Chỉ có 20% độc giả ủng hộ việc sửa đoạn kết "Tấm Cám"

05/11/2011 14:43
Thu Giáo
(GDVN) - “Tôi nghĩ nên bỏ hình ảnh Cô Tấm ra khỏi các hình ảnh cần truyền đạt cho học sinh. Tôi cũng không dùng hình ảnh này để dạy con mình"
Theo hệ thống bình chọn trên mạng của Báo Giáo dục Việt Nam, có gần 40% ý kiến độc giả phản đối việc sửa đoạn kết trong chuyện Tấm Cám, khoảng 40% độc giả thì cho rằng, đoạn kết sau khi sửa xong vẫn khắc hoạ hình ảnh cô Tấm quá ác, và chỉ có 20% độc giả ủng hộ cách sửa đoạn kết này như trong SGK ngữ văn lớp 10.

Cái gì của dân gian, phải trả lại cho dân gian
Sau thông tin cái kết của câu chuyện Tấm Cám được nhà biên soạn sửa lại. Nhiều ý kiến cho rằng, nên viết lại câu chuyện bằng cái kết nhẹ nhàng hơn bởi sự trừng phạt của trời đất như sét đánh, giông bảo làm nhà sập thì hay hơn là sự cố ý trả thù. Độc giả Ngọc Giang khẳng định: “Không nên sửa đoạn kết Tấm Cám”. Theo độc giả này, quá khứ và hiện đại, hai thời gian khác nhau, hai không gian khác nhau, sẽ có những quan điểm khác nhau. “Nếu như không thấy phù hợp trong giảng dạy thì không nên đưa vào chương trình học, còn truyện cổ tích Tấm Cám, trong mỗi người Việt Nam, ai mà chẳng biết nó kết thúc như thế nào, Tấm và Cám là con người ra sao? Những gì là lịch sử, là chứng nhân của quá khứ thì hãy để nguyên giá trị, sửa đi rồi thì là câu chuyện của hiện đại, chứ cổ tích gì nữa?”, độc giả này tỏ ra bức xúc.
Kết quả bình chọn của độc giả báo Giáo dục Việt Nam
Kết quả bình chọn của độc giả báo Giáo dục Việt Nam
Độc giả có tên là Amendiku đồng tình: “Không thể áp đặt một quan điểm từ thời đại này cho thời đại khác. Hãy để nguyên cốt truyện, hãy giải thích cho các em biết đúng sai, chẳng lẽ chúng ta phải sửa tiếp truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh vì vua đã ra đề thi không công bằng với Thủy tinh nên ngàn đời sau con cháu bị lũ lụt”?  “Tại sao chúng ta lại phải viết lại câu chuyện này? Đây là câu chuyện dân gian được đúc kết, truyền lại qua nhiều thế hệ. Nó thể hiện quan niệm một bộ phận người dân về cái thiện, cái ác và cách chống lại cái ác. Một khi cái ác vượt quá giới hạn, không thể cải tạo, hoàn thiện thì cách tốt nhất là nên loại bỏ. Đó cũng là cách nghĩ của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, dựa vào kết cục nguyên bản của câu chuyện này, chúng ta cũng có cho các em học sinh đánh giá những hành động như vậy của Tấm là có nên hay không? Có thể có những giải pháp khác nhân văn hơn, hay hơn? Đó cũng là một cách giáo dục hay”, bạn Huy Đức nói. Theo Huy Đức, cái gì của dân gian thì phải trả lại cho dân gian. Chúng ta không thể lấy phạm trù đạo đức của thời đại tin học ngày nay đem gán cho thời ngày xưa. Vì với mỗi thời đại, con người có mỗi hoàn cảnh sống khác nhau, có những vấn đề hôm nay chúng ta cho là chân lý thì sau nầy có thể sẽ bị nhìn nhận là sai lầm nghiêm trọng. Theo tôi nếu những yếu tố dân gian nào xét thấy không có tính giáo dục trong thời kỳ hiện đại thì đừng đưa chúng vào nhà trường. Chúng ta có thể đưa câu chuyện cổ tích Tấm Cám nguyên bản vào các lớp ở bậc học cao hơn, nhưng ở đây chúng ta phải phân tích rõ ràng những điều nào là đúng, là sai, là thiện, là ác ở trong mỗi một nhân vật. “Theo tôi nên để nguyên bản. Sửa như vậy đã làm cho các em không còn biết đến nguyên gốc của truyện. Hẳn trong ý nghĩa của câu chuyện các cụ đã đúc rút ra những cái ý nghĩa có một tác dụng nào đấy. Để răn đe cái ác chẳng hạn. Sửa đi là làm mất đi cái các cụ muốn răn dạy con cháu. Đừng bóp méo ý của các cụ”, Ngọc Linh cho hay. Linh viết thêm: “Tại sao lại cố thay đối hình ảnh cô Tấm trong truyện cổ tích? Cô Tấm là di sản tinh thần của cha ông ta để lại cho con cháu, xin đừng cố sửa đổi. Chẵng lẽ mai mốt thấy cô Tấm mặc áo yếm không đẹp lại sửa thành cô Tấm mặc váy đầm. Hay cô Tấm tái sinh từ quả thị không đẹp nữa lại sửa thành cô Tấm tái sinh từ hoa sen”.Tại sao cứ mặc định cô Tấm phải hiền lành?  “Không cho truyện Tấm Cám vào sách giáo khoa nữa, không giáo dục được gì với cái kết trả thù man rợ như vậy, nó thể hiện sự tàn ác của một nhân vật được cho là hiện thân của cái thiện”, Trịnh Vượng lo lắng. Độc giả Tuấn Duy mong muốn câu chuyện này không được đưa vào giảng dạy cho học sinh, vì nó giúp phần khơi dậy sự "ghen tức" trong lòng mỗi con người, tạo nên một tiền lệ xấu đối với những người không xinh đẹp, không có tài năng nhưng lại luôn sẵn đức tính không thích người khác hơn mình. Độc giả Duy Hùng viết: “Tôi nghĩ nên bỏ hình ảnh Cô Tấm ra khỏi các hình ảnh cần truyền đạt cho học sinh. Tôi cũng không dùng hình ảnh này để dạy con mình. Đừng cố tạo lại một hình ảnh đã quá hoen ố. Để nguyên cốt chuyện đó và chỉ cho học sinh rằng con người này không thể làm gương, tôi nghĩ như thế là hay hơn. Nên kiếm một hình ảnh tốt đẹp khác”. “Tấm Cám là câu chuyện chính thức dã man nhất mà tôi từng đọc, tôi không hiểu vì sao lại sưu tầm và phát hành nó thành chuyện cổ tích, cho trẻ em đọc và đưa vào sách giáo khoa, tạo ra hình tượng cô Tấm… Chúng ta có nghĩ đến những câu chuyện đời thực về việc trả thù man rợ đã và đang được đăng báo hàng ngày gần đây là hệ quả của việc đưa chuyện Tấm Cám vào sách giáo khoa không?”, Vũ Tuấn bức xúc.
Người đồng tình: Việc sửa đổi dễ hơn cho việc dạy học
Số độc giả đồng tình với cách sửa cái kết câu chuyện Tấm Cám chiếm số lượng rất ít. Họ là những người không đồng tình với cách trả thù của Tấm đối với Cám ở văn bản dân gian, và cho rằng cách kết thúc đó làm mất đi hình ảnh của một cô gái trong sáng, hiền lành. Tấm trở thành một cô gái tàn nhẫn, độc ác, thậm chí còn hơn cả mẹ con Cám. Theo ý kiến của các giáoviên, thay đổi đoạn kết thúc truyện Tấm Cám trong SGK Văn 10 hiện nay ít nhất cũng đã giải quyết phần nào lúng túng và khó khăn của giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy, phân tích tác phẩm. Về phía giáo viên, có được sự thoải mái, tự tin, bớt đi phần định hướng, giải thích. Về phía học sinh, có được cách nhìn, cách nghĩ theo hướng tích cực, thống nhất về tính cách nhân vật Tấm.
Theo bạn, kết thúc truyện Tấm Cám của thời điện đại nên viết lại thế nào? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn với tòa soạn vào email: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc phản hồi phía dưới.
Thu Giáo