Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo ở Vĩnh Thuận đang được xúc tiến phục hồi

03/06/2020 06:06
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau hàng chục năm bị tước đoạt chế độ, thời gian để cô Cảnh được phục hồi đầy đủ chế độ chính đáng của bản thân cô giáo Cảnh sẽ không còn xa nữa.

Hiện nay, vụ việc hàng trăm nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) bị tước đoạt quyền được dạy và bị tước đoạt chế độ phụ cấp đã được Giáo dục Việt Nam phản ánh trong suốt gần 2 năm nay đang tiếp tục được chính quyền địa phương xúc tiến xử lý.

Và, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019 nhưng chưa được nhận chế độ hưu đang được địa phương xem là “trường hợp mẫu” trong việc giải quyết chế độ để từ đó làm cơ sở giải quyết cho các trường hợp còn lại.

Hội đồng nhà trường đã tiến hành họp xét đề nghị phụ cấp thâm niên cho cô Cảnh, thành viên Hội đồng nhà trường đã đồng thuận đề nghị Hội đồng xét thâm niên của huyện xét cho cô giáo Cảnh được hưởng mức phụ cấp 29% (cô Cảnh có 31 năm công tác, trừ 18 tháng tập sự).

Như vậy, sau hàng chục năm bị tước đoạt chế độ, thời gian để cô Cảnh được phục hồi đầy đủ chế độ chính đáng của bản thân cô giáo Cảnh sẽ không còn xa nữa.

Nhà giáo bị tước đoạt quyền lợi cả thập kỷ, Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận chối bỏ trách nhiệm và lạnh lùng phủi tay

Như đã thông tin, trong qua trình địa phương giải quyết vụ việc, ngày 08/10/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận lập báo cáo số 51/BC-PGDĐT gửi Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận để giải trình nguyên nhân dẫn đến hàng trăm nhà giáo của huyện này bị tước đoạt quyền được dạy cũng như bị tước đoạt các chế độ liên quan một cách ráo hoảnh như sau:

“Năm học 2018-2019, trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có 61 giáo viên được phân công nhiệm vụ làm nhân viên văn phòng.

Số giáo viên làm nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn chuyên ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên.

Do tình trạng thừa giáo viên, thiếu nhân viên văn phòng là kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện... nên Ban Giám hiệu nhà trường tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc.

Nguyên nhân, do thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cân đối trong cơ cấu vị trí việc làm (thiếu nhân viên có trình độ phù hợp) dẫn đến phải phân công giáo viên đảm nhiệm.

Do số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng các chế độ phụ cấp như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo quy định của Chính phủ”.

Nhưng, thực tế, theo nguồn tin riêng của Giáo dục Việt Nam, việc hàng trăm nhà giáo bị xâm hại chế độ không phải mới phát sinh năm học 2018-2019 mà đã tồn tại hàng chục năm qua.

Như vậy, theo báo cáo này, mọi trách nhiệm về vấn đề nhà giáo bị xâm hại quyền lợi đã được Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận đổ hết cho ban giám hiệu nhà trường.

Biên bản họp của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị trấn Vĩnh Thuận

Biên bản họp của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị trấn Vĩnh Thuận

Không hiểu biết pháp luật hay cố tình phớt lờ để tước đoạt quyền được dạy và chế độ chính đáng của nhà giáo?

Thực tế, pháp luật đã có quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với nhà giáo và viên chức nói chung bằng cả một hệ thống văn bản pháp quy. Cụ thể, Luật Giáo dục nêu rõ về quyền của nhà giáo như sau:

“Được giảng dạy theo chuyên ngành đào tạo; Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác và cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nơi mình công tác;

Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự; Được nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật lao động”.

“Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Đối với định mức biên chế và chế độ làm việc, chế độ chính sách của nhà giáo, ngoài các văn bản pháp quy như Thông tư số Số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009.

Ngày 26/09/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 6120/BGDĐT-NGCBQLGD trả lời những thắc mắc của các Sở Giáo dục về công tác thực hiện chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, trong đó, cho phép các trường phổ thông chưa có viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ, y tế học đường có thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Không hiểu biết pháp luật hay cố tình phớt lờ trách nhiệm?

Như vậy, căn cứ vào các văn bản pháp quy nêu trên, việc ngành giáo dục Vĩnh Thuận đưa ra lý do “thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cân đối trong cơ cấu vị trí việc làm (thiếu nhân viên có trình độ phù hợp) dẫn đến phải phân công giáo viên đảm nhiệm” để tước đoạt chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ là việc làm vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.

Và không phải ngẫu nhiên mà câu hỏi Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận không hiểu biết pháp luật hay cố tình phớt lờ trách nhiệm đã được bạn đọc đặt ra và chờ đợi được trả lời.

Ngày 24 tháng 12 năm 2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018) để quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Theo đó, trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo được quy định trong Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, là:

“Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện: dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động giáo dục trên địa bàn;

Dự thảo các quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục, chương trình cải cách hành chính về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn, dự thảo các văn bản khác về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện;”

“Chủ trì xây dựng, tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục của các cơ sở giáo dục trực thuộc theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Quyết định phân bổ biên chế sự nghiệp các cơ sở giáo dục trực thuộc sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện.”

“Chủ trì xây dựng, lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc;

Quyết định phân bổ, giao dự toán chi ngân sách giáo dục cho các cơ sở giáo dục trực thuộc khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Phối hợp với cơ quan tài chính, kế hoạch cùng cấp xác định, cân đối ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm của địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác cho giáo dục trên địa bàn huyện.”

“Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý các cơ sở giáo dục trực thuộc, gồm: cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp trung học phổ thông) và các cơ sở giáo dục khác (nếu có) thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.”

Nhưng, khi Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận vô tư giải đáp về việc nhà giáo không được hưởng các chế độ phụ cấp phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nhà giáo là do “số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy” thì có vẻ như Nghị định số 115/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018) cùng các văn bản quy phạm pháp quy khác dường như chưa hề tồn tại ở cơ quan này.

Được biết, Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận luôn có đầy đủ biên chế phục vụ nhiệm vụ quản lý ngành giáo dục địa phương theo đúng quy định.

Ngoài các chuyên viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì Ban lãnh đạo Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận có 1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng.

Trong đó có 01 phó phòng phụ trách công tác chuyên môn và 01 phó phòng phụ trách công tác tổ chức.

Vụ việc chế độ nhà giáo bị xâm hại và quyền được dạy của nhà giáo bị tước đoạt sẽ tiếp tục được thông tin tới bạn đọc.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan