Chia sẻ kinh nghiệm khi ở kí túc xá trong trường Đại học tại Mỹ.

24/05/2012 10:51
Lê Đức (sinhvienboston)
(GDVN) -Khi sang Mỹ học bạn có thể ở ký túc xá, hoặc thuê nhà hay căn hộ. Sự lựa chọn nào cũng có những mặt mạnh và mặt yếu. Dưới đây là những trải nghiệm của cá nhân tôi khi chọn ký túc xá,  các bạn có thể tham khảo trước khi quyết định nên chọn lựa chỗ ăn ở ra sao để đảm bảo điều kiện tốt nhất cuộc sống và học tập tại nước ngoài.

Những trải nghiệm đầu tiên

Vào một ngày tháng sáu, khi nhận được giấy mời của trường đại học, tôi háo hức hoàn thành thủ tục nhập học. Mọi thứ đều diễn ra dễ dàng và suôn sẻ. Nhưng tôi và bạn bè đã phải trả giá do thiếu suy nghĩ khi quyết định một viêc hệ trọng là chọn nơi ăn ở. Điều này hoàn toàn có thể tránh  được nếu tôi chịu khó tìm hiểu thông tin và chuẩn bị kỹ lưỡng cho kế hoạch “du học” của mình. Một thiếu sót dẫn đến sai lầm mà tôi phải chịu đựng đến cả năm học, và chỉ còn 3 ngày nữa khi tôi hết hạn hợp đông ở ký túc xá, thì tôi mới hết nợ với nó.

Một, hai .. ba…  – tôi đang đếm, tôi đang mong đợi và đang tận hưởng niềm vui của  sự giải thoát. Hẳn các bạn tôi chắc cũng đang có cảm giác như thế – ít nhất là những người tôi biết. Một cái thở phào nhẹ nhõm sau khi thoát được cái “hợp đồng”, theo tôi là ngu ngốc và không thể chấp nhận được. Chính chúng tôi đã ký vào đó do thiếu suy nghĩ  và hiểu biết hạn chế. Chúng tôi đã trải nghiệm nhiều xúc cảm như tức tối, ức chế và thất vọng khi đến ở ký túc xá với một không gian xa lạ.  Không ít sinh viên du học, đến từ những đất nước khác nhau như tôi, đều có chung những xúc cảm đó.

Là thanh niên “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, chẳng mấy ai quá quan tâm đến chuyện ăn ở. Mọi thứ tưởng như đơn giản sau khi bạn nhận được tấm giấy thông hành đến trường đại học mà mình mong muốn. Bạn xem việc ăn uống và nhà ở là chuyện thứ yếu, không cần phải suy nghĩ nhiều. Ăn gì chả được, người ta ăn được thì mình cũng ăn được.  Ngủ như thế nào có sao đâu, miễn là an toàn. Ở  ký túc xá của trường có khi lại hay,  mình có thể tập được cách sống chung và hòa nhập với đời sống sinh viên dễ dàng. Suy nghĩ này thật hợp lý, nhưng nó đã làm chúng tôi hối hận và không muốn các bạn đi sau mắc phải sai lầm này. Đó là “ký hợp đồng ăn – ở với trường đại học” thiếu tìm hiểu kỹ càng về hoàn cảnh sống ở nơi ta sẽ tới.

Tôi không có ý định phê phán các dịch vụ hỗ trợ của trường đại học. Nếu là sinh viên Mỹ, có lẽ chẳng có gì đáng phàn nàn về điều kiện ăn ở trong ký túc xá. Nhưng hợp đồng này không thích hợp với tôi – một sinh viên Việt Nam có sự khác biệt lớn về văn hóa – nhất là văn hóa ẩm thực. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở ký túc xá rất cao so với việc thuê căn hộ và tự nấu ăn làm tôi cảm thấy mình bị bóc lột. Tôi cảm giác trường đại học cố gắng lấy tiền của sinh viên, càng nhiều tiền càng tốt. Đây chỉ là sự so sánh ở nơi tôi đang học, có thể điều này không đúng ở các nơi khác. Nhưng tôi hy vọng đây sẽ là một bài học mà các bạn đi sau sẽ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định tốt nhất cho mình.

Đồ ăn trong kí túc xá


Từ khi còn là sinh viên, tôi quan niệm ăn uống trong nhà ăn của trường là an toàn, đa dạng và rẻ hơn ở ngoài. Điều đó phần nào đúng ngay cả khi tôi ở Mỹ. Các món ăn của trường đa dạng và nhiều màu sắc. Tuy nhiên, đó lại là các món ăn không hợp với tôi. Món ăn quá nhiều thịt  lại chỉ nướng hoặc chiên, theo tôi chỉ có thể là các món ăn “chơi” trong các bữa tiệc. Ăn những món ăn đó hàng ngày với tôi là một cực hình.

Thức ăn nhanh được chuộng nhất ở Mỹ.
Thức ăn nhanh được chuộng nhất ở Mỹ.

Khẩu vị của người Mỹ và người Việt Nam có một khoảng cách quá xa. Người Việt ăn nhiều loại rau, canh và ít các chất dinh dưỡng gốc động vật trong các bữa ăn hàng ngày kết hợp với sự đa dạng trong cách chế biến. Ngoài ra, gia vị trong các món ăn của người Việt rất khác so với các món ăn của người Mỹ. Chỉ khi đi xa chúng ta mới nhận rõ hương vị Việt Nam là thứ chúng ta không thể tìm thấy ở các món ăn Mỹ. Không kể đến những bạn chịu ảnh hưởng quá nhiều của nền văn hóa phương Tây, phần lớn sinh viên Việt Nam – những người lớn lên với bữa cơm của gia đình thuần Việt rất khó chấp nhận hàng ngày chỉ ăn mỗi thức ăn Mỹ.

Tôi đã phải chịu đựng điều đó trong hai học kỳ vừa qua – theo đúng như hợp đồng đã ký. Mặc dù đã từng thích thú những món ăn đó trong tuần đầu nhưng tám tháng tiếp theo với thức ăn Mỹ, chúng tôi đã không thể chấp nhận nổi. Có bạn đã phải bỏ bữa ăn trong trường và kiếm một nhà hàng Việt Nam chỉ để tìm lại niềm vui trong những món ăn quê hương quen thuộc. Có bạn chỉ muốn kiếm cơ hội tự nấu cho mình một bữa, mong muốn được nếm lại cảm giác thức ăn hương vị Việt Nam.

Tìm hiểu và cân nhắc về chi phí và điều kiện sinh hoạt ở kí túc xá.


“An toàn, thuận tiện và cơ hội sống chung” là điều tôi đã nghĩ đến khi đặt bút ký hợp đồng “nhà ở” với trường đại học. Chúng tôi cũng nhận ra những thuận lợi khi sống trong ký túc xá sau hai kỳ học. Tuy nhiên, bên cạnh một số lợi ích là sự khó chịu vì mức chi phí chênh lệch giữa sống trong và ngoài khuôn viên trường. Với kiến thức hạn hẹp tôi nghĩ với sự hỗ trợ của nhà trường thì chi phí nhà ở sẽ rẻ hơn thuê ở ngoài. Tôi cũng cho rằng thật may mắn khi có cơ hội  sống trong môi trường đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và sẽ được học hỏi phong cách sống của người Mỹ.

Đại học tổng hợp Massachuetts, Lowell.
Đại học tổng hợp Massachuetts, Lowell.


Sự thực là bên cạnh những thuận lợi của việc sống trong ký túc xá, tôi đã phải trả $1000 mỗi tháng và phải ở chung  phòng ngủ với một bạn sinh viên quốc tế khác. Trong khi đó, nếu bạn thuê nhà của người dân – $500 mỗi tháng cho mọi thứ với phòng ngủ riêng của mình . Thêm nữa, căn hộ mà tôi đang thuê cũng rất thuận tiện cho việc đi lại khi chỉ cách trạm xe buýt hai phút đi bộ. Sự chênh lệch này sẽ có lẽ là không đáng kể nếu bạn là người có sự hỗ trợ tài chính tốt và bạn cần sự thuận lợi từ việc sống trong ký túc xá. Tuy nhiên, đó sẽ là điều đau đầu khi bạn là người quan tâm đến việc sinh hoạt và các chi phí khi đi du học.


Một phòng ở ký túc xá Umass Lowell.
Một phòng ở ký túc xá Umass Lowell.

Vì vậy, sự khác biệt giữa việc ký và không ký hợp đồng ăn – ở làm cho chúng tôi phải suy nghĩ; sự sai lầm của chúng tôi có thể là một bài học mà các bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi chọn cho mình một quyết định. Bên cạnh sự thuận lợi mà hợp đồng với nhà trường mang tới, đó có thể là xung đột với văn hóa và khả năng tài chính của các bạn. Đối với tôi, “du học” không chỉ là học ở trong trường mà còn là mọi thứ xung quanh bạn. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống bản thân và xung quanh, bạn sẽ không có được trạng thái tâm lý và sức khỏe tốt để duy trì khả năng học tập và làm việc của mình.

Đây chỉ là một kinh nghiệm của cá nhân tôi.  Ăn uống và nhà ở mỗi nơi có một đặc thù riêng. Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn là hãy làm giàu kiến thức về nơi ta sẽ đến trước khi bạn đặt chân. Hãy tự thỏa mãn chính mình bằng sự đầu tư và chuẩn bị kỹ cho mọi quyết định của mình – cho dù đó là những việc cơ bản nhất, hay những việc chúng ta đã được chăm lo từ gia đình trước đây. Ngay lúc này, bạn phải tự lực cánh sinh vì ba mẹ không còn ở bên cạnh mình nữa.

Điểm nóng
Khám phá 10 trường Đại học sản sinh ra nhiều tỷ phú nhất thế giới (P5) Những trường cấp nhiều học bổng nhất nước Mỹ.
10 nước có hệ thống giáo dục Đại học tốt nhất thế giới

5 chiêu 'săn' học bổng nhẹ tênh

Danh sách 100 trường Đại học xuất sắc nhất thế giới (P9)

10 nước có hệ thống giáo dục Đại học tốt nhất thế giới




Lê Đức (sinhvienboston)