Việc phân loại giáo viên thành các hạng khác nhau trong các thông tư hiện hành cũng như dự thảo thông tư mới đang lấy ý kiến nhân dân của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được rất nhiều ý kiến không đồng thuận của dư luận nhà giáo trong thời gian qua.
Gõ vào Google cụm từ “bỏ xếp hạng giáo viên” sẽ có 19.900.000 kết quả trong vòng 0.49 giây, con số đó cũng nói lên được đã có nhiều ý kiến về xếp hạng giáo viên.
Báo nld.com.vn có bài viết phản ánh “Giáo viên khổ vì xếp hạng: Đừng tạo thêm áp lực nữa!”, Báo Thế giới và Việt Nam (baoquocte.vn) ghi nhận “Xếp hạng giáo viên và tâm tư của nhiều nhà giáo”…
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài viết về vấn đề này. Đó là những chia sẻ của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, phản ánh thực tế khách quan tác động của việc chia hạng giáo viên đến chất lượng giáo dục:
“Phó Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi chùm thông tư xếp hạng, nhà giáo ấm lòng”, “Sửa chùm Thông tư xếp hạng, hy vọng xóa bất công, giáo viên sống được bằng lương”, “Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng”…
Những bài viết này đã được rất nhiều nhà giáo trên các diễn đàn, hội nhóm nhà giáo trên mạng xã hội chia sẻ và ủng hộ, vì đã nói hộ tâm tư, tình cảm của nhà giáo, cũng như phản ánh chân thực những bất cập, rắc rối của việc chia hạng giáo viên trong thực tế hiện nay.
Việc xếp hạng giáo viên đã tạo nên một “thị trường” chạy đua bằng cấp, chứng chỉ để giáo viên giữ hạng, thăng hạng, chuyển hạng, gây hệ lụy không nhỏ cho giáo dục và xã hội.
Tiếng nói từ thực tế đã đến được với nghị trường Quốc hội, những chững chỉ gieo rắc áp lực với thầy cô giáo đã bị loại bỏ: chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp…
Thế nhưng, vẫn còn đó “hạng giáo viên”, mà rất nhiều nhà giáo tâm huyết muốn loại bỏ khỏi “cơ thể” giáo dục, vì hạng giáo viên không phản ánh đúng năng lực, kết quả hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Không phải giáo viên có hạng cao mà dạy tốt, vì học sinh thân yêu, và ngược lại, hoặc không phải là giáo viên nhưng vẫn dạy học rất tốt cho con, cháu... đó là một thực tế của cuộc sống.
Ảnh minh họa: Nhandan.vn |
Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, còn đó: Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành:
Viên chức làm công tác giảng dạy gồm có giáo viên hạng I, hạng II, hạng III.
Thông tin này làm buồn lòng không ít giáo viên vì xếp hạng giáo viên vẫn tồn tại trong vị trí việc làm, sắp tới đây, thực hiện cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm, hạng giáo viên vẫn còn đó, tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm thầy cô.
Chính phủ đã bỏ chia hạng viên chức, Bộ Giáo dục nên đề xuất loại bỏ phân loại giáo viên thành 3 hạng I, II, III
Điều 3 Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP ghi rõ: Phân loại viên chức
1. Theo vị trí việc làm, viên chức được phân loại như sau:
a) Viên chức quản lý bao gồm những người quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật viên chức;
b) Viên chức không giữ chức vụ quản lý bao gồm những người chỉ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Theo chức danh nghề nghiệp, viên chức được phân loại trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp với các cấp độ từ cao xuống thấp như sau:
a) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I;
b) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II;
c) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng III;
d) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV.
Theo Nghị định 29 năm 2012, phân loại viên chức theo vị trí việc làm (viên chức quản lý, viên chức không giữ chức vụ quản lý) và theo chức danh nghề nghiệp (viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV).
Việc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xếp hạng giáo viên (chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV) là rất khó thực hiện, do “vướng” Nghị định 29 năm 2012 còn hiệu lực.
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực ngày 29/9/2020, tiêu chí phân loại viên chức đã thay đổi.
Điều 3 Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP ghi rõ: Phân loại viên chức
1. Theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân loại như sau:
a) Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý;
b) Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:
a) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ;
b) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ;
c) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học;
d) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng;
đ) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.
Như vậy, từ ngày 29/9/2020, Chính phủ phân loại viên chức theo 02 tiêu chí:
- Theo chức trách, nhiệm vụ: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;
- Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.
Tất cả giáo viên tiểu học, trung học, có yêu cầu chung về chuẩn bằng cấp là Cử nhân, theo Luật Giáo dục 2019, việc phân loại giáo viên theo hạng I, II, III, có còn phù hợp? Bộ nên dũng cảm bỏ phân loại giáo viên theo hạng I, II, III!
Hạng giáo viên không phản ánh đúng năng lực, phẩm chất của thầy cô, đã được thực tế chứng minh và Chính phủ thay đổi cách phân loại trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Vì vậy dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nên bỏ phân loại giáo viên hạng I, hạng II, hạng III.
Cùng với đó, cũng bỏ phân loại giáo viên hạng I, hạng II, hạng III, trong cụm thông tư 01, 02, 03, 04, sắp tới sẽ sửa đổi.
Tài liệu tham khảo:
- Luật giáo dục 2019; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP; Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP.
- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.