LTS: Từ ngày 21-22/7/2024, tại Phú Yên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, Trường Đại học Phú Yên và Tổ chức đối thoại Châu Á (ADS) Singapore tổ chức hội thảo quốc tế “giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á”.
Được biết, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có bài tham luận gửi tới hội thảo với tiêu đề “giáo dục đại học với chiến lược phát triển của Đông Nam Á”.
Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển giáo dục đại học của Đông Nam Á, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.
Phóng viên: Ông dự đoán như thế nào về tình hình phát triển của khu vực Đông Nam Á trong vài thập niên tới?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Các vấn đề riêng của mỗi quốc gia dân tộc đương nhiên là rất quan trọng, nhưng trong phạm vi bài chia sẻ này tôi xin không trình bày mà muốn tập trung trao đổi ý kiến về một số vấn đề của khu vực, liên quan đến khu vực Đông Nam Á để tham gia cùng hội thảo.
Trong vài ba thập niên đến khu vực Đông Nam Á sẽ là một trong vài khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, không phải vì nơi đây tài giỏi hơn người mà vì thiên hạ đã phát triển nhiều, gần đến đỉnh rồi, mỗi bước tiến tiếp theo phải cần nhiều công sức hơn trước, và một số nơi khác tuy rất cần phát triển nhưng lại đang vướng bận một số trở ngại nào đó, kể cả xung đột vũ trang, bất ổn chính trị.
Trước tình hình như vậy, Đông Nam Á cần chủ động và tích cực chuẩn bị cho sinh viên về tinh thần và tri thức để họ tiếp cận với cơ hội đó, không để mất cơ hội và tích cực tham gia thúc đẩy sự phát triển. Giúp cho sinh viên các kiến thức về khu vực, thế giới, về khởi nghiệp trong thời kỳ mới và sự cần thiết phải đoàn kết, hợp tác của cộng đồng Đông Nam Á để cùng nhau giữ gìn hòa bình, tránh xảy ra các xung đột bất ổn và thúc đẩy tăng cường giao lưu hội nhập vì sự phát triển và thịnh vượng chung.
Mọi sự phát triển mạnh mẽ, bền vững hay tụt hậu, yếu kém đều do và bắt nguồn từ kết quả phát triển của con người. Đồng thời, mọi sự phát triển, cuối cùng phải mang lại mục tiêu phát triển con người – đó mới là kết quả vinh quang và sâu sắc nhất của công cuộc phát triển. Mà đối với sự phát triển của con người thì giáo dục có vai trò quan trọng nhất, mang tính quyết định.
Riêng đối với giáo dục đại học được nêu trong bài này bao gồm các cấp độ đào tạo từ cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và kể cả nghiên cứu khoa học – xã hội, tự nhiên và tư duy, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Từ ngày ra đời ở nửa sau của thời kỳ Trung-Cổ cho đến nay giáo dục đại học đã góp phần quan trọng bậc nhất cho sự định hình nền văn minh thế giới.
Đại học gồm ba chức năng chủ yếu. Một là, tiếp tục bổ sung, nâng cao, hoàn thiện việc giáo dục nhân bản đã học từ những năm học phổ thông. Hai là, chuẩn bị nghề nghiệp để sau khi ra trường các sinh viên có thể tham gia trực tiếp một cách có hiệu quả vào công việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước. Ba là, chủ động và tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, tạo ra tri thức và những giá trị sáng tạo mới cho xã hội, cộng đồng.
Với ba chức năng đó, giáo dục đại học gắn bó mật thiết với những vấn đề có tính chiến lược trong phát triển của mỗi quốc gia, của cả vùng Đông Nam Á và đương nhiên cũng của thế giới nói chung.
Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng, Đông Nam Á có lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ. Ông nghĩ sao về điều này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Cũng có mặt như thế nhưng đó chỉ là ưu thế tạm thời, nhất là đối với giai đoạn phát triển theo chiều rộng, không cơ bản lâu dài được, và cũng không thể đem lại thu nhập cao, dễ rơi sâu vào "bẫy" thu nhập trung bình và sẽ phải vùng vẫy trong đó nhiều thập niên. Thậm chí còn là trở ngại đáng kể cho sự phát triển với chất lượng cao, nhất là đối với thời đại công nghiệp 4.0 và kinh tế tri thức.
Phát triển là tự phát triển, không ai có thể làm thay cho mình được, và phát triển cũng là cùng phát triển. Sự phát triển của các nước chung quanh sẽ là thị trường lớn hơn cho mỗi quốc gia gần đó, nhất là theo các chương trình phát triển có sự phối hợp chiến lược trong khu vực. Cần có tư duy theo hướng "cùng thắng", "cùng có lợi", cùng trao đổi thảo luận để thỏa thuận phân công hợp lý nhất có thể, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi nước, không sô-vanh chèn lấn tranh giành, hẹp hòi cục bộ…, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp chung của cả khu vực.
Hội nhập, thị trường toàn cầu, thị trường khu vực, công dân toàn cầu là những nội dung cần giúp cho sinh viên có có tầm nhìn rộng mở, bao quát, nhiều hiểu biết, có công cụ ngôn ngữ và khả năng tiếp cận, tham gia tương tác.
Với sự tiến bộ nhanh về khoa học - kỹ thuật – công nghệ như ngày nay, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, về thị trường, từ đó tác động đến sự chuyển đổi nghề nghiệp nhiều lần trong một đời người, vì vậy đào tạo đại học cần chuyển động theo hướng quan tâm đáng kể những kiến thức và năng lực nền tảng cơ bản, phần còn lại về các nội dung chuyên sâu thì thực hiện bằng hai cách là, một phần trong chương trình cơ bản và phần khác là các chương trình bồi dưỡng thêm ngắn hạn trước khi chính thức vào nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Sản xuất hàng nông hải sản, hàng tiêu dùng, kể cả hàng thủ công mỹ nghệ, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, dịch vụ tài chính ngân hàng… chắc chắn là xu hướng không thể bỏ qua. Đông Nam Á có những lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên, phong cảnh, di tích, sự phong phú về văn hóa để phát triển nền nông nghiệp thực phẩm và lương thực giá trị cao, ngành du lịch đa dạng với các loại hình phù hợp đặc điểm văn hóa và sinh thái.
Du lịch xét theo nghĩa nào đó và biết làm tốt sẽ là một ngành tổng hợp, lưỡng dụng, vừa là kinh tế vừa là văn hóa, vừa tạo công việc làm, có thu nhập, lại vừa bảo tồn và tạo thêm nhiều cảnh đẹp về tự nhiên-sinh thái cho quê hương, đất nước và khu vực. Cảnh đẹp và sự ứng xử thân thiện của con người muôn đời nay luôn luôn là nguồn của thi ca và âm nhạc.
Ngoại trừ những xung đột và cấm vận, xu hướng chung của thị trường toàn cầu nhất định sẽ tiếp tục phát triển, trong đó có thị trường hàng hóa, thị trường vốn và chứng khoán, chứng khoán phái sinh, có thương mại điện tử, vận tải đường biển, sử dụng các công cụ tài chính mới (mà thế giới tiên tiến đã đi trước Đông Nam Á xa rồi) và cách quản trị hiện đại đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng là yêu cầu khách quan để có sự phát triển tăng hơn. Đây cũng là nội dung quan trọng cần chuẩn bị cho sinh viên….
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình nghiên cứu khoa học – công nghệ và sản xuất hàng công nghiệp công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Nghiên cứu khoa học – công nghệ và sản xuất hàng công nghiệp công nghệ cao mang nhiều giá trị chất xám của kinh tế tri thức đương nhiên là việc khó không đơn giản, nhất là trong điều kiện Đông Nam Á gần như chưa phát triển nhiều nhưng nhất định phải quyết tâm phấn đấu nếu không muốn bị tụt hậu xa so với thế giới hiện đại ngày nay. Muốn vậy, cần phải biết "đi cùng" với các đối tác có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực đó để có thể nhanh tham gia được vào chuỗi giá trị cung ứng chung.
Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phát triển mạnh và đi xa hơn nhiều nữa, dần dần sẽ thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trong thế giới hiện đại. Giáo dục là một trong vài lĩnh vực mà công nghệ thông tin sẽ tác động mạnh mẽ nhất, vừa là cung cấp cho phương tiện, điều kiện để tự học và học tập suốt đời, không ngừng nghỉ, lại vừa là nhân tố hàng đầu để tổ chức lại công việc dạy và học cho hiệu quả cao hơn, thay thế một phần việc đáng kể của người thầy trong truyền thụ kiến thức, để người thầy tập trung cao cho công việc tổ chức lại hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực của sinh viên.
Số hóa, phát triển tài nguyên giáo dục mở, giáo dục mở và khoa học mở là xu hướng tích cực và đương nhiên, nếu muốn phát triển nhanh hơn và bền vững. Các quan niệm lâu nay về trường học, phòng học, giảng đường, sách giáo khoa, bảng và phấn...đến cách kiểm tra, thi cử và khái niệm bản quyền…rồi cũng sẽ thay đổi nhiều. Giáo dục đại học cần đi tiên phong trong đổi mới phương thức hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao hơn và tham gia dẫn dắt cộng đồng xã hội theo hướng tiến bộ, văn minh.
Nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, khoa học về con người và cách quản trị hiện đại là yêu cầu bắt buộc để phát triển của khu vực Đông Nam Á. Nếu như khoa học tự nhiên giúp con người có sức mạnh lớn hơn để tham gia điều chỉnh và sống cùng với thế giới tự nhiên thì khoa học xã hội giúp cho con người gắn bó và hòa hợp với cộng đồng xã hội để có sức mạnh cấp số nhân cùng tiến lên phát triển văn minh. Đông Nam Á rất cần cả hai thứ ấy, trong đó có cả các môn khoa học về phương pháp luận, đáng chú ý là sự kết hợp giữa minh triết phương Đông và triết học phương Tây.
Với quy luật khách quan và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sẽ có nhiều hơn các vấn đề về kinh tế-xã hội vượt qua ranh giới hành chánh của các quốc gia, mở rộng tiếp biến với khu vực và thế giới. Sự thu mình và đóng cửa chắc chắn sẽ hạn chế phát triển. Hệ thống mở đã và đang tiếp tục chứng minh về khả năng thúc đẩy phát triển. Lý thuyết hệ thống đã khẳng định điều đó, kể cả đối với lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy. Giáo dục cần bắt nhịp sâu với luận điểm này.
Thế giới vật chất vận động liên tục, không ngừng nghỉ. Vận động là phương thức tồn tại vĩnh cửu của vật chất. Mọi lý thuyết về khoa học, kể cả tự nhiên và nhất là xã hội và con người đều sẽ được hoàn thiện và kiểm nghiệm chân lý qua thực tiễn. Giáo dục cần giúp cho sinh viên có cái nhìn biện chứng, không xơ cứng, bất biến mà sáng tạo không ngừng. Sáng tạo là cách tốt nhất để thực hiện, vận dụng và tiếp tục sản sinh ra các lý thuyết khoa học.
Tự do học thuật, phản biện khoa học, tự chủ trong quản trị, học tập và tiếp thu bằng cách thông qua phản biện…là những vấn đề quan trọng hàng đầu để phát triển năng lực sinh viên và thầy giáo. Rất cần nghiên cứu tiếp thu và thực hiện các nội dung trên để giáo dục đại học nhanh chóng trưởng thành. Tất nhiên bất kỳ sự tiếp thu nào cũng cần chủ động chọn lọc để phù hợp với đặc điểm văn hóa và tình hình thực tế của các quốc gia Đông Nam Á.
Phóng viên: Để sinh viên Đông Nam Á được trang bị những kiến thức, kỹ năng như ông đề cập ở trên thì giáo dục đại học của khu vực cần có phương pháp như thế nào?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thực tế cho thấy, giáo dục của Đông Nam Á còn khá nặng về phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức. Với cách giảng dạy đó, kinh nghiệm của thế hệ trước vô tình đã làm giới hạn cho thế hệ sau, học trò phải theo thầy, giống thầy và cố gắng bằng thầy, thầy là giới hạn đạo lý và khoa học của học trò.
Ngày nay tình hình phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ đã khác xưa nhiều. Tốc độ phát triển rất nhanh và đa dạng, lượng kiến thức chung được tích lũy đã rất khổng lồ, thông tin nhiều chiều, các thông tin tiếp tục va chạm vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau, làm nảy sinh thông tin mới. Cứ thế kiến thức cứ chồng chất lên theo cấp số nhân. Với cách dạy và học theo lối truyền thụ kiến thức không còn phù hợp nữa. Cần dạy cho các em cách học, cách tự học, chủ động và tích cực tự trang bị kiến thức cho mình một cách thường xuyên liên tục theo những mục tiêu mong muốn và lựa chọn.
Người thầy phải có trách nhiệm và tâm huyết giúp cho học trò có khả năng vượt thầy vượt sách. Công nghệ thông tin và môi trường của kỷ nguyên thông tin là một trong những "người thầy" truyền thụ quan trọng nhất để sinh viên "tự học". Còn người thầy không phải chủ yếu lo truyền thụ kiến thức như ngày xưa nữa, mà là hướng dẫn và tổ chức quá trình học cho sinh viên, kể cả sự tự học của mỗi người và học theo các nhóm, nhằm phát triển năng lực tư duy và năng lực hành động. Thầy giáo là nhà tâm lý học, giáo dục học, cần rèn luyện năng lực phát hiện các khả năng thế mạnh tiềm ẩn trong mỗi học sinh để từ đó mà tác động và tạo điều kiện cho các em phát triển tốt nhất theo các phương pháp dạy học có phân hóa theo các thế mạnh của học sinh.
Đối với giáo dục, phương pháp sẽ quan trọng vô cùng, quan trọng bậc nhất. Phương pháp tốt mới đạt được mục tiêu, mới thực hiện được nội dung của chương trình. Phương pháp không tốt thì mục tiêu và chương trình cũng sẽ chẳng là gì nữa. Vì vậy, phương pháp trong giáo dục cần được nhận thức theo nghĩa quan trọng hơn nhiều so với chính nó.
Kinh nghiệm quan trọng bậc nhất của các trường đại học nổi tiếng thế giới là giúp cho sinh viên biết cách phản biện, có thói quen phản biện khoa học, và tiếp thu thông qua phản biện. Những gì không bác bỏ được sẽ là cái còn lại bền vững trong nhận thức, tư duy. Người Việt Nam có câu hay nói là "học-hỏi". Biết hỏi là biết học. Biết hỏi là biết dạy. Hỏi là cách học và cách dạy hiệu quả nhất.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.