LTS: Phản ánh những góc khuất trong việc chiêu dụ học hè nơi trường học ở khá nhiều địa phương, tác giả Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhìn những khuôn mặt háo hức, hân hoan của những đứa trẻ lên 6, 7 tuổi trước ngày nghỉ hè, chúng tôi có chút chạnh lòng.
Trẻ trông tới ngày hè như “nắng hạn trông mưa” nhưng niềm vui ấy có lẽ chưa kịp “đơm hoa” sẽ mau chóng “lụi tàn” vì sự toan tính của biết bao người lớn.
Cầm cả sấp tờ quảng cáo về các lớp học thêm của các trung tâm, của nhà văn hóa trên tay để triển khai đến phụ huynh trong ngày họp sắp tới, chúng tôi thầm nghĩ “có bao nhiêu em thoát khỏi sự bủa vây của những lớp học hè thế này?”. Nghĩ chắc cũng không nhiều vì những màn chiêu dụ khá hấp dẫn của họ.
Phát tờ rơi ngay trước cổng trường (Ảnh minh họa: P.N). |
Khi quảng cáo học hè vào trường
Chẳng biết bằng cách nào những tờ quảng cáo cho học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoài kia lại có thể ngang nhiên vào trường học dễ dàng như thế?
Ban giám hiệu phát cho mỗi giáo viên vài chục tờ (ứng với sĩ số lớp học giáo viên đang chủ nhiệm).
Có trung tâm còn ghi rõ họ tên, lớp, trường của từng học sinh để thầy cô phát cho học sinh hoặc chính phụ huynh của mình.
Thầy cô nào cũng đều biết rằng, đây chẳng phải nhiệm vụ của mình, rằng đây chỉ là làm hộ việc cho người khác.
Nhưng, tất thảy chỉ dám thì thầm sau lưng, ai ai cũng phải phục tùng và xem đó như một nhiệm vụ bất khả kháng.
Những tờ quảng cáo khá hấp dẫn và thu hút, nào là tổ chức cuộc thi lấy chứng chỉ quốc tế và tặng học bổng của trung tâm Anh ngữ ĐiLa; tổ chức ngoại khóa vui học của trung tâm Anh ngữ Mỹ Úc; treo giải thưởng ipone 6 cho 30 học sinh đăng ký đầu tiên vào học ở trường phổ thông trung học Việt Âu…
Quảng cáo núp bóng nhà trường, hoa hồng bạc triệu ai được hưởng? |
Nào là giảm học phí 30-40%, được học, được giao tiếp với người nước ngoài, được du lịch hè, nói được tiếng Anh chỉ sau khóa học…
Ngoài các trung tâm dạy Anh ngữ thì Nhà văn hóa thiếu nhi cũng tranh thủ in tờ quảng cáo sẽ khai giảng hơn chục lớp học từ năng khiếu đến văn hóa.
Những lớp luyện chữ đẹp, ôn tập văn hóa hè toàn cấp, lớp vẽ, hát, bơi, võ… lớp nào cũng quảng cáo do đội ngũ giáo viên uy tín giảng dạy.
Đến tra tấn bằng điện thoại
Khá nhiều phụ huynh (và không ít giáo viên) phản ánh việc hàng ngày mình vẫn thường xuyên nhận được cuộc gọi đến của các trung tâm để động viên gia đình đăng kí học cho con cháu mình đi học.
Có giáo viên bức xúc “đâu phải một nơi gọi? hết trả lời trung tâm này đến hẹn trung tâm kia... Vì ngại bị làm phiền lâu nên cứ phải hứa đại từ từ sẽ thu xếp. Có ngày nhận đến gần chục cuộc gọi đến mà bực hết cả mình”.
Điều giáo viên thắc mắc “vì sao những trung tâm này lại có họ tên từng học sinh? Có số điện thoại của cha mẹ các em? (giáo viên đương nhiên không cung cấp), có số điện thoại của chính giáo viên có con đang học từ lớp 1 đến lớp 12?”.
Nhiều người mắc bẫy
Không có gì hiệu quả hơn bằng việc chính giáo viên sẽ cầm những tờ quảng cáo học thêm như thế trao tận tay cho phụ huynh.
Rồi không ít người sẽ hỏi “nơi này dạy thế nào hả cô (thầy?) Dù biết chắc chắn chính thầy cô cũng chẳng biết gì về chất lượng đào tạo của những trung tâm này hoặc có biết cũng chẳng ai dám nói thật trước “thanh thiên bạch nhật” như thế.
Bởi, nói huệch toẹt ra chẳng phải mình đang tiếp tay cho những cơ sở làm ăn kém chất lượng hay sao?
Biết chuyện dạy và học tiếng Anh ở trung tâm, nhiều nhà lập tức cho con nghỉ |
Thế là có thầy cô buộc phải khẳng định ích lợi của việc cho trẻ đi học thêm kiểu này, khẳng định sự uy tín chất lượng giảng dạy của họ.
Một số phụ huynh phản hồi lại “hôm nhận được giấy đăng kí học tiếng Anh của nhà trường phát về (họ nhầm tưởng là bắt buộc đi học) nên đăng kí cho con theo học nhưng học phí mắc quá cô ơi”.
Học phí ở những trung tâm Anh ngữ luôn có giá thấp nhất từ 700 ngàn đồng/tháng tới hơn một triệu đồng/tháng.
Đã có không ít phản ánh “gia đình có điều kiện cho con vừa học vừa chơi cũng được còn học lấy kiến thức thì chưa đạt”.
Giáo viên dạy ở những trung tâm như thế này phần nhiều là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học về tiếng Anh nhưng chưa xin được việc làm.
Còn giáo viên người nước ngoài thực chất là những Tây ba lô được các trung tâm thê về nói chuyện cho giảm chi phí.
Ao ước có một mùa hè đúng nghĩa của nhiều trẻ nhỏ chỉ là những ước ao khó có cơ hội thực hiện.
Trẻ được giải phóng ở môi trường học tập này lại rơi vào “cạm bẫy” học tập khác trong sự bủa vây của sự chiêu dụ học hè nơi trường học ở khá nhiều địa phương.