Chính sách nhà giáo không phải chuyện đùa, đừng "đánh úp" như thế

13/02/2022 06:38
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục lấy ý kiến về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chóng vánh, nhiều giáo viên góp ý đối phó cho kịp tiến độ.

Ngày 26/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến giáo viên về một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngày 8/2/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 295/SGDĐT-TCCB gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai nội dung Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB của Bộ Giáo dục.

Ngày 9/2/2022, văn bản số 295/SGDĐT-TCCB được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 10/2/2022 thì hết hạn góp ý kiến khiến nhiều giáo viên trở tay không kịp.

Người viết đã hỏi một số đồng nghiệp ở các tỉnh Gia Lai, Bình Thuận, Quảng Trị… thì các giáo viên cũng cho biết, Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chậm trễ (ngày 9/2/2022), thời gian góp ý chóng vánh (hạn cuối ngày 10/2/2022), nhiều thầy cô chỉ thực hiện đối phó cho kịp tiến độ.

Trường Trung học cơ sở P.T.H., Thành phố Hồ Chí Minh, nhắn tin thông báo khẩn giáo viên thực hiện khảo sát lúc 12 giờ 54 phút ngày 10/2/2022 và hạn chót phải xong là 15 giờ 00 cùng ngày, nhưng gần 17 giờ giáo viên mới dạy xong thì thời gian đâu mà góp ý.

Trường Trung học cơ sở P.T.H., Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến khảo sát trên TEMIS chóng vánh khiến giáo viên trở tay không kịp. (Ảnh: Ánh Dương)

Trường Trung học cơ sở P.T.H., Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến khảo sát trên TEMIS chóng vánh khiến giáo viên trở tay không kịp. (Ảnh: Ánh Dương)

Điều đáng nói là, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 74/NGCBQLGD-CSNGCB trong khoảng thời gian giáo viên nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và Công văn này không được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục nên giáo viên chẳng biết đâu mà lần.

Cá nhân người viết cho rằng, nếu Bộ Giáo dục có tinh thần cầu thị, thực lòng muốn lấy ý kiến giáo viên về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, Bộ Giáo dục chỉ cần đăng tải công văn này lên cổng thông tin điện tử, mục Văn bản chỉ đạo điều hành lĩnh vực của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, thì giáo viên sẽ được tiếp cận rất nhanh chóng.

Hoặc ít ra, Bộ Giáo dục gửi công văn đến Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành trên cả nước vào thời điểm cuối tháng 1/2022 thì giáo viên sẽ đọc, góp ý thấu đáo, vì đây là thời gian thầy cô được nghỉ Tết Nguyên đán, có thời gian suy nghĩ kĩ càng hơn.

Tại đơn vị tôi đang công tác (Thành phố Hồ Chí Minh), tổ chuyên môn X. có 15 giáo viên thì hết 14 thầy cô làm đối phó bằng cách trả lời “đồng ý” tất các các phương án được khảo sát trên hệ thống thông tin quản lí đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (TEMIS) vì thời gian quá gấp.

Một số giáo viên cho biết, thông tin trên TEMIS có những nội dung thầy cô đọc mà không hiểu gì vì không phải là chuyên gia nghiên cứu về luật, chẳng hạn:

“Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ các Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT để bảo đảm quy định về thời gian làm việc tối thiểu trong hạng tại khoản 4 mục ghi chú Bảng 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP”.

Có giáo viên trong tổ chuyên môn của tôi tỏ ra bất mãn khi nghe đến thăng hạng chức danh nghề nghiệp, vì kể từ ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT cho đến thời điểm này, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tổ chức thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II cho viên chức trường trung học phổ thông.

Ngày 10/2/2022, một giáo viên trường trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Trị nhắn tin xin tôi câu trả lời những nội dung được khảo sát trên TEMIS để nộp phiếu cho kịp tiến độ vì bản thân thầy cô “mù tịt về thông tư, nghị định”.

Tôi chỉ biết lấy một số bài viết phân tích về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi cho thầy cô tham khảo.

Một điều nữa cũng xin nói thêm, trên TEMIS, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị giáo viên bậc trung học phổ thông góp ý về việc bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp, có liên quan đến bậc trung học cơ sở là chưa hợp lí.

Vì giáo viên bậc trung học phổ thông chỉ tìm hiểu Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT, chẳng mấy ai đọc Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT (bậc trung học cơ sở) làm gì. Ví dụ, các câu hỏi này khiến giáo viên trung học phổ thông (hay giáo viên tiểu học) khó góp ý cho bậc trung học cơ sở:

“Giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó để bảo đảm đúng với quy định về nguyên tắc xếp lương tại điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Ví dụ: Giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ hệ số lương 3,33 đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới thì được chuyển xếp lương vào hệ số 4,00”.

Hay: “Khi giáo viên đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm từ hạng I, II cũ vào hạng I, II mới nhưng hệ số lương hiện hưởng chưa ngang bằng với hệ số lương khởi điểm của bảng lương quy định cho hạng thì chưa thực hiện chuyển xếp lương mới mà giữ nguyên hệ số lương hiện hưởng.

Ví dụ: Giáo viên trung học cơ sở hạng II cũ đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm hạng II mới, nhưng hệ số lương hiện hưởng là 3,33 thì chưa chuyển xếp lương vào hệ số 4,00 mà phải đợi đến khi được hưởng hệ số lương 3,99 thì mới được xếp lương 4,00”.

Ngoài ra, trên TEMIS có hỏi “Để phân biệt được giáo viên ở hạng cao, theo thầy, cô cần dựa vào những yếu tố nào”, khiến tôi không đồng tình. Theo tôi, các phương án sau không thể làm căn cứ để phân biệt giáo viên hạng cao (với hạng thấp hơn):

a) Giáo viên ở hạng cao hơn phải thực hiện thêm một số nhiệm vụ có tính chất phức tạp hơn;

b) Giáo viên ở hạng cao hơn có trình độ đào tạo, bồi dưỡng cao hơn;

c) Giáo viên ở hạng cao hơn có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn;

d) Giáo viên ở hạng cao hơn được xếp lương ở bảng lương có hệ số lương cao hơn;

đ) Tất cả các phương án trên.

Bài viết "Chia giáo viên làm 3 hạng vừa tạo ra bất công, vừa không phù hợp Luật Giáo dục" được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 7/2/2022 đã phân tích, Luật Giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy và giáo dục học sinh theo kế hoạch, chương trình giáo dục nên phân hạng giáo viên là bất hợp lí.

Tôi cũng rất băn khoăn, cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, vậy thì Bộ Giáo dục sẽ thu thập ý kiến góp ý của thầy cô trong bao lâu? Rồi việc phân tích, phân loại các ý kiến sẽ được các chuyên gia của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xử lí thế nào? Bộ Giáo dục có công khai ý kiến giáo viên sau khi được góp ý hay không?

Thiết nghĩ, chế độ, chính sách giáo viên rất cần được Bộ Giáo dục nghiên cứu một cách thấu đáo trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì liên quan đến hơn 1 triệu thầy cô đang giảng dạy ở các nhà trường, từ bậc mầm non đến phổ thông công lập.

Bộ Giáo dục nên đọc những bài viết liên quan đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua để chỉnh sửa chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sao cho “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên” như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Ánh Dương