Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 21/01/2025 của Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị tại Tờ trình số 1142/TTr-BGDĐT ngày 28/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng các địa phương thiếu giáo viên giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở, được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên dạy các môn học này.
Theo chia sẻ của một số lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo, trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc cho phép địa phương tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng để dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) là hết sức cần thiết.
Giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên các môn đặc thù
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ, đối với ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc tiểu học và trung học cơ sở không thiếu giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên các môn học này đang xảy ra ở một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Theo Thạc sĩ Tạ Việt Hùng, hàng năm, tỉnh Bắc Giang tuyển dụng giáo viên trình độ đại học; và chỉ có môn học nào thiếu nguồn tuyển giáo viên trình độ đại học thì mới tuyển dụng đến giáo viên trình độ cao đẳng.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương đúng đắn, phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay, bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu của chương trình mới.

Một trong những địa phương đang gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật là tỉnh Hòa Bình.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết, tình trạng thiếu giáo viên đã tồn tại nhiều năm nay, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Hiện nay, hầu như huyện nào trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật. Tình trạng này không chỉ khiến cho ngành giáo dục tỉnh gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi được học tập đầy đủ và toàn diện của học sinh", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên các môn kể trên một phần cho thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên đúng trình độ đào tạo theo quy định.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên hiện nay chưa đủ hấp dẫn để thu hút, giữ chân giáo viên công tác, cống hiến cho ngành giáo dục.
Cũng theo ông Minh, thực tế hiện nay, ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình dù đang sử dụng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng để giảng dạy một số môn học đặc thù nhưng vẫn thiếu giáo viên. Do đó, nếu Quốc hội có nghị quyết tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình sẽ tháo gỡ được tình trạng thiếu giáo viên.
Đổi mới đề thi tuyển dụng đối với giáo viên trình độ cao đẳng
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 11/4/2025). Trong đó, về tổ chức tuyển dụng, chế độ chính sách đối với giáo viên có trình độ cao đẳng, dự thảo quy định:
"Việc tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo hình thức thực hành.
Giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tập sự áp dụng như trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học theo quy định của Chính phủ. Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn".
Bàn về nội dung trên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Nguyễn Quang Minh cho rằng, thực tế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo viên trình độ cao đẳng đang công tác tại các cơ sở giáo dục có thể đánh giá được việc giáo viên đó đạt được yêu cầu giảng dạy thực tế ra sao.
Tuy nhiên, công tác tuyển dụng đối với giáo viên trình độ cao đẳng tới đây, nếu chỉ áp dụng các phần thi tuyển như hiện nay (với nội dung đề thi có phần rập khuôn, máy móc, thiếu tính đặc thù của ngành giáo dục) thì sẽ khó đánh giá chất lượng giáo viên, khó bảo đảm được rằng giáo viên trình độ cao đẳng có đáp ứng được yêu cầu dạy học thực tế hay không.

“Việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng để tham gia dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật cần thiết phải cho giáo viên đứng lớp để tiến hành khảo sát thực tế mới có thể đánh giá được chất lượng giảng dạy của giáo viên. Nếu không, rất khó và nhiều khả năng giáo viên trình độ cao đẳng không đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình mới”, ông Minh chia sẻ.
Đồng thời, việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng cũng phải tăng cường trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc đánh giá khách quan về năng lực của giáo viên trước khi tuyển dụng chính thức.
Ngoài ra, để góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình mong muốn, đối với những giáo viên hợp đồng đang dạy ở bậc trung học cơ sở, qua các buổi dự giờ đánh giá, nếu đạt các yêu cầu thì cần có cơ chế để tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng này dạy ở bậc trung học phổ thông.
Trình độ chuẩn của nhà giáo được quy định theo điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 cụ thể như sau:
Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.