LTS: Tâm lý phải đưa thầy cô phong bì, phải biếu quà thầy cô mới qua được các kì thi đã và đang tồn tại trong rất nhiều người.
Thầy giáo Thiên Ấn chỉ ra thực trạng nhiều người đang bị cái suy nghĩ này ám ảnh nên khi lười học, kết quả thi không tốt thì ngay lập tức đổ lỗi do giáo viên không nhận phong bì.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một đứa cháu của tôi đang theo học lớp thạc sĩ chuyên ngành ở Đại học Quy Nhơn cho biết:
“Vừa rồi, lớp cháu rất ấn tượng với việc một thầy giáo ở một viện nghiên cứu của Hà Nội từ chối mọi chuyện lớp mời nhậu, sắp xếp, chăm lo cho thầy giáo khi đến dạy.
Kết thúc chuyên đề, thầy còn chủ động mời cả lớp chúng đi ăn uống vô tư. Chúng cháu dành trả tiền, thầy ngăn lại và bảo: "các anh, chị tiền đâu mà bày vẽ, để thầy trả cho”.
Tâm lý phải đưa phong bì cho thầy cô mới mong vượt qua kì thi đang tồn tại trong nhiều người. (Ảnh minh họa: plo.vn) |
Khi học lớp quản lý giáo dục, lớp lý luận chính trị, hành chính tôi cũng từng chứng kiến một số giảng viên kiên quyết không nhận phong bì, mặc dù cán sự lớp thay nhau năn nỉ, phân bua.
Có nhiều học viên lo lắng, họ không nhận quà, phong bì của mình thì nguy to, lúc kiểm tra, thi cử dễ cho đề cương nhiều và điểm số thấp.
Thực tế, lại không có chuyện tệ hại ấy xảy ra, các thầy, cô giáo ra đề cương, đề thi và đánh giá, chấm điểm vẫn bình thường như nhiều giảng viên khác.
Cái tâm lý, mời đi ăn uống, tặng phong bì, quà cáp để thầy cô giáo dễ dãi, chiếu cố trong kiểm tra, thi cử đã và đang tồn tại trong nhiều cán bộ, công chức, viên chức khi đi học.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi kể chuyện này, bình luận là các bạn |
Không chịu học bài, soạn đề cương, làm bài chẳng được, bị điểm thi dưới trung bình, có học viên quay sang nói xấu, chê trách giảng viên và cán sự lớp thiếu nhiệt tình, năng động trong tiếp cận, lấy lòng thầy, cô giáo.
Bên cạnh, nhiều giảng viên có năng lực chuyên môn tốt, lối sống đạo đức lành mạnh, luôn công tâm, khách quan trong đánh giá, chấm điểm thì vẫn còn đó, một số thầy cô giáo tiêm nhiễm “thói hư tật xấu” hay hù dọa, vẽ vời, gợi ý xa gần để lớp, các học viên phải quan tâm, “chăm sóc” đến mình, mỗi lớp dạy đều có phong bì… thì về nhà mới vui, mới thích.
“Cuối đợt dạy, có thầy giáo than thở: “nhà tôi hiện không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là hơi cũ, dạo này hay bị hỏng hóc", cả lớp đều hiểu ý thầy, chiều đó liền góp tiền lại, tậu 1 cái tủ lạnh mới keng, đời mới, chở đến tận nhà tặng thầy. Thầy cảm ơn lớp ríu rít”, một học viên từng học lớp thạc sĩ ở địa phương tiết lộ.
Phải nói rằng, có một số ít cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên rất dị ứng, khó chịu với chuyện “lo” cho thầy của tập thể, cán sự lớp, vì những món quà, phong bì quá mức độ tình cảm thông thường.
Nhưng lại sợ số đông nói mình keo kiệt, bủn xỉn, làm khó cho tập thể nên đành cắn răng, chấp nhận đóng góp quỹ để cho cán sự lớp, các thầy được vui.
Thành ra, khi đi học này nọ phải đóng tiền quỹ lớp, trở nên cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát.
Dạy càng nhiều lớp, các giảng viên càng được nhiều thứ.
Nhà cửa, tài sản của không ít thầy cô giáo dạy chính trị, dạy thạc sĩ bây giờ… rất đáng nể, những giáo viên phổ thông cả đời mơ mà cũng chẳng thể có được.
Ai loại bỏ được nạn đóng quỹ lớp quá nhiều, chăm lo, phong bì quá mức cho các giảng viên? Câu trả lời xin nhường lại cho tất cả học viên và các giảng viên, nhà trường.