Mới đây, thông tin cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ cho sinh viên 1.000 suất vay/học kỳ với lãi suất 0% đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Đã có 344 sinh viên được hỗ trợ vay với tổng số tiền gần 04 tỷ đồng
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là một trong những hoạt động quan trọng của Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên 2021-2023.
“Nhằm tập hợp và huy động sức mạnh của các thế hệ cựu sinh viên, ngày 03/10/2020, Ban Đại diện Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) chính thức ra đời và đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động quan trọng, đặc biệt là về mặt hỗ trợ cho các em sinh viên”, Phó giáo sư Mai Thanh Phong thông tin.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC |
Để có thể hỗ trợ nhà trường và các em sinh viên, BKA đã thành lập “Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách khoa” (sau đây gọi là quỹ) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 06/12/2022. Cho đến nay, quỹ đã huy động được từ cộng đồng cựu sinh viên 22,7 tỷ đồng.
Trước mắt, quỹ tập trung vào hoạt động hỗ trợ sinh viên thông qua hình thức bảo lãnh và cho vay với lãi suất 0% để đóng học phí. Sau một thời gian thực hiện, quỹ đã cho 344 sinh viên vay với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Đặc biệt, những sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ có cơ hội chuyển khoản vay này thành học bổng. Cụ thể, sinh viên có kết quả học tập từ 8.0/10 và điểm rèn luyện từ 90/100 trong thời gian bảo lãnh vay sẽ được xem xét tặng học bổng bằng 50% hoặc 100% khoản vay tùy thuộc hoàn cảnh, kết quả học tập và rèn luyện.
Ngoài hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất, BKA còn tích cực hỗ trợ sinh viên thông qua các chương trình trao học bổng khuyến khích học tập và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí là 7,4 tỷ đồng trong nhiệm kỳ 2020-2023 vừa qua.
Hướng tới mục tiêu bảo lãnh 1.000 khoản vay/học kỳ cho sinh viên
Sinh viên làm thủ tục vay vốn. Ảnh: NTCC |
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, nhà trường bị cắt giảm và không còn nhận ngân sách chi thường xuyên từ nhà nước nên việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi.
Sự ra đời Quỹ bảo lãnh vay của BKA là rất kịp thời và có nhiều ý nghĩa. Một mặt, quỹ góp phần làm giảm áp lực tài chính cho sinh viên. Mặt khác, thông qua việc vay này, sinh viên có thể nâng cao được tính tự lập và trách nhiệm bản thân trong học tập và rèn luyện để trưởng thành hơn.
Có thể do chương trình vừa mới được triển khai hoặc điều kiện cho vay còn chưa thực sự thuận lợi cho nhiều sinh viên nên số lượng sinh viên vay còn chưa nhiều.
“Lãnh đạo nhà trường đã bàn bạc và thống nhất với BKA là sẽ nới lỏng điều kiện và mở rộng đối tượng được vay, phấn đấu mục tiêu 1.000 khoản vay/học kỳ trong thời gian tới”, Phó giáo sư Mai Thanh Phong cho biết.
Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Mai Thanh Phong bày tỏ, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và xã hội thì cần đầu tư kinh phí rất lớn. Do đó, việc tăng chia sẻ chi phí đào tạo từ người học là thực tế không thể tránh khỏi.
Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho người học có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận môi trường giáo dục đại học chất lượng, thì trước hết nhà nước cần phải xác định nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn phải là phần quan trọng trong tổng kinh phí hàng năm cho một trường đại học. Ngoài ra, nhà nước cần có những chính sách phù hợp, thông thoáng cho các trường công lập đa dạng hóa nguồn thu như xã hội hóa, khai thác tài sản công, tài sản trí tuệ,… Đặc biệt, cần có chính sách chương trình tín dụng phù hợp cho người học.
Thủ tục, quy trình bảo lãnh và cho vay
Bước 1: Sinh viên hoàn tất thủ tục xin bảo lãnh vay và nộp cho BKA qua đường dẫn online;
Bước 2: Hội đồng bảo lãnh vay sẽ xem xét hồ sơ, xét duyệt bảo lãnh vay và chuyển danh sách sinh viên được bảo lãnh sang ngân hàng Vietcombank;
Bước 3: Các sinh viên được bảo lãnh vay sẽ hoàn tất các thủ tục tiếp theo với ngân hàng Vietcombank. Ngân hàng sẽ chuyển số tiền đóng học phí cho sinh viên bằng giải ngân khoản vay trực tiếp vào tài khoản của nhà trường;
Bước 4: Sinh viên hoàn tất lãi suất và nợ gốc cho Ngân hàng, sau đó BKA sẽ hoàn trả toàn bộ lãi suất lại cho sinh viên.
Đối với sinh viên năm 1,2 và 3, thời hạn vay là 02 năm tính từ lúc được giải ngân. Đối với sinh viên từ năm 4, thời hạn vay là 01 năm tính từ lúc được giải ngân. Số tiền cho vay tương đương học phí của 01 học kỳ và giải ngân theo từng học kỳ.