Bộn bề khó khăn, trung tâm GDNN-GDTX mong được đưa về trực thuộc Sở Giáo dục

06/07/2022 06:51
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Gặp khó trong triển khai mô hình, các trung tâm GDNN-GDTX một số địa phương mong được dưa về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo để hoạt động hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) cho biết: “Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên được sáp nhập từ năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo bàn giao nguyên trạng từ đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến đội ngũ...

Tuy vẫn vận hành từ đó đến nay, song, bản thân các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên lại có mong muốn về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý như trước đây, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau”.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). (Ảnh: TTCC).

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). (Ảnh: TTCC).

Bà Phạm Thị Xuân (Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo, Điện Biên) lý giải: “Triển khai theo mô hình hiện tại, có rất nhiều bất cập. Chẳng hạn, với việc bổ sung giáo viên, khi đưa về Ủy ban nhân dân huyện quản lý, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, khi trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thiếu giáo viên, Sở sẽ điều động từ các trường trung học phổ thông sang dạy học cho học sinh.

Hiện tại, số lượng biên chế cán bộ giáo viên của trung tâm đối với cả giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên là 19, tuy nhiên trên thực tế chỉ còn 16 giáo viên. Thực tế, bên giáo dục thường xuyên gần như không đủ giáo viên của mỗi môn học, cụ thể, trung tâm đang có 3 môn không có giáo viên. Bởi vì khi sáp nhập, định biên cho giáo viên bị giới hạn, mặc dù về tổng biên chế thì có 19 giáo viên, nhưng số lớp quá ít nên không thể tuyển thêm giáo viên.

Phía đào tạo nghề có nhiều biên chế hơn, đối với giáo viên của các ngành nghề đảm bảo thường xuyên thì trung tâm có thể sử dụng giáo viên hợp đồng thỉnh giảng bên ngoài dễ hơn, còn đối với giáo viên dạy văn hóa thì rất khó.

Chính vì vậy, nguyện vọng, tâm tư của giáo viên các trung tâm cũng đều mong muốn trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được đưa về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, quản lý sẽ tốt hơn”.

Bà Phạm Thị Xuân cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như với trang thiết bị trang bị phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, trung tâm cũng đang bị động, phải phụ thuộc vào kinh phí của Ủy ban nhân dân huyện. Để xin kinh phí mua sắm thiết bị, phía huyện đòi hỏi cung cấp giá các gói thiết bị hết bao nhiêu, nhưng chúng tôi cũng không biết bao nhiêu để trình.

Nếu như trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý toàn bộ, sẽ phụ trách toàn bộ, mọi kiến nghị cũng dễ thực hiện hơn so với hiện tại.

Đây là tình trạng vướng mắc chung mà các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn đang gặp phải”.

Trao đổi thêm về tâm tư của giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn, ông Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cũng cho hay: “Sở không có thẩm quyền sắp xếp, biên chế giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Bởi, theo khoản 2 Điều 20 Thông tư số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGĐT-BNV ngày 19/10/2015, việc sắp xếp, biên chế giáo viên do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

Tuy nhiên, có một số cán bộ quản lý, giáo viên mong muốn chuyển trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý”.

Ông Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: H.B).

Ông Trần Văn Thức (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: H.B).

Cụ thể, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa phân tích: “Vì sao lại có mong muốn chuyển trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về Sở Giáo dục và Đào tạo? Có thể kể đến một số lý do như sau: Thứ nhất, để giảm đầu mối quản lý. Vì hiện nay trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang chịu sự quản lý của 3 cơ quan (gồm Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Thứ hai, thuận lợi trong việc quản lý, triển khai chuyên môn (bồi dưỡng, tập huấn thay sách giáo khoa, sinh hoạt chuyên môn…). Vì chương trình giáo dục thường xuyên tương đương với chương trình trung học phổ thông, trong khi đó cấp huyện chỉ quản lý cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Thứ ba, thuận lợi trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên. Vì nếu trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thì thuận lợi trong việc điều động, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa (trường trung học phổ thông) đến nơi thiếu (trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) và ngược lại”.

Ngân Chi