Hiện nay thực trạng bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa hiệu quả trong nhiều ban ngành trong đó có ngành giáo dục là vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua.
Tinh gọn bộ máy, nhân sự cũng là cách để nâng cao năng lực lãnh đạo của thủ trưởng đơn vị, tiết kiệm ngân sách để có thể dùng một phần cải cách lương cho giáo viên trong thời gian tới.
Trong bài viết này, người viết xin được nêu quy định về cấp phó của phòng giáo dục và đào tạo (sau đây gọi tắt là phòng giáo dục), các trường tiểu học đến trung học phổ thông và xin được có kiến nghị để tinh giảm nhân sự phòng giáo dục và các trường học trong thời gian tới.
Quy định số lượng cấp phó của phòng giáo dục, các trường học
Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, quy định số lượng phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở như sau:
“- Trường hợp được bố trí 01 phó trường phòng gồm:
+ Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức;
+ Phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức;
+ Phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức.
- Trường hợp được bố trí không quá 02 phó trường phòng gồm:
+ Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức;
+ Phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức;
+ Phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức.
- Trường hợp phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 phó trưởng phòng.”
Đối với các phòng giáo dục cấp huyện hiện nay đa số được bố trí 2 đến 3 phó trưởng phòng.
Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn |
Còn đối với các trường thì quy định số lượng cấp phó (phó hiệu trưởng) như sau:
Căn cứ vào Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Đối với trường trung học phổ thông: Tại Khoản 2 Điều 7 có quy định về số lượng phó hiệu trưởng như sau:
“- Trường trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường trung học phổ thông chuyên được bố trí 03 phó hiệu trưởng;
- Trường trung học phổ thông có từ 18 đến 27 lớp đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 10 đến 18 lớp đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 02 phó hiệu trưởng;
- Trường trung học phổ thông có từ 17 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 9 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 phó hiệu trưởng.”
Tại Điều 6, 7. Định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp tiểu học, trung học cơ sở quy định số lượng phó hiệu trưởng như sau:
“Trường trung học cơ sở có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học, trung học cơ sở được bố trí 02 phó hiệu trưởng;
Trường tiểu học, trung học cơ sở có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 phó hiệu trưởng.”
Nên giảm cấp phó phòng giáo dục và trường học chỉ còn 1 người
Hiện nay, theo Thông tư 12/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh), phòng giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp huyện).
Tại Điều 3. Vị trí và chức năng:
“1. Phòng giáo dục và đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện…”.
Cơ bản phòng giáo dục cấp huyện cũng giống như các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng đều trực thuộc quản lý trực tiếp của ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện quản lý chuyên môn cho các trường, là cầu nối giữa sở giáo dục và đào tạo về chuyên môn nên dưới ứng dụng công nghệ thông tin và quyền tự chủ của các trường thì theo người viết hiện nay số lượng 2-3 phó trưởng phòng là có phần thừa thì nên tinh giảm cấp phó và quy định cấp phòng giáo dục chỉ nên có 1 phó trưởng phòng.
Đối với các trường học từ trung học phổ thông đến tiểu học cũng nên quy định mỗi trường không phân biệt loại trường chỉ nên có 1 phó hiệu trưởng.
Nếu phân theo hạng trường, số lớp thì có nhiều bất hợp lý như trường ở bậc tiểu học, trung học cơ sở có 27 lớp thì chỉ có 1 phó hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng làm khá nhiều việc tuy nhiên hưởng phụ cấp chức vụ là 0,35, trong khi trường 28 lớp được bố trí 2 phó hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hưởng phụ cấp chức vụ là 0,45.
Do đó, theo quan điểm người viết hiện nay cùng với sự bùng nổ của thời đại công nghệ, chức năng của phó trưởng phòng là giúp việc cho trưởng phòng; phó hiệu trưởng là giúp việc cho hiệu trưởng nên khi bố trí nhân sự cấp phó ở các cơ quan này chỉ nên có duy nhất 1 nhân sự phó trưởng phòng giáo dục, 1 phó hiệu trưởng là hợp lý.
Vì hiện nay, dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý và giáo viên được nâng lên thì việc mỗi trường có 2, 3 phó hiệu trưởng là chồng chéo nhiệm vụ, không cần thiết, tăng gánh nặng biên chế, ngân sách.
Nếu cắt giảm hợp lý sẽ tiết kiệm được hàng ngàn nhân sự trong ngành, giảm được nguồn ngân sách khá lớn do tăng biên chế và tiền phụ cấp chức vụ hàng tháng chi cho cấp phó trên.
Bên cạnh đó cũng cần chấm dứt các trường dưới 20 lớp (trừ trường hợp đặc biệt ở vùng núi, biên giới, hải đảo,...) bằng cách sáp nhập các trường có số lớp ít để tinh gọn bộ máy, phát huy sức mạnh tập thể, phát huy vai trò của thủ trưởng, cấp phó và tận dụng công nghệ,… sự xuất hiện và tồn tại các trường có số lớp nhỏ kéo theo sự cồng kềnh của bộ máy, tăng nhân sự, áp lực ngân sách,…
Do đó người viết xin được đề xuất trong thời gian tới khi sửa đổi, thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu tinh giản, tinh gọn bộ máy các trường chỉ nên có 1 phó hiệu trưởng và tham mưu Chính phủ quy định cụ thể số lượng cấp phó của phòng giáo dục là 1 người là một trong những giải pháp cần thiết để tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách tiến tới cải tiến lương cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong thời gian tới.
Nếu vẫn giữ số lượng như hiện nay thì không ngân sách nào có thể kham nổi, việc cải tiến lương nhà giáo khó có thể thực hiện.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.