầu dự kiến đến hết năm 2021 từ các địa phương trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã nhiều lần tổ chức họp trực tuyến và mời các nhà sản xuất uy tín trên thế giới trực tiếp báo giá ưu đãi cho Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi văn bản mời các nhà cung cấp có sản phẩm test nhanh kháng nguyên và RT-PCR được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước) gửi báo giá kèm theo điều kiện thanh toán và số lượng tối đa có thể cung cấp, và đã tổng hợp được số liệu từ ngày 13/09/2021.

Tiếp nhận thông tin này, nhằm chủ động hỗ trợ đất nước, một số doanh nghiệp lớn, uy tín trong nước đã tiếp tục đàm phán, mua sẵn lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm với giá thấp nhất để hỗ trợ các địa phương trên tinh thần phi lợi nhuận. Tới nay, được biết, ít nhất đã có 2 tập đoàn trong nước đàm phán và mua sẵn được một lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm chất lượng cao (lên tới hàng chục triệu đơn vị), toàn bộ là từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới với mức giá tốt hơn rất nhiều so với mặt bằng giá tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, đã có tập đoàn có hàng sẵn trong kho, điều này sẽ góp phần chủ động thiết bị, vật tư sinh phẩm tối đa trong việc chống dịch. Theo thông tin từ những người am hiểu, mức giá có thể giảm 50% so với mặt bằng hiện nay.

Rõ ràng, so với số tiền mà các đơn vị đang phải chi trả trong các chương trình mua sắm gần đây, đây là mức giá giúp tiết kiệm được số tiền cực lớn, chưa kể đến lợi ích không thể chối cãi của việc có sẵn sinh phẩm xét nghiệm để phục vụ nhu cầu cấp bách.

Căn cứ trên tình hình thực tế và cơ hội tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho nguồn lực chống dịch của toàn xã hội (chỉ tính tới hết năm 2021), thông tin này cần được các cơ quan có thẩm quyền thông báo rộng rãi tới các địa phương, nhất là các địa phương đang có dịch, để triển khai theo hướng có lợi nhất cho mục tiêu chống dịch chung, tiết kiệm từng đồng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của đất nước.

Điều này đặt ra yêu cầu cho một số địa phương có dịch nếu chưa có động thái “tiết kiệm” cho nguồn lực địa phương của mình cần phải rà soát và thực hiện nay trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, nguồn thu đang suy giảm. Các nơi đang là điểm nóng về dịch bệnh, các Sở Y tế cần có chiến lược mua sắm tập trung với mục tiêu vừa sẵn sàng về vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, vừa tiết kiệm chi phí ở mức tốt nhất. Địa phương nào thụ động, thờ ơ, né tránh trách nhiệm, chưa tìm các phương án mua sắm tiết kiệm nhất… thì dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi phải chăng có gì khuất tất đằng sau?

Tài liệu tham khảo:

1/ http://www.dongnaicdc.vn/quy-dinh-muc-gia-test-nhanh-khang-nguyen-sars-cov-2-doi-voi-cac-co-so-y-te-cong-lap

Thanh Thủy