Khi quỹ thời gian còn lại đang cạn dần, học sinh biết chiến thuật ôn tập sẽ tự tin chinh phục ước mơ của mình.
Những trọng điểm
Trong các tư vấn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ không ra vào phần kiến thức giảm tải của học kỳ 2 và giảm độ khó của đề thi với tỉ lệ 70:20:10 (70% kiến thức cơ bản, 20% mức độ vận dụng và 10% vận dụng cao).
Kiến thức của học kỳ 2 cũng chỉ hỏi theo mức độ cơ bản, dễ nhận biết học sinh tự học cũng làm được. [1]
Đề Ngữ văn minh họa. |
Các trò 12 có thể biết mức độ khó của đề trắc nghiệm nhưng với đề Ngữ văn lại khác.
So với đề thi năm 2019, cấu trúc đề không thay đổi, lượng kiến thức cần cũng vậy, duy chỉ có câu lệnh rõ ràng hơn (viết đoạn khoảng 200 chữ - giới hạn độ dài của đoạn nghị luận xã hội, câu hỏi đọc hiểu cũng không dễ hơn, thí sinh chỉ đọc kỹ đoạn trích của đề sẽ trả lời được).
Năm 2019, Hướng dẫn chấm Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không bắt buộc viết thành đoạn văn ngắn câu hỏi đọc hiểu vận dụng sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh.
Trọng tâm kiến thức nghị luận văn học sẽ ở 8 tác phẩm học kì 1: Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng, Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông? và học kỳ 2: truyện Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa.
Riêng Tuyên ngôn Độc lập (văn chính luận) và bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (đọc thêm của Giáo dục thường xuyên ), Tác phẩm Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình, Hồn Trương Ba da hàng thịt thuộc phần giảm tải, truyện Vợ chồng A Phủ (đã có trong đề minh họa) các em chỉ đọc và nắm các ý chính theo câu hỏi sách giáo khoa.
Kiến thức tiếng Việt, trừ Phong cách ngôn ngữ hành chính (giảm tải), cần ôn 5 phong cách ngôn ngữ đã học gồm: Sinh hoạt, Nghệ thuật, Báo chí, Chính luận và Khoa học và kiến thức về câu, về tu từ, về phương thức biểu đạt được ôn tập và thực hành ở kỳ 1 đều cần ôn luyện kỹ lưỡng.
Kiến thức, kỹ năng làm văn học sinh cần ôn tập đầy đủ: cách làm bài nghị luận xã hội (viết đoạn), nghị luận văn học, cách lập luận, diễn đạt và dùng từ, chính tả.
Tóm lại, học trò 12 cần hình dung lượng tri thức tổng hợp để viết bài nghị luận văn học 5 điểm, viết đoạn nghị luận xã hội khoảng 20 dòng và trả lời 4 câu hỏi đọc hiểu.
Những học sinh sẽ thi Ngữ văn xét vào đại học thì đã quen viết quen làm, nhưng sẽ rất nan giải với học sinh khối tự nhiên.
Chiến thuật 3 giai đoạn
Với kinh nghiệm cá nhân và có con thi năm nay, thầy xin gợi ý một chiến lược cấp tốc cho các trò theo 2 đối tượng học nhiều và học ít môn Ngữ văn.
Với các trò khối xét điểm đại học được đầu tư thời gian, công sức.
1-Khi phải tự học ở nhà
Chiến lược học cuốn chiếu, dứt điểm từng phần, từng bài, từng nội dung.
Đại học Quốc gia Hà Nội lên nhiều phương án để tuyển sinh đại học năm 2020 |
Phần tiếng Việt tự ôn kiến thức về từ vựng, về phép tu từ, về ngữ pháp, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ.
Tìm một đoạn văn bản thơ hoặc văn xuôi trên báo chí hay truyện chừng 10-15 dòng bất kỳ, tự đặt câu hỏi và trả lời theo các nội dung trên, chỗ nào chưa rõ, chưa tin thì chụp ảnh hỏi thầy cô.
Không nên dùng đề cũ đã có sẵn vì đề chính thức không bao giờ dùng đề đã có.
Mục đích giúp các em nhận biết được thế nào là câu đơn câu ghép, ẩn dụ, hoán dụ, so sánh,…
Tiếp sau là tự trả lời câu hỏi vận dụng đó vấn đề là gì, tại sao hiểu vậy viết thành đoạn văn ngắn 5-7 câu.
Câu chủ đề đầu của đoạn là nội dung gợi ý của đề bài, câu sau tìm biểu hiện của vấn đề…
Câu viết đoạn văn, chứ không phải bài văn, các em trả lời mạch lạc, thuyết phục 4 câu hỏi: vấn đề là gì (giải thích), biểu hiện như thế nào, tại sao lại hiểu như vậy (phân tích, bình luận), đánh giá ý nghĩa, bài học và liên hệ bản thân (nhận thức và hành động) từ vấn đề gợi ra ở phần đọc hiểu.
Thầy cô giám khảo không ai đếm thiếu đủ ý của đoạn văn mà rất trân quý cách nêu và giải quyết vấn đề, diễn đạt dễ hiểu, cô đọng và thuyết phục hay không.
Câu nghị luận văn học xoay quanh kiểu bài nghị luận về thơ và truyện.
Làm bài thi môn Ngữ Văn cần hỏi gì trả lời đó, tránh dài dòng lãng phí thời gian |
Các em hình dung bài nghị luận văn học là bài viết những ý hiểu của mình khi đọc một câu thơ, khi giảng giải một hình ảnh thơ, hay nghĩa của một từ ngữ hay hiểu biết về một nhân vật qua suy nghĩ, hành động, tâm trạng được viết trong tác phẩm để biết được điều gì của đới sống và con người nhà văn muốn gửi đến người đọc.
Chiến lược đọc kỹ và tưởng tượng, liên tưởng tới hoàn cảnh tác giả viết bài thơ đó (xuất xứ).
Cố gắng hiểu đúng sự việc, sự vật nhà thơ nhà văn miêu tả và kiến giải, rồi diễn đạt điều mình hiểu thành câu thành đoạn.
Đề thi hỏi đoạn thơ nào, dựa vào đoạn đó phân tích, giảng giải mà không phải nhọc nhằn học thuộc lòng mấy trang văn mẫu.
2. Khi được đi học trở lại
Chiến lược lúc này là học theo hướng dẫn của thầy cô, kết hợp học ở lớp và làm bài tập.
Không tham học nhiều làm nhiều dễ sinh chán nản và dồn ứ bài vở khi hàng tuần, thầy cô các môn đều dội ồ ạt bài tập và kiểm tra lấy điểm.
Ưu tiên học môn chủ yếu, theo chiến lược làm ít bài mà hiểu còn hơn là làm nhiều mà không hiểu. Tự rèn viết làm văn.
Các em khối tự nhiên chú ý nghe giảng để hiểu từng câu thơ, từng hình ảnh, từng kiến thức tiếng Việt trong những bài mới và bài ôn tập...
3. Về đích
Năm nay học sinh các trường sẽ ôn tập bắt buộc sau khi kết thúc năm học (dự kiến chậm nhất 15/7), với khoảng 3 tuần, các trò cần tập trung vào các môn thi theo tổ hợp đăng ký thi.
Với các trò khối tự nhiên, tập trung ôn tập tiếng Việt và viết đoạn để làm tốt câu đọc hiểu và câu viết đoạn 200 chữ, ôn kỹ năng làm văn để viết bài nghị luận văn học đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài, chú ý kỹ năng diễn đạt hiểu biết của mình về chi tiết, từ ngữ, hình ảnh qua biện pháp nghệ thuật…. để trả lời câu hỏi câu thơ hay chi tiết viết về ai, việc gì, là gì, như thế nào?...
Sẽ là sai lầm khi cố suy diễn, viết lung tung thoát ly câu thơ, thoát ly chi tiết của đoạn trích trong đề bài.
Với các trò dùng điểm Văn xét đại học, lúc về đích thường mắc sai lầm là dồn tâm sức vào học thuộc văn mẫu hoặc cố gắng viết nhiều làm nhiều đề.
Chiến thuật hiệu quả và khôn khéo là cố thoát khỏi áp lực của thầy cô và bài tập để thư thái, tỉnh táo, giữ sức khỏe không để đầu óc mệt mỏi và thiếu ngủ. Không tham đọc nhiều viết nhiều, lướt web nhiều.
Tốt nhất là chỉ dùng sách giáo khoa, tự trả lời câu hỏi hướng dẫn học bài, viết thành bài luận ngắn chừng 400 chữ, nếu nhờ được thầy cô đọc sửa cho thì tốt nhất.
Câu thơ, chi tiết nào chưa hiểu thì khi đó mới mở tài liệu đối chiếu rồi viết lại, mỗi tuần dứt điểm 2 tác phẩm.
Câu đọc hiểu và vấn đề trong viết đoạn sẽ mới 100%, nên chỉ cần ôn và hiểu đúng bản chất các kiến thức tiếng Việt trọng tâm mà không cần làm nhiều đề.
Cũng không nên lạm dụng việc trao đổi, hỏi bài mà quên điều quan trọng nhất của bài thi Ngữ văn là kỹ năng diễn đạt, dùng từ dễ hiểu và thuyết phục.
Mục đích đề thi Ngữ văn là kiểm tra đánh giá khả năng đọc và hiểu, khả năng diễn đạt sự hiểu đó. Chỉ cần nêu được ý cơ bản đã đạt ½ số điểm của câu và luôn dành điểm cho viết câu, dùng từ, diễn đạt và sáng tạo.
Chúc các em thành công!
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/de-thi-thpt-quoc-gia-nam-2020-co-70-cau-hoi-co-ban-20200404164612708.htm