Cần nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút người giỏi vào ngành giáo dục TPHCM

10/01/2024 09:19
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta phải nghiên cứu, đề xuất cho lãnh đạo thành phố cơ chế chính sách tạo điều kiện đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ GV.

Chiều ngày 9/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đến tham dự hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã có bài phát biểu quan trọng.

Công tác truyền thông còn nhiều hạn chế

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, thành phố đã đạt được một số kết quả lớn. Đó là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo xu thế của thời đại, gìn giữ cốt cách truyền thống khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận xét, công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của thành phố vẫn còn nhiều người dân chưa thấu hiểu được.

“Giờ này nhiều người còn trách, còn buồn. Họ chưa hiểu hết nội dung quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cụ thể trong Nghị quyết 29-NQ/TW. Đó là công tác truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục còn nhiều hạn chế” – Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, một trong những định hướng trong thời gian sắp tới của Thành phố Hồ Chí Minh là tiếp tục đầu tư, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, chú trọng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế, đáp ứng với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập như Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra.

Ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo: “Chúng ta phải nghiên cứu, đề xuất cho lãnh đạo thành phố các cơ chế chính sách để cải thiện, tạo điều kiện đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề, đồng thời thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục”.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nêu nhiều kiến nghị “nóng”

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu hàng loạt các kiến nghị, đề xuất có liên quan đến trường lớp, lương thưởng cho giáo viên.

Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các địa phương, nhằm giúp thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ dành riêng cho ngành giáo dục và đào tạo, để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đúng cơ cấu chuyên môn tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu giáo dục của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (ảnh: V.D)

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (ảnh: V.D)

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những quy định cụ thể về thi đua khen thưởng kịp thời đối với cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng; Xây dựng các tiêu chuẩn và đề ra tiêu chí về năng lực cán bộ quản lý.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên tiếng Anh được đi tu nghiệp ở nước ngoài để nâng cao kiến thức chuyên ngành, ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng trường học số - lớp học số, trường học thông minh – lớp học thông minh.

Điều chỉnh, bổ sung Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ban hành các quy định cụ thể liên quan đến kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến. Ban hành hướng dẫn chế độ quy đổi hoạt động của giáo viên trong tổ chức dạy học trên internet.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất thành phố ưu tiên đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đã được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận huyện; trong đó tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao, hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đề xuất thành phố có cơ chế đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính…để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa. Các khu đô thị mới phải có quỹ đất để giao cho quận, huyện làm nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng trường học.

Đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phân cấp thí điểm các mô hình giáo dục theo đặc thù Thành phố Hồ Chí Minh chưa được quy định trong Luật Giáo dục; phân bổ chỉ tiêu đào tạo hoặc giao tự chủ cho Trường Đại học Sài Gòn và các trường có đào tạo ngành sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kịp thời nguồn giáo viên, đặc biệt đối với các ngành đang thiếu hụt giáo viên.

Cần có cơ chế đặc thù trong thu hút, tuyển dụng giáo viên giảng dạy các bộ môn khó tuyển dụng.

Việt Dũng