LTS: Ngày nay, việc một đứa trẻ bắt đầu đi lớp cũng kéo theo rất nhiều nỗi lo lắng của gia đình. Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con được chăm sóc tốt hơn nên thường xuyên biếu quà bồi dưỡng cho các cô.
Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ câu chuyện về việc phụ huynh đã làm hư giáo viên ngay từ ở bậc mẫu giáo, khiến việc đối xử công bằng giữa các bé bị thiên lệch.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cô em dâu ở thành phố về kể “Con em mỗi tháng đi học mẫu giáo cũng tốn cho cô 300 ngàn đồng. Chưa kể những dịp lễ Tết…”.
Khi tôi hỏi đó là tiền gì? Cô em kể một cách ấm ức “Tiền bồi dưỡng cho cô chứ còn tiền gì nữa”.
Tôi hỏi “Cô gợi ý xin tiền hay sao mà tháng nào cũng phải cho?”, “Cô không nói, nhưng phụ huynh nào cũng làm thế, nếu mình không làm sợ con mình bị ghẻ lạnh”.
Thế rồi, cô em kể tháng nào một số phụ huynh trong lớp cũng bỏ phong bì biếu cô giáo của con vài trăm ngàn đồng.
Dịp 20/11 bỏ phong bì 5 trăm đến 1 triệu đồng. Rồi dịp Tết, ngày 8/3… Chưa nói đến việc một số phụ huynh còn tìm mọi cách biết ngày sinh nhật của giáo viên để tự mình tổ chức sinh nhật và mời thầy cô đến dự.
Chính phụ huynh đã làm hư giáo viên gây ra những bất công trong lớp học. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Người lại tặng quà khủng… Không ít người luôn săn đón, quan tâm đến cả những người thân trong gia đình thầy cô. Người này thấy người kia làm cũng cố gắng đua theo.
Vì sao nhiều phụ huynh lại hay gửi phong bì, mang quà cáp biếu thầy cô? Thôi thì có hàng trăm ngàn lý do để phụ huynh phải tặng quà.
Ai cũng thường nói cám ơn công lao dạy dỗ của thầy cô với con cái mình, một chút lòng tri ân cũng chẳng đáng là bao. Nhưng tôi dám chắc lý do này rất ít.
Nó chỉ được chứng minh khi chính giáo viên đó không còn dạy những học sinh ấy nhưng gia đình vẫn mang quà đến tặng.
Còn phần nhiều “Sợ con mình không được cô giáo chăm sóc đàng hoàng”.
Có người “Muốn con mình được cô để ý, chăm sóc nhiều hơn những học sinh khác”. Có người do con học yếu kém muốn các thầy cô nâng đỡ để không phải lưu ban…
Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ(GDVN) - Có nhiều học viên lo lắng, thầy cô không nhận quà, phong bì của mình thì nguy to, lúc kiểm tra, thi cử dễ cho đề cương nhiều và điểm số thấp. |
Về phía giáo viên, nhiều thầy cô chủ động không nhận quà nhưng một khi phụ huynh đã muốn tặng cũng khó mà từ chối.
Người đưa ở trường không được lại đích thân tới tận nhà.
Đưa công khai không thành thì nhét vào tấm thiệp, cuốn sổ để tặng, có người nhờ dịch vụ mang đến thầy cô có từ chối cũng khó lòng…
Thấy phụ huynh tỏ ra thành tâm, có thầy cô lại tặc lưỡi bày tỏ “Mình không ép buộc phụ huynh phải biếu quà, tự phụ huynh tình nguyện làm việc đó thì sao mình không thể nhận?”
Bởi thế, không ít giáo viên thỏa hiệp chấp nhận những món quà được phụ huynh tặng, phần không nở lòng từ chối, phần cũng do cuộc sống của cá nhân thầy cô còn khốn khó, chật vật.
Khi đã nhận quà rồi, dĩ nhiên việc thầy cô đối xử với học sinh trong lớp cũng mất dần đi sự công bằng vốn có. Những trẻ nhỏ đang học mẫu giáo thường được giáo viên chăm sóc, vỗ về thân tình hơn.
Những đứa trẻ gia đình khốn khó sẽ ít được chăm sóc chu đáo và nhận sự ghẻ lạnh. Có những em được thầy cô nương nhẹ trong việc nhận xét, đánh giá.
Người còn trực tiếp đi xin điểm cho học sinh yếu để các em được lên lớp, để đạt học sinh giỏi làm thỏa mãn sự kiêu hãnh của cha mẹ hay xin hạnh kiểm cho đẹp hồ sơ để được thi vào trường công an, quân đội…
Một chị công nhân vệ sinh buồn rầu chia sẻ: “Con em tới cửa lớp, cô còn không muốn đón nhưng lại chạy tận ra ngõ bế một cháu ba mẹ chở đến bằng xe hơi”.
Nói rồi chị đưa tay chùi vội giọt nước mắt chảy trên mi, có lẽ lúc ấy người mẹ trẻ đang nhớ về đứa con của mình, thương cho bé sẽ bị đối xử ghẻ lạnh trong lớp học.
Chuyện mặn-ngọt-chua-cay từ quà tết của một người thầy(GDVN) - Giá như ai cũng hiểu thầy cô để đừng làm gì tổn thương liêm sỉ và lòng tự trọng của họ, thì đời sống tinh thần của nhà giáo sẽ vui mãi mỗi mùa hoa đào nở! |
Không ít học sinh cũng thường phân bì cô thương bạn này, ưu ái bạn kia nhưng lại hà khắc với bạn nọ một phần cũng do những nguyên nhân như thế.
Còn học sinh lại còn quá ngây thơ để hiểu rằng vì sao lại có chuyện như vậy?
Việc gia đình luôn tặng quà và săn đón giáo viên cũng dễ làm cho con cái mình chủ quan, ỉ lại không muốn học.
Không ít em cứ dương dương tự đắc nói với bạn: “Mẹ tao thân với bà cô dạy Toán nên tao không thể thiếu điểm được”.
Ai cũng biết phần lớn phụ huynh tặng quà giáo viên không phải xuất phát từ lòng biết ơn, sự tri ân với thầy cô đã và đang dạy dỗ con mình.
Món quà đã được gửi gắm biết bao tâm tư, ước nguyện cá nhân của phụ huynh trong đó. Thầy cô nhận quà cũng ngầm thỏa hiệp sẽ đáp ứng tốt nguyện vọng của chính phụ huynh.
Việc trao đổi “ngầm” đã làm cho môi trường giáo dục bớt đi vẻ công bằng, lành mạnh vốn có.
Sự toan tính lên ngôi đã gây cho không ít học sinh khác sự thiệt thòi, hình ảnh của nhiều giáo viên cũng không còn đẹp, không còn trong sáng trong mắt cha mẹ các em nữa.
Vậy nên là nhà giáo chân chính hãy biết cách từ chối với những món quà mang đầy sự toan tính cá nhân.