Thêm vị trí quản lý trường học có tăng phòng làm việc riêng, chế độ, quyền lợi?

04/02/2022 07:03
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo quy định này của Bộ không đi vào cuộc sống, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, con đường đến “học thật, thi thật, nhân tài thật” còn xa xôi.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Thêm 1 ghế quản lý trường học, cả nước sẽ tăng 43.199 vị trí quản lý?” của tác giả Sơn Quang Huyến, bài viết đã được giáo viên chia sẻ rộng rãi trên các hội, nhóm mạng xã hội và nhận được nhiều quan tâm, bình luận.

Phần lớn các ý kiến bình luận của giáo viên mà người viết đọc được đều không nhất trí với quy định trong dự thảo Thông tư về vấn đề thêm 1 vị trí quản lý trong trường phổ thông công lập cho chủ tịch hội đồng trường.

Một đồng nghiệp, thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên) là thành viên nhiều năm của hội đồng trường, chia sẻ với người viết: “Thật vớ vẩn anh ạ, nếu bổ sung chủ tịch hội đồng trường vào vị trí quản lý, lãnh đạo nhà trường, như dự thảo sẽ có thêm lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường, ngoài hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.

Nếu dự thảo không sửa đổi, mỗi trường sẽ phải có thêm 1 phòng làm việc gắn biển tên chủ tịch hội đồng trường.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của giáo viên trên mạng xã hội do tác giả cung cấp

Cả nước sẽ có 43.199 vị trí quản lý chủ tịch hội đồng trường, cần có thêm 43.199 phòng làm việc của chủ tịch hội đồng trường.

Ngân sách giáo dục đã eo hẹp, thầy cô mong chút quà Tết mà không có, vậy mà gánh thêm biết bao nhiêu chi phí cho vị trí lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường này nữa, giấc mơ có tháng lương 13 lại càng xa vời vợi.

Dự thảo này, đúng là sản phẩm của “phòng máy lạnh”, quá xa rời thực tế, thực tiễn cuộc sống”.

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 10 Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học “Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường trung học công lập: Quyết định về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và từng năm học; quyết định về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; phê duyệt kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát hoạt động tuyển sinh và việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát việc thực hiện các quyết định của hội đồng trường và việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường theo quy định của pháp luật”.

Hiệu trưởng phải làm việc theo chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường ... của Hội đồng trường, tức chủ tịch hội đồng trường sẽ là lãnh đạo cao nhất của cơ sở giáo dục công lập.

Trong lúc đó, Khoản 1 Điều 56 Luật Giáo dục ghi rõ: “Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường, do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận”.

Vậy, hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường sẽ là lãnh đạo thực sự của nhà trường, trong khi chưa có quy định nào của pháp luật về vấn đề này?

Thành phần của hội đồng trường gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.

Khi chủ tịch hội đồng trường là vị trí quản lý lãnh đạo nhà trường, hình thức bầu cử là bỏ phiếu kín, việc bầu cử, đề cử, tự ứng cử, chức danh chủ tịch sẽ không đơn thuần như trước đây nữa.

Nếu khi bầu chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng không trúng, mà một trong các thành viên của hội đồng trường trúng cử chức danh chủ tịch, lúc này mới ... dở khóc, dở cười.

Ví dụ, giáo viên trúng cử chủ tịch hội đồng trường, không phải là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng, mà xác suất này không nhỏ, giáo viên giờ thành lãnh đạo nhà trường, bây giờ nhà trường thiếu một giáo viên, phải hợp đồng thêm giáo viên… bao nhiêu điều phiền toái sẽ xảy ra sau đó.

Điều 16 của dự thảo: Quy đổi các nhiệm vụ kiêm nhiệm không có nội dung quy đổi tiết dạy cho nhiệm vụ kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường, hay nói cách khác, khi giáo viên trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường, giáo viên sẽ công tác toàn thời gian cho vị trí chức danh này.

Lương của vị lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường, giờ sẽ tính thế nào đây? Phụ cấp chức vụ bao nhiêu? Căn cứ pháp luật nào để tính?

Nếu phó hiệu trưởng trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường, lúc này sẽ không thể là chức danh kiêm nhiệm nữa, vì chủ tịch hội đồng trường là hoạt động toàn thời gian, vậy ai sẽ làm công tác của phó hiệu trưởng?

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất, không nên bổ sung chủ tịch hội đồng trường vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; giữ nguyên vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông: hiệu trưởng; phó hiệu trưởng, là phù hợp.

Cùng với đó, mỗi cơ sở giáo dục chỉ cần 01 hiệu trưởng, 01 phó hiệu trưởng, là phù hợp với thực tế, tinh gọn bộ máy, khi đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong các cơ sở trường học.

Bổ sung quy đổi tiết dạy cho nhiệm vụ chủ tịch hội đồng trường, coi đây là nhiệm vụ kiêm nhiệm (nếu là giáo viên kiêm nhiệm), nếu lãnh đạo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) kiêm nhiệm, không có tiết dạy quy đổi.

Nếu Bộ kiên quyết không bỏ vị trí lãnh đạo, quản lý với Chủ tịch Hội đồng trường?

Đã xác định chủ tịch hội đồng trường do 1 lãnh đạo hay giáo viên kiêm nhiệm tại Khoản 1 Điều 12, thì tại Khoản 1 Điều 16 phải có quy đổi tiết dạy cho nhiệm vụ kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng trường, hiện nay chưa có.

Nếu không có quy đổi tiết dạy của nhiệm vụ kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường, tức là chủ tịch hội đồng trường là hoạt động toàn thời gian, thì phải bỏ cụm từ "kiêm nhiệm" mà thay bằng cụm từ "đảm nhiệm" tại Khoản 1 Điều 12 thì mới hợp lý.

Cần có hướng dẫn cụ thể về quy chế phối hợp công tác, phân quyền quản lý, điều hành giữa bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng một cách minh bạch, rõ ràng.

Phải ban hành “chuẩn” chủ tịch hội đồng trường, để đảm bảo người đề cử, ứng cử, trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường, có đủ phẩm chất, năng lực làm lãnh đạo, quản lí trường học.

Có văn bản pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, mức lương, phụ cấp chức vụ… của chủ tịch hội đồng trường.

Để có “học thật, thi thật, nhân tài thật”, có quan điểm cho rằng phải bắt đầu từ trường chuyên, nhưng theo người viết, phải bắt đầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ hệ thống văn bản pháp luật, chỉ đạo, do Bộ phát hành.

Văn bản, chỉ đạo của Bộ (kể cả văn bản dự thảo), phải gắn với thực tế, đi được vào cuộc sống, vì nâng cao chất lượng giáo dục.

Nếu hệ thống văn bản, chỉ đạo của Bộ không đi vào cuộc sống, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, con đường đến “học thật, thi thật, nhân tài thật” còn xa lắm.

Dự thảo đang lấy ý kiến dư luận xã hội, thế nhưng nội dung dự thảo hoàn chỉnh, không có “sạn” vẫn là mong muốn của giáo viên chúng tôi, củng cố niềm tin của giáo viên vào Bộ, gieo niềm tin vào con đường phát triển của ngành giáo dục, trong mỗi nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

- Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

- Luật Giáo dục 2019.

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

*Nội dung bài viết thể hiện văn phong, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh