Cần thay đổi quan điểm về việc sinh viên trực tiếp vay học phí đại học

22/01/2024 06:32
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh về phía các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người học.

Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 157/207/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Chương trình tín dụng đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Sau nhiều lần điều chỉnh về mức cho vay, hiện mức vay được áp dụng cho mỗi học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng/tháng, tối đa tương đương 40 triệu đồng/năm học 10 tháng (được áp dụng từ ngày 19/5/2022).

Chính sách tín dụng sinh viên ở các nước được áp dụng ra sao?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho hay:

“Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, sinh viên được hỗ trợ vay vốn đủ để đảm bảo cho chi trả các khoản về học phí, thậm chí có thể bao gồm chi phí sinh hoạt, với thủ tục đơn giản, lãi suất rất thấp hoặc gần như bằng 0%.

Trong khi đó, quỹ tín dụng sinh viên ở nước ta hiện nay với giới hạn mức vay còn khá hạn chế, chưa đủ đáp ứng so với mức thu học phí của các trường”.

Theo thầy Dũng, ở một số nước, thậm chí sinh viên có thể vay không lãi suất cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Tiền vay nợ sẽ được khấu trừ vào tiền lương hàng tháng của sinh viên khi đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định.

“Tất nhiên, việc thu hồi nợ sẽ có rủi ro nhất định, nhưng đây là điều phải chấp nhận, bởi đây là vấn đề đầu tư cho tương lai, tạo nguồn nhân lực cho đất nước”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: AN

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia giáo dục cũng cho rằng mức vay này hiện chưa đáp ứng đủ yêu cầu của sinh viên.

Cụ thể, theo lộ trình tăng học phí (quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CPNghị định 97/2023/NĐ-CP), với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, mức trần học phí năm học 2023 - 2024 là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng.

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4-6,15 triệu đồng/tháng.

“Ngoài học phí, sinh viên còn phải chi trả tiền nhà, chi phí sinh hoạt. Do vậy, với mức vay 4 triệu đồng/tháng, sinh viên sẽ phải “cân đo đong đếm” rất kỹ lưỡng. Chưa kể, mức học phí còn tăng theo lộ trình từng năm học, do vậy nên chăng nhà nước có thể cân nhắc điều chỉnh về mức vay vốn phù hợp với tình hình hiện nay”, vị này cho biết.

Theo vị chuyên gia, ở các nước phương Tây, việc sinh viên tự mình đi vay để chi trả chi phí học tập là phổ biến. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm sẽ có trách nhiệm trả dần khoản vay cho ngân hàng thông qua hình thức trả góp.

“Ở Việt Nam, nhà nước có hỗ trợ chính sách vay vốn học tập thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên đều được vay mà chỉ có một nhóm sinh viên thuộc các đối tượng đặc thù như gia đình có công với cách mạng, con em thương binh liệt sĩ, người nghèo… được vay vốn.

Chưa kể, các thủ tục để vay vốn cũng còn khá phức tạp. Lãi suất còn khá cao, thời gian hoàn trả ngắn. Do vậy việc vay ngân hàng để trang trải cho việc học ở nước ta chưa thật sự phổ biến”, vị chuyên gia chỉ ra một số bất cập trong chính sách tín dụng hiện nay.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh về phía các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người học. Việc hỗ trợ cho sinh viên có thể thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: học phí, học bổng, nguồn vay, điều kiện làm thêm, điều kiện thực tập, việc làm khi ra trường, hỗ trợ khởi nghiệp khi mới tốt nghiệp,...

Đa dạng các nguồn lực hỗ trợ sinh viên

Tiến sĩ Lê Thế Tài - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

“Tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng có khá nhiều sinh viên được hỗ trợ từ chính sách vay vốn của nhà nước. Đây là một chính sách nhân văn, kịp thời, tạo điều kiện rất tốt cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường”.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Theo thầy Tài, các cơ sở giáo dục đại học đều có chung quan điểm “không để sinh viên nào phải nghỉ học vì vấn đề học phí”.

“Đa số ở các trường hiện nay đều có các Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên. Hoạt động của trung tâm đã có nhiều hỗ trợ rất tới sinh viên thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp, mạnh thường quân, cựu sinh viên,...”.

Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vai trò của các trường trong việc chủ động tìm nguồn hỗ trợ và kết nối cực kỳ quan trọng.

“Các cơ sở giáo dục cần chủ động trong việc tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ sinh viên, thay vì chỉ trông chờ vào nhà nước”, Tiến sĩ Lê Thế tài chia sẻ.

Thầy Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn lực để hỗ trợ sinh viên.

Trước tiên, thầy Dũng nhấn mạnh xã hội cần thay đổi quan điểm về việc sinh viên trực tiếp vay học phí đại học, thay vì chỉ cho phép cha mẹ đại diện vay vốn như hiện nay.

“Sinh viên từ đủ 18 tuổi đã có thể chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Khi sinh viên tự vay vốn để đóng học phí, các em sẽ có trách nhiệm và sự tự giác để cố gắng học tập và có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã vay để đóng học”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, thầy Dũng đề xuất về phía các trường đại học có thể tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay tại trường học, thay vì tuyển dụng các nhân sự bên ngoài.

“Sinh viên bây giờ đi làm thêm rất nhiều từ các vị trí bưng bê, phục vụ bàn, chạy grab,... Tuy nhiên, kinh tế đang khó khăn, sinh viên để tìm được việc làm đảm bảo tin cậy không phải dễ.

Ở trường đại học, có nhiều vị trí có thể tuyển sinh viên dưới dạng cộng tác viên, và trường trả thù lao cho các em theo thỏa thuận. Ví dụ như truyền thông, trợ giảng, trợ lý,... Việc này vừa đảm bảo tạo việc làm, thu nhập cho sinh viên, cũng là cơ hội để các em học tập, thực hành nhiều kỹ năng phục vụ cho việc làm sau này”, thầy Dũng đề xuất giải pháp.

Doãn Nhàn