Bức tranh về giáo dục đại học sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29

21/11/2023 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT nói chung, đặc biệt là giáo dục đại học đã đạt được kết quả rất tích cực.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29), với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, đặc biệt là giáo dục đại học nói riêng đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Năm 2023, giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục cho thấy những khởi sắc trong thực hiện tự chủ đại học, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông,... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Để nhìn lại những kết quả, cũng như hạn chế của giáo dục đại học sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: Ngọc Mai

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: Ngọc Mai

Phóng viên: Thưa ông, năm 2023 là năm thứ 10 triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ông quan tâm đến sự thay đổi lớn nào của giáo dục trong những năm qua?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Có thể khẳng định, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã mở ra hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam nói chung, trong đó, có những đổi mới riêng đối với giáo dục đại học.

Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tuy chưa hoàn hảo nhưng đang dần hoàn thiện, đi đúng hướng theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thực hiện theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, rút kinh nghiệm từng năm để hoàn thiện, tạo tiền đề cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ sau năm 2020; đảm bảo đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, từng bước tiếp cận xu hướng thi, tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Sự đổi mới này có thể thấy rõ từ năm 2017 khi tổ chức duy nhất một cụm thi tại mỗi tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức thi. Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với các bài/môn thi (trừ bài thi Ngữ văn), mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề riêng, bài làm chấm với phần mềm chuyên dụng.

Đến năm 2018, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia được giữ ổn định phương án thi như năm 2017. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, kỳ thi đã để xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận trong công tác tổ chức chấm thi trắc nghiệm ở một số địa phương, đặc biệt là vi phạm làm sai lệch điểm thi ở các hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng nên trả lại việc tổ chức thi tuyển đại học cho các trường đại học như trước. Tuy nhiên, nếu như sau năm đó, chúng ta xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia thì sẽ không thể có được bức tranh giáo dục toàn vẹn, khó đánh giá kết quả quá trình học cũng như định hướng hoạt động dạy và học. May mắn, hiện chúng ta vẫn giữ được một kỳ thi tốt nghiệp với hai mục đích: Xét tốt nghiệp trung học phổ thông và dựa trên kết quả đó để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia qua các năm trước đó, ngành giáo dục đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm khắc phục hạn chế theo hướng tăng cường ứng dụng thiết bị kỹ thuật, bảo mật phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai.

Từ năm 2019 đến năm 2023, dù trong quá trình tổ chức thi còn những hạn chế nhưng dần đã được khắc phục, tạo tiền đề đổi mới cơ bản trong thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong đó, ngân hàng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng phong phú và đội ngũ chịu trách nhiệm làm đề thi tốt nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Theo tôi, việc tổ chức một kỳ thi đáp ứng được hai mục đích là đột phá nhất trong đổi mới thi, là bước đi quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc chỉ còn 1 kỳ thi tốt nghiệp không những giúp giảm áp lực cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội, mà trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, trách nhiệm của địa phương cũng được phân nhiệm rõ hơn. Trong đó, nét nổi bật nhất là giao trách nhiệm việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ở từng địa phương cho người đứng đầu địa phương đó nhằm khắc phục triệt để những tiêu cực vẫn diễn ra một số năm trước đây.

Những thay đổi, cải cách quy trình của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang là hướng đi đúng, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được điều chỉnh để thích ứng dần với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tôi nghĩ, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đưa vào thực hiện khi chưa đủ thời gian cần thiết để thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà nên có lẽ việc điều chỉnh sẽ rất nhiều, trong đó chúng ta cần thiết phải xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sao cho phù hợp.

Tôi được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến. Theo dõi dự thảo, tôi nhận thấy có nhiều điểm mới rất đáng quan tâm. Trong đó, ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi sẽ phải theo hướng đánh giá năng lực sao cho phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; phương án thi tốt nghiệp cũng nhấn mạnh đến định hướng nghề nghiệp. Và theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước sẽ đẩy mạnh được việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trên máy tính.

Từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp là những em học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên để hướng nhiều đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thì những nội dung, cách tiếp cận, phương pháp dạy học… sẽ khác và cần tập trung nghiên cứu.

Phóng viên: Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 là “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, theo ông, đầu tư cho giáo dục đại học hiện nay chuyển biến mới như thế nào khi bước sang năm thứ 10 triển khai Nghị quyết 29?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi nghĩ việc đầu tư ngân sách chưa có nhiều chuyển biến đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993.

Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nêu quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Nếu là “quốc sách hàng đầu” thì tại sao ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp năm 2020 mới chỉ chiếm 0,27% GDP và khoảng 4% ngân sách dành cho giáo dục - tôi cho đây là con số quá khiêm tốn.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Tình hình đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng từ 1/2 đến 1/6 so với một số nước trên thế giới nếu tính theo tỷ lệ trong GDP. Ví dụ, Thái Lan 0,64; Trung Quốc 0,87; Hàn Quốc 1,0; Finland 1,89;...

Ngoài ngân sách nhà nước, học phí gần như chiếm tuyệt đối nguồn thu của trường đại học, còn các nguồn thu khác rất hạn chế, thậm chí là không có. Đặc biệt, khi các trường đại học công lập thực hiện cơ chế tự chủ, biểu hiện đầu tiên và rõ ràng nhất là các trường bị cắt chi thường xuyên. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển hiện không thường xuyên và phân bổ không đều ở các trường.

Việc xã hội hóa hiện nay nhằm huy động các nguồn lực khác đầu tư cho giáo dục, đặc biệt trông chờ ở những mạnh thường quân. Tuy nhiên, chúng ta có các mạnh thường quân của các giải bóng đá, mạnh thường quân của các cuộc thi hoa hậu,... nhưng chưa có nhiều mạnh thường quân đầu tư cho giáo dục lâu dài. Còn nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường đại học, ngay cả ở những trường top đầu về lĩnh vực nghiên cứu, kỹ thuật chỉ chiếm tỷ trọng cực thấp trong tổng thu/năm.

Sinh viên Trường Đại học CMC. Ảnh: website nhà trường.

Sinh viên Trường Đại học CMC. Ảnh: website nhà trường.

Có thể thấy, xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, hay hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hầu hết các trường chưa mang lại nhiều hiệu quả. Do đó, học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu của trường đại học. Để tăng nguồn thu này, có trường tìm mọi cách lách luật (không được tăng học phí theo yêu cầu của Chính phủ trong 3 năm học gần đây) để sinh ra các khoản thu như: phí SMS, hệ thống quét trùng lặp, buộc sinh viên năm nhất phải mở thẻ ngân hàng mới được làm hồ sơ nhập học,... Điều này sẽ khiến cho nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn không dễ được tiếp cận với giáo dục đại học.

Như vậy, chúng ta khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, điều này cũng là quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29. Nhưng hiện nay, việc thực hiện chưa thực sự tương xứng.

Phóng viên: Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 là “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ”. Tới nay đã 10 năm triển khai Nghị quyết 29, giáo dục đại học đã có “hệ thống giáo dục theo hướng mở” chưa, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 là “đổi mới giáo dục theo hướng mở” nhưng thực tế hiện nay cách thực hiện không đảm bảo tính mở.

Hướng mở là đảm bảo theo xu hướng của giáo dục thế giới hiện nay, có nghĩa là dù học theo cách nào nhưng nếu có quyết tâm, năng lực thì mọi người vẫn có thể đạt trình độ cao nhất mà họ mong muốn chứ không phải là vào lối này thì thông, còn vào lối kia lại cụt đường học lên trình độ cao.

Tôi được biết, ở nhiều nước trên thế giới, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có 2 hướng lựa chọn tương đương với nhau, đó là theo luồng trung học phổ thông và luồng trung học nghề (chứ không phải trung cấp nghề). Cả hai hướng này đều cho phép học sinh có thể học lên các trình độ cao hơn.

Nhưng ở nước ta, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ngoài luồng vào trung học phổ thông, chúng ta có luồng trung cấp nghề chứ không phải là trung học nghề. Trung cấp nghề có thời gian đào tạo ngắn nên chỉ đảm bảo tiêu chuẩn tay nghề chứ không đảm bảo tiêu chuẩn học vấn nên người học không thể học lên các trình độ cao hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay, toàn hệ thống giáo dục không có sự nhất quán do khối giáo dục nghề nghiệp tách biệt riêng. Ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng không có sự liên thông thực sự. Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định muốn dự tuyển vào cao đẳng thì thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Từ cao đẳng muốn chuyển lên đại học lại càng không dễ vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình, mục tiêu phát triển (do 2 cơ quan nhà nước khác nhau quy định).

Nghị quyết 29 cũng nêu mục tiêu tổng quát là “hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo”, tôi hiểu là xây dựng hệ thống giáo dục mang tính hội nhập, tương đương với thế giới. Tuy nhiên, hiện chúng ta không hoàn toàn có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Tôi cho rằng, các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ cấp độ nào theo tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục của UNESCO (ISCED 2011). Minh chứng cho điều này đó là trong phân loại ISCED 2011 nêu rõ phân loại phải theo trình độ học vấn chứ không phải theo trình độ tay nghề. Theo trình độ học vấn tức là nếu có trung học phổ thông thì phải có trung học nghề chứ không phải trung cấp nghề như giáo dục của ta hiện nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có hai mốc quan trọng có thể vận dụng để thực hiện phân luồng người học:

Một là, phân chia học sinh sau trung học cơ sở theo hai luồng: luồng trung học phổ thông (3 năm) và luồng trung học hướng nghiệp sâu (3 năm). Luồng trung học phổ thông chủ yếu cung cấp nguồn tuyển cho cao đẳng và đại học. Luồng trung học hướng nghiệp sâu được hợp thành từ trung học kỹ thuật và trung học nghề, chủ yếu cung cấp nhân lực tham gia thị trường lao động và một bộ phận không nhỏ cũng sẽ là nguồn tuyển cho cao đẳng thực hành và đại học ứng dụng.

Hai là, phân chia học sinh sau trung học phổ thông theo 2 luồng: luồng đại học nghiên cứu/học thuật (4-6 năm) và luồng ứng dụng/chuyên nghiệp – thực hành bao gồm cao đẳng thực hành (3 năm) và đại học ứng dụng (4 năm). Theo hướng này, thời gian thiết kế cho học sinh từ trung học nghề lên cao đẳng thực hành chỉ cần 2 năm, từ cao đẳng thực hành lên đại học ứng dụng 2 năm.

Việc người học có đi tới được trình độ cao nhất hay không còn tùy thuộc vào năng lực của người đó và các đòi hỏi về đầu vào của mỗi cơ sở giáo dục, hoàn toàn không có rào cản về thể chế như hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phóng viên: Nghị quyết 29 cũng nêu “... Hoàn thiện mô hình đại học quốc gia, đại học vùng”. Theo ông cho tới nay chúng ta đã đạt được mục tiêu đó chưa?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng, các đại học quốc gia, đại học vùng của Việt Nam vẫn còn đang hoạt động giống như mô hình một liên hiệp các trường đại học chuyên ngành chứ chưa phải là một đại học đa lĩnh vực thực sự. Ngoài ra các trường thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng hiện hoạt động gần như những trường đại học độc lập. Về mặt pháp lý, Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng chưa đặt đúng chỗ “đại diện quyền sở hữu” của đại học quốc gia, đại học vùng.

Mục đích thành lập đại học quốc gia, đại học vùng là để tạo ra các cơ sở đại học mới, có khả năng đảm đương những sứ mệnh to lớn hơn so với các đại học đang có nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Trên thế giới, hầu hết các đại học xếp hạng đẳng cấp quốc tế đều là đại học đa lĩnh vực. Còn đại học đa lĩnh vực của chúng ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi kiến nghị, để có mô hình đại học quốc gia, đại học vùng, nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng của từng đại học đa lĩnh vực. Trong các quy chế, cần thể hiện rõ quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt hoạt động, đặc biệt trong giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, không nên tiếp tục duy trì quan điểm xem các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có tư cách đầy đủ như một trường đại học độc lập (cái được gọi là mô hình đại học hai cấp). Cần phải xem đại học là một đơn vị học thuật hoàn toàn tự chủ chứ không phải một cấp quản lý nhà nước (để được mang con dấu Quốc huy). Đồng thời, trong quy chế phải thể hiện chức năng của mỗi cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực.

Phóng viên: Tự chủ đại học là bước tiến. Ông có nhận xét như thế nào về tiến độ cũng như chất lượng thực hiện tự chủ đại học? Kết quả này có đáp ứng được mục tiêu đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, chủ trương về tự chủ đại học rất đúng, có ý nghĩa đột phá phát triển giáo dục đại học của Việt Nam. Chúng ta có Nghị quyết 19 của Trung ương và đưa vào Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), thực hiện thí điểm tự chủ ở 23 trường đại học từ 7 năm trước - là quyết định đúng. Điều này minh chứng đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng từng có thời kỳ hoàng kim khi thực hiện cơ chế tự chủ (lọt top 400 của thế giới giai đoạn 2015-2020).

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đến nay nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn nhiều lúng túng, nhất là quan điểm về tự chủ tài chính. Cụ thể, chúng ta vẫn đang đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực. Trao quyền tự chủ cho trường đại học nhưng chưa xác định rõ quyền tự chủ đó là của ai? Chưa có sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học (Luật 34) với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Viên chức,... chưa có hệ thống văn bản pháp lý nhất quán, phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 77 đến nay vẫn chỉ dừng lại ở 23 trường đại học thí điểm tự chủ. Điều đáng nói là tự chủ đại học hiện nay ở nước ta vẫn đang hiểu theo thiên hướng tự túc. Trong khi đó, quá trình tự chủ thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở cơ quan chủ quản và hiệu trưởng sang hội đồng trường. Nếu không thể chế hóa chức năng và các mối quan hệ, các bước đi thích hợp thì khó thực hiện tự chủ đại học.

Nhóm sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) trong tiết thực hành, thực tập. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Nhóm sinh viên của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) trong tiết thực hành, thực tập. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Chúng ta hiểu, cơ chế tự chủ là cơ chế thể hiện quyền làm chủ thật sự của trường đại học theo đúng tinh thần của Luật 34. Ở đó, mô hình quản trị đại học thay đổi theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền cao nhất trong trường, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan,...

Qua một số cuộc điều tra gần đây cho thấy, nhiều trường đại học (trong đó không ít trường đại học lớn và đã làm thí điểm tự chủ) còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ.

Nghị quyết 19 nêu hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường, có thực quyền. Tuy nhiên, hiện nay không ít trường đại học thành lập hội đồng trường nhưng chưa thực sự thực quyền.

Để khắc phục và tìm lối đi cho tự chủ đại học ở Việt Nam, trước hết, cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với nâng cao trách nhiệm giải trình của trường.

Chưa hết, nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học đã được tự chủ. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng như ở các Nghị quyết 89/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Thêm nữa, phải hình thành bộ quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban Giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước.

Theo tôi, tốt nhất phải tách bạch quyền hạn, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, hội đồng trường với hiệu trưởng và tập thể ban giám hiệu. Để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như tình hình thực tế, nên định hướng rõ hiệu trưởng không kiêm Bí thư Đảng ủy mà chủ tịch hội đồng trường mới kiêm Bí thư Đảng ủy, như đã khẳng định tại Nghị quyết 19 để gắn kết hai cơ quan đứng đầu này trong việc đưa ra những quyết sách, định hướng phát triển của trường.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!

Ngọc Mai