Chạy trường điểm, lớp chọn bao giờ mới chấm dứt?

05/08/2019 06:52
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Những mối quan hệ được phát huy, phụ huynh nhờ vả, tác động từ người này đến người khác và khi “đủ điều kiện” thì nhà trường sẽ nhận học sinh vào học.

Đã là phụ huynh thì ai cũng mong muốn con mình vào được những trường điểm, những trường có chất lượng cao. Điều đặc biệt là mong muốn con mình được học với những thầy cô giáo giỏi nhất trong trường.

Những mong ước của phụ huynh hoàn toàn chính đáng và giá như ngôi trường nào cũng đáp ứng được những tiêu chí đó. Thế nhưng, thực tế vẫn là thực tế, vẫn có những trường chưa tạo được thương hiệu và ngay cả trường điểm cũng có những thầy cô chưa giỏi.

Vậy nên, tình trạng chạy trường, chạy lớp cho con đã xảy ra và những hệ lụy thì không hề nhỏ chút nào.

Chạy trường, chạy lớp đang khá phổ biến ở khu vực đô thị (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Chạy trường, chạy lớp đang khá phổ biến ở khu vực đô thị  (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Chạy trường”, có lẽ từ khóa này đã xuất hiện khá nhiều trong những năm qua và cũng được rất nhiều phụ huynh ở những khu vực đô thị chú ý khi con mình chuyển cấp.

Đối với cấp trung học phổ thông thì điều bắt buộc là phải thi tuyển sinh 10 nên chuyện chạy trường rất ít khi xảy ra. Nó chỉ xảy ra với những trường hợp đặc biệt như phụ huynh biết học lực của con mình không tốt nên cho con thi vào những trường vừa phải.

Khi vào học được khoảng một học kỳ thì họ tìm cách chuyển trường đến những trường điểm, trường lớn. Tất nhiên, những phụ huynh này phải là người có thế lực, có quan hệ rộng và đủ mọi tiềm lực mới có thể làm được.

Việc chạy trường chủ yếu diễn ra đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở là chủ yếu. Những trường lớn ở đô thị hiện nay chuyện chạy trường khá phổ biến.

Bởi theo quy định thì các trường học đều tuyển sinh đúng tuyến theo hộ khẩu của gia đình. Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy.

Nhiều phụ huynh có điều kiện vẫn luôn mong muốn con mình vào được những trường tốt nhất nên họ tìm cách để con con mình vào được những trường điểm. Những trường đã tạo được uy tín và thương hiệu trong nhiều năm.

Chạy trường điểm, lớp chọn bao giờ mới chấm dứt? ảnh 2Công và tư chẳng công bằng, nạn chạy trường sẽ không thể 

Nhiều phụ huynh không cần biết con mình có học lực như thế nào mà họ quan niệm con vào trường tốt thì sẽ học tốt hơn.

Tất nhiên, khi tuyển sinh thì các trường phải tuân theo kế hoạch của đơn vị quản lý của mình là Phòng Giáo dục và cơ quan này phân bổ chỉ tiêu cũng phải căn cứ vào số lượng của học sinh cấp dưới để phân bổ.

Nhưng, vì nhu cầu của phụ huynh quá cao đối với những trường lớn nên tất nhiên phụ huynh muốn con vào được phải tốn kém nhiều thứ.

Thế là những mối quan hệ được phát huy, phụ huynh nhờ vả, tác động từ người này đến người khác và khi “đủ điều kiện” thì nhà trường sẽ nhận học sinh vào học.

Nhiều phụ huynh chạy trường xong rồi đến chạy lớp, nhất là đối với cấp tiểu học bởi cấp học này thì giáo viên đóng vai trò quyết định trong việc dạy dỗ con mình.

Người sau hỏi người trước, hỏi người thân quen của mình trong trường xem thầy cô nào là người dạy tốt nhất khối học đó để gửi gắm con mình vào. Khi được việc, ít thì gói quà, nhiều thì bao thư “cảm ơn” cho người giúp đỡ mình nên chi phí mà những phụ huynh xin trái tuyến bỏ ra là không hề nhỏ.

Những hệ lụy của việc chạy trường, chạy lớp

Thời điểm này thì các trường đã và đang phân chia lớp, phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phụ trách các lớp. Tâm lý chung của phụ huynh là gửi con vào với thầy cô giỏi cũng sẽ tạo được sự yên tâm hơn nên dẫn đến tâm lý phải cầu lụy, nhờ vả.

Vì thế, nhiều phụ huynh trái tuyến tìm cách để chạy chọt cho con vào trường điểm dẫn đến tình trạng những phụ huynh làm việc, công tác trên địa bàn nhưng đang phải ở nhà thuê, chỉ có hộ khẩu tạm trú thì đương nhiên là con của họ không được tuyển vào trường trên địa bàn nếu trường đó là trường điểm.

Chạy trường điểm, lớp chọn bao giờ mới chấm dứt? ảnh 3Thanh tra ngành giáo dục cần vào cuộc việc tuyển sinh đầu cấp ở những trường lớn

Giáo viên được nhiều người nhờ vả, được Ban Giám hiệu gửi gắm thêm một vài em trong lớp của mình tất nhiên cũng trở nên kiêu ngạo hơn.

Bởi, các lớp khác ít mà lớp mình bao giờ cũng đông hơn, thậm chí là vượt quy định về sĩ số.

Học sinh vào học những trường điểm, những lớp chọn là bắt đầu bước vào những tháng ngày khổ ải triền miên bởi áp lực học tập trên lớp, học thêm ở trường, ở nhà thầy cô là rất lớn. Bởi, vào những trường điểm, lớp chọn mà không học thêm thì không thể nào theo được các bạn của mình.

Những em có tố chất học tốt thì nhanh chóng tiếp thu bài, những em học yếu hơn nhưng vì cha mẹ gửi gắm vào những lớp chọn thì đó là một cực hình. Không chỉ học tập không theo được mà đôi khi bị những ánh mắt dè bỉu từ bạn bè, những lời quở trách từ thầy cô.

Đó là chưa kể những em học giỏi thì ngoài chuyện học chính, học thêm giống bạn bè còn được thầy cô đưa vào đội tuyển học sinh giỏi của trường để bồi dưỡng.

Tất nhiên, việc học càng ngày càng nặng nề, nhất là những năm cuối cấp bởi áp lực thành tích của giáo viên, của nhà trường và cả sự kỳ vọng của cha mẹ.

Mặc dù Công văn số 2449 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kỳ hình thức nào" nhưng sự thật không phải vậy.

Nếu được kiểm tra cẩn thận, chi tiết thì gần như trường nào ở những khu vực có điều kiện về kinh tế đều có lớp chọn.

Những hệ lụy của trường điểm, lớp chọn hiện nay là không hề ít nhưng nó vẫn mặc nhiên tồn tại. Sự tồn tại được này có sự chung sức của lãnh đạo địa phương, của nhà trường và tất nhiên cũng có phần chung tay của nhiều phụ huynh có điều kiện nữa.

NGUYỄN CAO