Yên tâm với nội dung giảm tải môn Ngữ văn cuối cấp

04/04/2020 06:19
Cao Nguyên
(GDVN) - Môn Ngữ văn lớp 9 và 12 đã giảm tải một số bài khó giúp học sinh học tập trực tuyến hiệu quả hơn trong kì nghỉ phòng dịch Covid-19.

Ngày 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông ở học kỳ 2 năm học 2019-2020.

Theo đó, trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy các môn học để phù hợp với thời gian của năm học này.

Trong đó, môn Ngữ văn lớp 9 và 12 có những bài học được giảm tải cụ thể như sau:

Nội dung giảm tải môn Ngữ văn 9

Chủ đề Văn học:

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới; Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (trích); Con cò; Sang thu; Nói với con; Kiểm tra về thơ; Bến quê (trích); Rô- bin- xơn ngoài đảo hoang (trích Rô-bin-xơn Cru-xô); Con chó Bấc (trích Tiếng gọi nơi hoang dã); 

Kiểm tra về truyện; Bắc Sơn (trích hồi bốn); Tôi và chúng ta (trích cảnh ba); Tổng kết phần Văn học nước ngoài; Tổng kết phần Văn học (2 bài).

Chủ đề Tiếng Việt:

Nghĩa tường minh và hàm ý (2 bài); Tổng kết về ngữ pháp (2 bài); Kiểm tra phần Tiếng Việt.

Tinh giản chương trình môn Ngữ văn chỉ giảm số tiết chứ không giảm bài học!
Tinh giản chương trình môn Ngữ văn chỉ giảm số tiết chứ không giảm bài học!

Chủ đề Làm văn:

Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích); Luyện nói: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ; Luyện tập viết biên bản; Luyện tập viết hợp đồng; Thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi.

Chủ đề Chương trình địa phương:

Chương trình địa phương (phần Tập làm văn) (2 bài); Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt).

Nội dung giảm tải môn Ngữ văn 12

Chủ đề Văn học:

Rừng xà nu; Bắt sấu rừng U Minh Hạ; Những đứa con trong gia đình; Mùa lá rụng trong vườn (trích); Một người Hà Nội; Thuốc; Ông già và biển cả (trích); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích); Nhìn về vốn văn hóa dân tộc; Ôn tập phần Văn học.

Chủ đề Tiếng Việt:

Nhân vật giao tiếp; Thực hành về hàm ý (2 bài); Phong cách ngôn ngữ hành chính; Tổng kết phần Tiếng Việt (3 bài).

Chủ đề Làm văn:

Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận; Diễn đạt trong văn nghị luận (2 bài); Phát biểu tự do; Văn bản tổng kết.

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (Ảnh minh hoạ: Tailieu.vn)
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (Ảnh minh hoạ: Tailieu.vn)

Môn Ngữ văn lớp 9 và 12 đã tinh giản hợp lí

Nguyên tắc tinh giảm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo qui định của Luật Giáo dục; đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học; 

Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục; đảm bảo tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019 – 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Qua nội dung tinh giản của môn Ngữ văn lớp 9 và 12, có thể nhận thấy, có 3 cách tinh giản: không dạy (phần lí thuyết một số nội dung tiếng Việt, tập làm văn); khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm; tự học có hướng dẫn (hướng dẫn tích hợp, kết hợp các bài có cùng nội dung; giảm nội dung trong một bài để giảm thời lượng).

Đáng chú ý, Bộ yêu cầu không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)”.

Cách tinh giản như thế là hợp lí bởi quỹ thời gian của học kì 2 đã cạn dần, trong khi diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp - nhất là hai địa phương ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc giảm tải cũng không ảnh hưởng lớn mục tiêu dạy học. Học sinh không phải đọc hàng loạt văn bản mà dành thời gian cho việc thực hành, luyện tập đối với những văn bản cụ thể, trọng tâm, liên quan đến đề tuyển sinh, đề thi trung học phổ thông quốc gia.

Bên cạnh đó, những nội dung trùng lắp giữa bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông; một số bài học có nhiều khối lượng kiến thức và câu hỏi ở phần luyện tập quá nhiều cũng được giảm bớt sao một cách hợp lí.

Cùng với đó, các kiến thức giảm tải được chọn lọc, giữ lại những kiến thức trọng tâm, có sự kế thừa cho những lớp học sau.

Ngoài ra, một số văn bản quá sức với học sinh lớp 9; văn bản ít có giá trị về nghệ thuật được Bộ tinh giảm triệt để là điều rất đáng mừng.

Thú thực, phải dạy những văn bản như thế, cả thầy và trò đều mất cảm xúc; dạy học cho có một cách gượng ép, dẫn đến nhiều học sinh ngày chán môn Ngữ văn.

Một số gợi ý ôn tập cho học sinh cuối cấp

Một đề kiểm tra Ngữ văn nhiều sạn
Một đề kiểm tra Ngữ văn nhiều sạn

Với học sinh lớp 9, ngoài những kiến thức về tiếng Việt, làm văn, các em cần chú ý những văn bản sau:

Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ); Hoàng Lê Nhất Thống Chí (hồi 14) (Ngô gia văn phái); các đoạn trích Truyện Kiều (Nguyễn Du); Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu); Đồng chí (Chính Hữu); Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật); 

Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận); Bếp lửa (Bằng Việt); Ánh trăng (Nguyễn Duy); Làng (Kim Lân); Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long); Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng); Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải); Viếng lăng Bác (Viễn Phương); Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê).

Học sinh cần nắm vững nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm văn học. Vì mỗi địa phương có một cấu trúc đề tuyển sinh khác nhau nên các em cần bám theo đề thi các năm trước và hợp tác với giáo viên bộ môn để luyện tập cho kĩ.

Học sinh lớp 12, lưu ý những văn bản sau: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh); Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); 

Người lái đó Sông Đà (Nguyễn Tuân); Sóng (Xuân Quỳnh); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Học sinh cần nắm vững nội dung nghệ thuật tác phẩm, phong cách nghệ thuật của tác giả.

Bám sát đề minh họa của Bộ, biết cách làm phần đọc hiểu theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp; biết cách viết đoạn văn 200 chữ và luyện tập phần làm văn (câu nghị luận văn học) qua mỗi đoạn trích, tác phẩm.

Các đoạn trích, tác phẩm của chương trình Ngữ văn 12 khá dài và có thể ra nhiều dạng đề thi khác nhau. 

Vì thế, học sinh cần luyện tập 2 đề/đoạn trích/tác phẩm cho quen dần. Ngoài ra, cần tránh kiểu học tủ vì Bộ đã tinh giản tối đa một khối lượng kiến thức chưa cần thiết.

Với việc tinh giảm như vậy, học sinh lớp 9 và 12 sẽ học online ở học kì 2 của năm học này nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Việc cần làm ngay lúc này là các em không được lơ là học trực tuyến, cần tận dụng thời gian vừa học kiến thức mới, vừa ôn tập nội dung học kì 1.

Như thế, sau khi trở lại trường học sinh sẽ không bị quá tải trong quá trình ôn tập với khoảng thời gian còn lại ít ỏi này. 

Tài liệu tham khảo:

[1] //cdn.tuoitre.vn/2020/ngu-van-thcs-1585651117102.pdf

[2] //cdn.tuoitre.vn/2020/ngu-van-thpt-1585651131598.pdf

[3] //www.tienphong.vn/giao-duc/giam-tai-cac-mon-lop-12-toan-ngu-van-phu-hop-ban-khoan-ngoai-ngu-1633965.tpo

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toan-bo-noi-dung-tinh-gian-cua-bac-trung-hoc-tu-lop-6-den-lop-12-post208251.gd

Cao Nguyên