Thời điểm này, các trường học trên cả nước đã và đang tổ chức tổng kết năm học 2018-2019. Nhưng, những phụ huynh có con chuẩn bị bước vào đầu cấp như lớp 1, lớp 6 ở các thành phố đã bắt đầu lo lắng, tất bật để chuẩn bị cho tương lai của con mình.
Tư tưởng của một bộ phận phụ huynh hiện nay là muốn con học gần nơi cha mẹ công tác để tiện đưa đón và cũng luôn muốn con mình được học ở những trường uy tín của thành phố.
Nhưng, khổ nỗi càng trường công lập lớn, có danh tiếng thì việc tuyển đầu vào càng khó khăn với rất nhiều tiêu chí khắt khe.
Việc đầu tiên là phải có hộ khẩu thường trú 3 năm họ mới tuyển nên dẫn đến tình trạng chạy trường trong dịp hè, thậm chí nhiều phụ huynh đã chủ động liên hệ, chạy trước nhiều năm trời.
Chuyện chạy trường thường xảy ra với những học sinh trái tuyến đầu cấp (Ảnh minh họa: sggp.org.vn) |
Muốn vào trường điểm phải có hộ khẩu
Một người anh họ của tôi đang làm nghề kinh doanh. Anh có nhà và hộ khẩu thường trú ở một xã ngoại ô nhưng năm nay đứa con gái anh học lớp 5 nên vợ chồng anh tính chuyện đưa con vào một trường Trung học cơ sở ở một phường trung tâm của thành phố.
Vì thế, được một người “bắc cầu” anh đã làm quen được với một vị trưởng công an phường của phường mà con anh định học vào năm học tới đây.
Sau một vài ly bia xã giao qua lại trong cuộc nhậu, anh đã đặt vấn đề với vị trưởng công phường nhờ giúp đỡ. Vị trưởng công an phường cười thân thiện và nói rằng vào được trường đó bây giờ rất khó.
Nhưng, khó không có nghĩa là không xin được.
Anh họ của tôi trình bày lý do, hoàn cảnh và chốt lại câu: trăm sự nhờ anh lo cho cháu. Vị trưởng công an phường nói: giúp chú, anh giúp được nhưng phải có kinh phí để lo hộ khẩu và nhờ cậy một số người mới được.
Sau một hồi qua lại, vị này chốt giá: chú đưa anh 20 triệu, anh lo khẩu, lo trọn gói cho con chú vào lớp 6 tới đây. Anh họ tôi đồng ý và ngày hôm sau lên nhà đưa cho vị trưởng công an phường 20 triệu đồng.
Vì trường yêu cầu có khẩu học sinh và trong cuốn hộ khẩu đó phải có cả tên cha mẹ nên vị trưởng côn an phường đã nhập khẩu cho con gái và vợ chồng anh họ tôi vào ngay nhà…trưởng công an phường.
Trớ trêu, sổ hộ khẩu của gia đình anh chỉ còn lại một mình thằng con trai đang học lớp 10!
Xin học trái tuyến mà chỉ cầm mỗi hồ sơ đến thì đời nào được đồng ý! |
Không chỉ anh họ tôi mà có rất nhiều phụ huynh cũng đã xin nhập khẩu vào các gia đình người quen thân ở các phường trung tâm của thành phố, tất nhiên mỗi trường hợp như vậy đều tốn kém đến hàng chục triệu đồng trở lên.
Nhiều người có địa vị, có mối quen thân với Ban giám hiệu nhà trường họ cũng thường xuyên gửi gắm. Lúc đầu thì con cháu, sau đó là người này, người kia dẫn mối rồi họ bỗng nhiên trở thành những người “cò chạy trường” lúc nào chẳng hay.
Bán suất!
Thông thường, các trường lớn hiện nay thì mỗi năm học, các giáo viên trong trường được đưa 1 suất vào trường. Nhưng, con cháu họ đa phần đúng tuyến thì cứ thế mà lên cần gì đến suất ưu tiên này làm gì.
Vì thế, họ thường bán suất này cho những phụ huynh có con học trái tuyến. Mỗi suất như vậy, dù giá mềm nhất cũng phải nửa cây vàng. Nhưng, không phải phụ huynh nào có tiền cũng có thể mua được suất ưu tiên này vì nhu cầu của phụ huynh hiện nay luôn rất lớn.
Không chỉ bán suất mà một số giáo viên trong trường có mối quan hệ thân thiết với Ban giám hiệu thì họ cũng hay “bắc cầu” để giới thiệu một số phụ huynh có nhu cầu "gửi gắm" con vào học trong trường.
Tất nhiên, mỗi mối như vậy họ cũng nhận được “tấm lòng” của phụ huynh bằng 1-2 tháng lương của mình.
Dễ dàng với người có địa vị, nhưng...
Có một nghịch lý là những trường bình bình ở các thành phố đang thiếu học sinh dù cơ sở hạ tầng và thầy cô giáo giống nhau.
Nhưng, nhiều học sinh trong địa bàn không muốn học đúng tuyến bởi một số phụ huynh luôn có chủ ý muốn gửi gắm con mình vào những trường lớn với quan niệm có thầy hay, bạn giỏi thì con mình sẽ tiến bộ.
Chính vì nhu cầu của phụ huynh nhiều nên các Ban giám hiệu các nhà trường tiểu học, trung học cơ sở lớn thường vất vả trong việc tuyển sinh đầu cấp.
Ngoài số lượng tuyển đúng địa bàn thì luôn có những học sinh tuyển theo diện gửi gắm, ngoại giao. Cấp trên gửi, đồng cấp gửi, lãnh đạo sở ngành, thành phố, phường cũng gửi.
Tất nhiên, những “con cháu” cấp trên thì không ăn tiền được nên họ phải tìm cách làm tiền một số phụ huynh có tiền mà nhưng không có quyền.
Mùa chạy trường, những chuyện có thật mà khó tin |
Chỉ cần một chút sơ suất là họ gây khó dễ. Thậm chí có trường hợp một cô giáo sinh ra và lớn lên tại một phường trung tâm của thành phố. Sau khi lấy chồng, cô vẫn ở nhà cha mẹ mình.
Sinh con ra thì nhập khẩu luôn với mẹ nhưng rắc rối khi con vào lớp 6 thì hộ khẩu chồng cô lại ở phường bên cạnh. Thành tra Ban giám hiệu trường không chấp thuận nhận con cô vào học trong trường. Đi lại mãi, cuối cùng phải chi một ít tiền thì con mới được nhận, dù là có hộ khẩu tại địa bàn!
Trường lớn có làm nên thương hiệu cho con.
Trường lớn, dĩ nhiên là đầu vào thường cao hơn so với các trường khác. Vì thế, chất lượng học tập hàng năm của học trò cao hơn cũng là một lẽ thường tình. Tất nhiên, thầy cô, Ban giám hiệu nhà trường cũng “thơm lây” khi giá trị thương hiệu được đẩy lên cao.
Tuy nhiên, nếu con học bình thường mà xin vào các trường lớn thì đó lại là bi kịch. Trong lớp, đa phần sĩ số rất đông. Bạn bè học tốt mà con mình không theo kịp thì đương nhiên càng đuối dần.
Nhưng, vì thương hiệu mà một số phụ huynh quên mất lực học thực của con mình đang ở mức nào.
Nếu vào những trường thường thường bậc trung, sĩ số ít, học sinh ít, chất lượng học tập đồng đều thì thầy cô cũng kèm cặp học trò kỹ hơn. Nhưng, nhiều phụ huynh không nhận ra điều này.
Vì thế mà vàothời điểm này, cuộc chạy đua ngầm vào các trường lớn đang thực sự khởi động cho năm học tới đây. Nhiều phụ huynh phải bỏ nhiều chục triệu đồng mới xin cho con vào được các trường điểm.
Một số thầy cô, cán bộ quản lý nhà trường cũng nhân cơ hội này mà móc nối đưa một số trường hợp trái tuyến vào trường để nhằm tăng thêm thu nhập cho mình.
Một thực trạng đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng không có dấu hiệu dừng lại, năm sau càng nhiều hơn năm trước bởi kinh tế nhiều hộ gia đình được nâng lên.
Vì thế, bức tranh giáo dục của một số trường cũng ngày càng thêm méo mó hơn!