Như tin đã đưa, mặc dù đã nhận quyết định nghỉ hưu kể từ ngày 1/10/2019 nhưng cho đến nay cô giáo Nguyễn Thị Cảnh cùng nhiều đồng nghiệp của mình vẫn chưa được nhận chế độ hưu.
Để mưu sinh, nhiều thầy cô đã phải bươn chải bằng nhiều nghề nhọc nhằn thậm chí là bán vé số dạo.
Sáng ngày 01/6/2020, trao đổi với Giáo dục Việt Nam về vụ việc, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trường phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho biết.
“Tôi là người được giao trực tiếp xử lý vụ việc, hiện nay, với vai trò và trách nhiệm của mình, tôi đang rất nỗ lực tham mưu các cấp có liên quan xúc tiến giải quyết.
Cá nhân tôi rất cảm thông, và rất buồn khi nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của đồng nghiệp.
Thời gian quá dài, 8 tháng chưa có lương hưu, chưa có bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh…gia đình đồng nghiệp nhiều người quá khó khăn...thực sự tôi rất xót xa.
Nhưng giải quyết vụ việc thì phải đúng quy định của pháp luật.
Vừa qua, tôi cũng đã cùng các hiệu trưởng nhà trường, nơi cô Cảnh đã từng tham gia công tác tham dự phiên họp do Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tổ chức để được Sở Giáo dục hướng dẫn giải quyết vụ việc.
Sau phiên họp, nhà trường đã tổ chức hội đồng họp xét đề nghị cho cô Cảnh hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo bản tự khai, cô Cảnh đề nghị hưởng 29% phụ cấp thâm niên (sau khi đã trừ thời gian tập sự), bản tự khai của cô Cảnh đã được hiệu trưởng các đơn vị cô Cảnh từng công tác xác nhận chứng thực.
Hiện tại, hội đồng họp xét của nhà trường đã gửi toàn bộ hồ sơ về Ủy ban nhân dân huyện để quyết định chế độ phụ cấp.
Tuy nhiên, theo như xác nhận của 01 đồng chí hiệu trưởng, trong quá trình công tác, cô Cảnh có hơn 1 năm không tham gia giảng dạy mà chỉ làm nhân viên thiết bị nên cô Cảnh chỉ được hưởng 28% phụ cấp thâm niên chứ không phải 29% như cô Cảnh đã đề xuất.
Vì có sự chưa thống nhất này nên Phòng giáo dục đã mời cô Cảnh trao đổi cho rõ ràng hơn.
Nếu cô Cảnh thống nhất hưởng 28% thì mọi việc sẽ kết thúc sớm vì hồ sơ đã hoàn tất, nhưng do cô Cảnh không đồng ý nên tôi đã báo cáo trực tiếp với Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện để ủy ban tổ chức đối thoại với cô Cảnh.
Tôi đã đề xuất với Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện sẽ đối thoại với cô Cảnh trong tuần này.
Sau khi giải quyết xong vụ việc của cô Cảnh, chúng tôi sẽ lấy đây là cơ sở nền để tiếp tục giải quyết vụ việc của thầy giáo Văng Hồng, thầy Châu Văn Chính và các vụ việc khác tương tự”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) (Ảnh minh họa: Congly.vn) |
1% phụ cấp thâm niên là minh chứng để chứng minh cho việc pháp luật phải được tồn tại
Cùng ngày, trao đổi với Giáo dục Việt Nam về lý do tại sao lại không chấp nhận 28% phụ cấp thâm niên như đề xuất của Hội đồng đề nghị xét phụ cấp thâm niên để chế độ hưu trí của mình nhanh chóng được giải quyết, cô Cảnh cho biết:
“Bản thân tôi từng rất đau khổ vì chế độ chính đáng của cá nhân bị tước đoạt.
Tôi không biết kêu ai cho đến khi được Giáo dục Việt Nam vào cuộc đưa tin.
Từ khi không có phần trăm phụ cấp thâm niên nào cho đến nay đã được chấp thuận đề nghị cho hưởng 28% tôi rất vui vì chế độ chính đáng của mình được trả lại.
8 tháng qua tôi và nhiều đồng nghiệp không được nhận chế độ hưu, khó khăn trăm bề nhưng chúng tôi cắn răng chịu, chúng tôi luôn hy vọng các cấp có thẩm quyền thực hiện đúng pháp luật để chế độ chính đáng của bản thân được phục hồi.
Nhưng nay, chỉ vì lý do có 01 hiệu trưởng xác nhận “từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2012 cô Cảnh không tham gia giảng dạy” mà lại cắt đi 1% phụ cấp thâm niên của tôi, tôi thấy không thỏa đáng và không đúng pháp luật.
Tôi bị tước đoạt quyền được dạy nhưng vẫn phải chấp hành sự phân công của hiệu trưởng là vì tôi là cấp dưới, phải phục tùng sự phân công của cấp trên.
Năm 2012 (tôi nhớ không rõ lắm), đoàn thanh tra của huyện đã về thanh tra trường.
Đoàn thanh tra đã yêu cầu nhà trường không phân công người làm công tác văn phòng dạy lớp, thu hồi lại tiền đứng lớp của tôi trong khi văn bản của Bộ thì lại cho phép nhà trường nếu thiếu nhân viên phục vụ khác như thiết bị, thư viện… thì có quyền bố trí giáo viên kiêm nhiệm, giao quyền cho hiệu trưởng nhà trường căn cứ tình hình thực tế quy định quy đổi tiết dạy và chế độ của giáo viên thì phải đảm bảo.
Vì thế, việc tôi đề xuất chi trả đủ 29% phụ cấp thâm niên là hoàn toàn chính đáng, không chỉ thế, tôi đề xuất thêm là cơ quan chức năng có thẩm quyền cần làm rõ tính pháp lý về trách nhiệm của đoàn thanh tra khi thu hồi tiền của tôi trước đó, tiền ấy đã đưa đi đâu, đồng thời phải cần xử lý trách nhiệm cá nhân đã gây ra chế độ của tôi và hàng trăm đồng nghiệp của tôi bị ngăn chặn mười mấy năm trời.
Tôi đề xuất 29% và hội đồng đề nghị xét 28%, mức độ chênh lệch chỉ có 1% nhưng 1% này là minh chứng cho việc tôi bị tước đoạt quyền được dạy và tước đoạt chế độ nên cần làm rõ.
1% phụ cấp thâm niên này chính là minh chứng để chứng minh cho việc pháp luật phải được tồn tại.
Như vậy, tính từ ngày 1/10/2019, ngày cô giáo Cảnh cùng những đồng nghiệp khác nhận quyết định nghỉ hưu, từ đó đến nay đã 8 tháng họ không được nhận chế độ chính đáng vì sự nhập nhèm trong việc chi trả chế độ phụ cấp thâm niên của ngành giáo dục Vĩnh Thuận.
Đến nay, cô giáo Cảnh cùng đồng nghiệp của mình đã và đang dần có được kết quả tốt đẹp.
Và vụ việc này vẫn còn khá nhiều góc tối, những khuất tất sẽ tiếp tục được đăng tải ở kỳ sau.